Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Collectif d'auteurs dirigé par Philippe Jacquin
Terre indienne. Un peuple écrasé, une culture retrouvée
Paris, Autrement, 1991, 228 p.

RFI, section vietnamienne, 26 déc. 1997



Thân phận dân tộc và sự tái sinh của một nền văn hoá


Mọi người đều biết là năm 1492 Christophe Colomb đã phát hiện ra Châu Mỹ mà ông tưởng rằng đó là đất Ấn Độ và sau đó người Âu Châu tràn qua vùng đất mới để xâm chiếm và đánh đuổi những thổ dân ở đó. Riêng ở Bắc Mỹ tức là Hoa Kỳ và Canada bây giờ thì sự xâm lăng để bắt những bộ lạc nguời "Da Đỏ" phục tùng còn kéo dài tới cuối thế kỷ thứ 19, trước khi những bộ lạc đó bị loại khỏi vòng chiến, và đất Mỹ hoàn toàn thuộc về sở hữu của người Mỹ.

Đã có tất cả bao nhiêu người Mỹ "Da Đỏ" đã phải bỏ mình trên chính quê hương sứ sở của họ trước sự xâm lăng và tàn bạo này ? Người ta không biết chắc chắn là bao nhiêu vì không có tư liệu đáng tin cậy nào để khẳng định điều này. Tuy thế người ta ước tính rằng năm 1492 khi người Âu Châu đặt chân tới Bắc Mỹ thì dân số người Mỹ "Da Đỏ" khoảng 8 triệu người và đến đầu thế kỷ 20, năm 1900 thì chỉ còn lại 237 ngàn người, tức là 97 % dân số của các bộ lạc sống rải rác trên khắp lãnh thổ đã bị tiêu diệt nếu không nói đây là một sự diệt chủng. Hiện tại thì dân số người Mỹ "Da Đỏ" có khoảng 2 triệu người sống rải rác khắp Hoa Kỳ trong các khu bảo vệ dành riêng cho họ. Những nhân vật nổi tiếng trong kháng chiến chống lại xâm lăng để bảo vệ miền đất sống của họ như Sitting Bull, Geronimo đã đi vào ký ức và tiềm thức của những người Mỹ băn khoăn về quá trình lịch sử dựng nước của họ, nếu không nói là Liên Bang Mỹ đã được xây dựng trên máu và nước mắt của người thổ dân.

Trên đây là một vài ý chính trong cuốn sách mang tựa đề Terre indienne, tạm dịch là "Đất nước của người Mỹ Da Đỏ" do nhiều chuyên gia biên soạn và được nhà xuất bản Autrement phát hành đầu năm 1993, trong dịp người ta làm lễ trọng đại kỷ niệm 500 năm ngày "phát hiện" ra Tân Thế Giới. Từ trước đến giờ, thành ngữ Tân Thế giới dùng trong văn chương hay văn bản là lạm dụng vì Châu Mỹ chỉ là Tân Thế giới đối với nguời Âu Châu thôi, chứ đối với thổ dân ở đấy thì đã là quê hương của họ từ nghìn xưa rồi. Và sự lạm dụng này đã đưa đến luận thuyết phát minh để hợp pháp hóa quyền sở hữu của người Âu Châu vì họ cho là họ đã phát hiện ra Châu Mỹ thì Châu này thuộc về họ : điều mà người Mỹ "Da Đỏ" không thể nào hiểu nổi vì đối với họ thì đất đai, sông núi không thể nào thuộc quyền sở hữu của ai cả, mọi người đều có thể chung sống với nhau trên cùng mảnh đất nếu hoà hợp.

Thử trích lại vào giòng bài phát biểu của một thủ lãnh người "Da Đỏ" năm 1854 khi chính quyền Mỹ đề nghị mua lại vùng đất bây giờ thuộc tiểu bang Seattle, nơi sinh sống của một bộ lạc : "Ông đại thủ lãnh ở Washington (có nghĩa là tổng thống Mỹ) ngỏ ý muốn mua lãnh thổ của chúng ta. Ông đại thủ lãnh rất rộng lượng vì chúng ta thừa biết rằng ông ta không cần đến tình bạn của chúng ta. Dù sao đi nữa, thì chúng ta sẽ cân nhắc lời đề nghị này, vì chúng ta biết rằng nếu chúng ta không bán thì người Da Trắng sẽ mang súng đến để chiếm đoạt. Nhưng làm sao người ta có thể mua bán trời, sức ấm của đất đai ? Thật là một điều lạ lùng đối với chúng ta ! Nếu sự mát mẻ của không khí, ánh lấp lánh trên dòng nước không thuộc quyền sở hữu của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể bán được ? Thửa đất có nhỏ bé đến mấy cũng thiêng liêng đối với dân ta. Mỗi lá kim lóng lánh của cây thông, mỗi bãi cát, mỗi áng sương mù trong rừng, mỗi rừng chống, tiếng kêu của côn trùng, tất cả những điều này đều thiêng liêng đối với dân ta. [...] Bởi vậy khi ông Đại thủ lãnh ở Washington muốn mua lãnh thổ của chúng ta, là ông ta đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều. Nguời "Da Đỏ" lúc nào cũng phải lùi bước trước người Da Trắng như sương mù phải chạy trốn khi mặt trời xuất hiện. Chúng ta biết rằng người Da Trắng không hiểu các ý tưởng của chúng ta. Đối với họ, mảnh đất nào cũng như mảnh đất nào, họ là kẻ xa lạ tới giữa ban đêm để cướp đất tùy theo nhu cầu của họ.

[...] Các người (ám chỉ người Da Trắng) hãy dạy cho can cái các người biết là lòng đất, mà chân chúng đang dẫm lên được tạo bằng tro của ông cha chúng tôi. Hãy dạy cho chúng biết là sức sống của người dân chúng tôi đã tạo cho mảnh đất này phong phú. Các người hãy dạy cho con cái các người những điều chúng tôi dạy cho con cái của chúng tôi rằng đất đai là mẹ của chúng ta. Tất cả những gì xẩy đến với đất đai sẽ xẩy đến với những người con của đất đai. Nếu con người khạc nhổ vào đất đai tức là con người tự khạc nhổ vào chính mình. Chúng ta chỉ biết một điều : Chúng ta cùng có chung một thượng đế. Thượng đế yêu thương giải đất này. Người Da Trắng không thể nào thoát khỏi số phận chung. Chắc có lẽ chúng ta đều là anh em
."

Một tác giả trong cuốn sách cho rằng lời phát biểu này phải được giảng dạy trong khắp mọi lớp học, đây là một trong những áng văn hay nhất và nhiều ý nghĩa truyền lại cho nhân loại. Nhưng liệu nhân loại có còn đủ sáng suốt để nhìn nhận cái đẹp và những điều suy nghĩ hợp lý trong áng văn này hay không.

Sommaire de la rubrique
Haut de page