I n é d i t s

I n é d i t s





Trích hồi ký Duyên Anh (1935-1997)

Trích hồi ký Duyên Anh (1935-1997)





Bản tiếng pháp - Version française


Các trang web giới thiệu nhà văn Duyên Anh bằng tiếng việt đã khá nhiều và khá đầy đủ nên chúng tôi chỉ trích vài đoạn trong cuốn Trại tập trung. Hồi kí, Xuân Thu xuất bản năm 1988.


"Người cộng sản lúc nào cũng có thể to miệng nói với thế giới rằng họ không hề bắt nhốt sĩ quan quân đội, sĩ quan cảnh sát, công chức cao cấp, dân biểu, nghị sĩ, nghị viện, đảng phái đối nghịch đảng cộng sản của và trong chế độ Việt Nam cộng hòa. Những thành phần này họ gọi chung là "ngụy quân, ngụy quyền". Rõ rệt và chính xác, những thành phần này đã đi trình diện học tập cải tạo. Thế giới không cần biết cái thông cáo cưỡng bức và đe dọa "ngụy quân, ngụy quyền". Và cộng sản phủ nhận con số tù nhân chính trị mà họ giam giữ. Với cộng sản, không có tù nhân chính trị. Các tổ chức chống cộng sản sau 30-4-75, những thanh niên, sinh viên, học sinh chiến đấu cho tự do dân chủ của dân tộc; những nhà trí thức đòi hỏi nhân quyền, bị cộng sản xếp vào thành phần"phản động", can tội phá hoại an ninh của "tổ quốc" và bị bắt bỏ tù không cần xét xử, không có án tích. Tất cả những nơi giam nhốt, đây đọa tù nhân, cộng sản đều gọi là Trại học tập cải tạo và thế giới đều gọi là Camp de rééducation. Cộng sản không gọi là Nhà tù hay là Trại tập trung khổ sai lao động. Thế giới không gọi thế và báo chí Việt Nam hải ngoại cũng không gọi thế. Cho nên ý nghĩa của tù nhân chính trị Việt Nam nó phôi pha dần theo tháng năm. Như tị nạn chính trị bước sang giai đoạn tị nạn kinh tế ! Sự can thiệp của các hội đoàn nhân đạo quốc tế chỉ nhằm cá nhân, không nhằn tập thể. Mọi lên tiếng về tù nhân chính trị ở Việt Nam mang tính chất làm cảnh theo cảm hứng theo mùa màng. Cộng sản cấm chỉ báo chí thế giới thăm viếng nhù tù và trại tập trung của họ. Cả miền Nam, có một trại kiểu mẫu để tiếp phái đoàn Amnesty International (vì AI trung lập với tất cả các chế độ chính trị) và các hội đoàn quốc tế thân cộng sản. Thế giới chỉ hiểu lơ mơ về nhà tù và trại tập trung khổ sai lao động của cộng sản qua sự tường trình của những ông Việt Nam cư ngụ tại Pháp từ 30 năm. Và những ông này đều gọi những địa ngục tù Việt Nam là Trại học tập cải tạo ! Thủ đọan bắt nhốt hàng trăm ngàn tù nhân của cộng sản nó siêu việt thế đấy. Đi học tập, không đi khổ sai lao động. Tình nguyện trình diện học tập cải tạo, không hề bị bắt giam nhốt. Phải công nhận cộng sản chơi chữ rất giỏi. [126-127]

