Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Phạm Thị Hoài
Menu du dimanche
Paris, Actes Sud, 1997, 139 p.

RFI, section vietnamienne, 21 nov. 1997



Thực đơn ngày chủ nhật


Đây là tập truyện ngắn của Phạm Thị Hoài do bà Colette Kowalski dịch sang tiếng pháp được nhà xuất bản Actes Sud phát hành vào tháng tư năm nay. Có điều đáng chú ý ở đây là tập truyện này được dịch từ bản tiếng đức qua tiếng pháp chứ không phải dịch từ bản gốc tiếng việt.

Nhà xuất bản có lưu ý độc giả về điều này và giải thích là thể theo lời yêu cầu của chính tác giả, nữ sỹ Phạm Thị Hoài. Trong số 11 truyện ngắn của tập này thì một số đã được in trong tập mang tựa đề Từ Man nuơng đến A.K. do Hợp Lưu xuất bản năm 1993 ở Mỹ, chẳng hạn như các truyện "Cuộc đến thăm của ngài thanh tra chính phủ", "Nền cộng hoà của các nhà thơ", "Một anh hùng", "Những con búp bê của bà cụ", "Thuế biển", "Kiêm ái" và "Truyện thày AK, kẻ sỹ Hà Thành". Các truyện ngắn mới gồm có "Thực đơn ngày chủ nhật", "Tiệm may Sài Gòn", "Năm ngày", và "Cơn mưa".

Qua ngòi bút của Phạm Thị Hoài thì người đọc tự cảm nhận là tác giả, trước khi sáng tác đã đọc qua rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới từ trước đến giờ. Đó là điều cần thiết cho những người cầm bút. Đọc qua tập truyện ngắn này, độc giả ham mộ Phạm Thị Hoài sẽ không thất vọng vì tác giả vẫn giữ nguyên lối văn quen thuộc mà các từ ngữ được lựa trọn nghiêm chỉnh để diễn đạt ý tưởng. Các truyện ngắn này đều có bối cảnh chung là xã hội Việt Nam trong giai đoạn gần đây, hay nói cách khác đó là chân dung của thời đại qua các nhân vật bình thường trong dân gian. Người kể truyện đôi khi là nhân vật chính, có thể là nam hay nữ, đôi khi chỉ là đôi mắt theo dõi sự đời. Đôi mắt đó theo dõi rất tinh vi và tỉ mỉ từ hình dáng bề ngoài tới nội tâm của các nhân vật.
Sự mỉa mai của cuộc đời được diễn đạt như mọi chuyện bình thường vì hầu như tất cả đều là mỉa mai, vô vị, vì giá trị tinh thần trong cuộc sống không còn gì cả. Đây có phải là tiếng nói của những người đã thức tỉnh sau nhiều năm mang hoài bão về tương lai, văn học, cũng như cuộc sống. Trong truyện "Thầy A.K. kẻ sĩ Hà Thành", Phạm Thị Hoài đã mỉa mai nhân vật "Kẻ sĩ thứ mười" như sau, xin trích : "Thực ra thì nền nghệ thuật của chúng ta chẳng có chỗ nào đáng phê bình, nó đã hoàn hảo theo cách của nó, giúp nó hoàn hảo hơn là điều không thể được, chỉ có thể giải tán nó đi thay bằng nền nghệ thuật khác, nhưng như thế hóa ra là đập phá và nổi loạn, mà không có gì xa lạ với chàng hơn hai động từ gớm ghiếc đó", hết lời dẫn. Nói một cách khác thì tác giả không thể chấp nhận được cái chức năng công cụ của văn học vì theo quan niệm của tác giả thì văn học phải độc lập, không phải lệ thuộc một thế lực nào dù là chính thống hay đối lập.

Để kết thúc bài giới thiệu tập truyện ngắn này thì có thể nói là bản dịch tiếng pháp không được hoàn chỉnh, có đoạn tối nghĩa. Đây có phải vì dịch từ bản tiếng đức qua không, vì bản tiếng đức đã là bản dịch rồi ? Bởi thế, bản dịch qua tiếng pháp không còn sức mạnh và thu hút của ngòi bút Phạm Thị Hoài như khi người ta đọc bản gốc bằng tiếng việt. Người Pháp thường nói rằng "Traduire c'est trahir", có nghĩa là "dịch là phản bội", nhưng không ai nghĩ là trong tập truyện ngắn Thực đơn ngày chủ nhật dịch giả đã phản bội tác giả.

Sommaire de la rubrique
Haut de page