Cộng sản nắm vững tâm lý tù nhân. Cái thứ án gọi là án phạt tập trung cải tạo nó bắt tù nhân không được phép tuyệt vọng và chỉ được phép hi vọng kiểu hy vọng trúng xổ số. Tù không có án, có thể, ngày mai được tha, có thể, ba năm được tha, có thể, ba mươi năm được tha. "Về hay không là ở các anh có tiến bộ hay không. Tiến bộ sớm về sớm. Tiến bộ muộn về muộn". Không bao giờ có dọa nạt : Không tiến bộ không về. Nghĩa là đã học tập cải tạo tất sẽ phải tiến bộ. Tiến bộ sớm hay tiến bộ muộn là do thiện chí cải tạo. Thiếu thiện chí cải tạo thì lâu tiến bộ. Sự tiến bộ nhìn rõ ở lao động. "Lao động là cái thước đo giá trị con người". Lao động thể hiện tư tưởng vì lao động là hành động. Hành động trọng tâm xác định tư tưởng tốt chỉ là lao động tích cực đạt chỉ tiêu. Ngoài ra, những hành động chào kính, tuân hành mệnh lệnh thể hiện sự hết thù nghịch cách mạng. "Tư tưởng thể hiện hành động". Hành động tốt, tư tưởng tốt. Hành động tốt giả vờ, tư tưởng vẫn tốt. Cộng sản thừa hiểu hành động tốt giả vờ là nín thở qua cầu nhưng họ chấp nhận nín thở qua cầu hơn chống đối ra mặt. Bởi thế, cái mà tù nhân hấp thụ được từ nền cải tạo của cộng sản là sự gian dối. Tất cả nền giáo dục cải tạo của cộng sản là sự gian dối. Tất cả tù nhân, ra khỏi trại cải tạo, đều trả lại sự gian dối cho cộng sản. Hiếm họa mới còn người coi sự gian dối như chân lý.

Tù nhân bối rối trong câu nói khoan dung khốn kiếp : "Đảng và Nhà nước không muốn giam giữ các anh, nhưng về hay ở là tùy thái độ cải tạo của các anh". Như tôi đã viết, tù nhân mang án phạt tập trung cải tạo, có thể, ngày mai về, tuần sau về, tháng sau về hay ba mươi năm sau về, nên không dám vượt ngục. Nhỡ mai được tha về thì sao ? Cái hy vọng mơ hồ làm tù nhân quên tuyệt vọng. Và cam đành chờ đợi... xổ số. Tù nhân gọi những buổi tập họp giữa sân trại hay tại hội trường nghe đọc danh sách những người được tha là nghe kết quả xổ số. Tại sao nghe đọc kết quả xổ số ? Vì không biết ai sẽ được về. Tù nhân lao cải là những người không mua vé số mà vẫn bị nghe kết quả xổ số. Cùng bị bắt một vụ, cùng đi trình diện một ngày, người cấp bậc cao, người chủ mưu có tên trong danh sách. Thiếu tá Phủ đặc uỷ trung ương tình báo có tên đọc, hạ sĩ gác cổng không có tên đọc. Vậy không gọi là xổ số thì gọi là cái gì? Sự tha bổng của cộng sản ăn thua ở hên xui. Như tù nhân Nguyễn Tân Mão, thiếu úy, đã có lệnh tha ở Phước Long năm 1978. Thay vì về xum họp gia đình ngay buổi chiều đọc lệnh tha, ại nấn ná ngủ một đêm chót "enjoy" với anh em, mai mới giã từ lao cải. Nửa đêm có lệnh thu hồi Giấy ra trại. Những người đã về, coi như... tự do luôn. Những người chưa về, ở lại lao cải tiếp. Nguyễn Tân Mão bị chuyển về Z30 D Hàm Tân, nghe kết quả xổ số hàng chục lần. Mãi đến giữa năm 1981 mới... trúng số ! (...)

Bộ nội vụ quyết định tha tù nhân, không phải Giám thị lao cải. Ban giám thị ưa hù tù nhân rằng ban giám thị đề nghị, chấm điểm cho tù nhân. Tù nhân được tha sớm,, tha muộn là do đề nghị của Ban giám thị. Mà đề nghị điểm tốt lên ban giám thị là do cán bộ quản giáo. Hù thế để tù nhân tôn trọng Nội quy, nể sợ cai tù. Ngay cả Giám thị cũng không có quyền bắt, quyền tha tù nhân. Có một quyền duy nhất thả tù nhân : là ăn vàng hối lộ của thân nhân tù nhân để tù nhân trốn trại an toàn. Trường hợp này dã xẩy ra ở trại lao cải Long Giao những năm bộ đội quản lý tù nhân. Một tù nhân trốn trại, bị bắt, bị nhốt vào conex, vẫn mở conex trốn ra như James Bond rồi vượt biên. Những thằng tưởng làm "ang ten" ở nhà tù, ở trại tập trung sẽ được tha sớm là những thằng ngu. Nhựng thằng viết rằng vì bị "ăng ten" tố cáo mà nằm tù mút chỉ là những thằng đại ngu. Từ năm 1980, sĩ quan công chức học tập cải tạo, muốn về, chỉ cần gia đình có nhiều vàng chuộc. (...) Khi tù nhân chán nản, tuyệt vọng, lập tức, trại đột xuất cho nghỉ lao động vài ngày, cho ăn cơm trắng với thịt kho. Thế là bàn tán, suy luận, suy diễn. Toàn suy diễn tốt về phía mình. Bồi dưỡng để tha đây. Đảng và Nhà nước thay đổi nhiều rồi. Hy ọng lại dâng tràn. Nghỉ lao động vài ngày rồi lao động lề mề. Quản giáo không thúc dục, không kiểm tra. Giờ giải lao kéo dài cả tiếng. Văn nghệ ngoài bãi. Nhạc vàng, vọng cổ hát líp ba ga. Tắm thỏa thuê. Về trại sơm. Trực trại dễ dãi ca cóng. Thăm gặp không giới hạn. Có sức tha hồ gánh quà. Tự do hàn huyên với thân nhân. Sợi giây siết cổ tù nhân nới lỏng, nới lỏng tưởng chừng tháo tung. Mầm mống nổi loạn vừa nhú lên, vội vàng tàn lụi. Không có gì để chống đối cả. Trại đối sử tốt quá rồi. Cứ lè phè đợi cầm giấy ra trại. Trốn trại là ngu. Bị bắn khổ vợ con. Nổi loạn là dại. Trứng khó địch lại đá. Tư tưởng thua AK. Cộng sản biết cách xì bong bóng. Không bao giờ họ bơm căng, không bao giờ họ dồn tù nhân vào chân tường. Dồn gần sát chân tường, họ dẫm phản ứng rồi họ lại đẩy ra. Nới lỏng giây siết cổ rồi lại siết dần. Cứ thế họ quản lý tù nhân, tháng này qua năm nọ. Và không hề có nổi loạn đánh phá trại giam, cướp súng giết cai tù.

Nghệ thuật rỉ tai gây ngờ vực rồi thù hận lẫn nhau giữa tù nhân của cộng sản đã tinh vi, nghệ thuật tung tin công khai của cộng sản càng tinh vi. Bàn hương án bầy ra, Giám thị, khuôn mặt đằng đằng sát khí, lời lẽ sắt thép : - Các anh chỉ có một con đường chọn lựa. Đó là con đường tích cực lao động cải tạo tư tưởng để được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước sớm về xum họp gia đình. Ngoài con đường đó là vô vọng. Mới đây đế quốc Mỹ đòi chuộc các anh. Chúng định giá các anh như súc vật, mỗi đầu người 2500 đô la. Đảng và Nhà nước quý trọng con người, triệt để bảo vệ phẩm cách con người, không vì cần đô la mà bán các anh như bán nô lệ. Các anh đừng hòng đế quốc Mỹ cứu các anh. Đừng hòng. (...)

Cộng sản thả cái phao mục cho tù nhân sắp chết đuối. Chưa đủ, tự nhiên, họ ân cần yêu cầu tù nhân nào có thân nhân di tản trước 30-4-75 sang Mỹ, sang Úc, sang Pháp ... thì thành khẩn khai báo. Ai không khai sẽ mất quyền lợi và không được khiếu nại. Tù nhân đang muốn nổi loạn, bèn sẹp xuống. Người ta công khai thảo luận đề tài hấp dẫn "Mỹ cứu tù nhân cải tạo". Người ta suy diễn. Người ta suy luận. Người ta chìm vào chiêm bao. " [162-166]

trait


Tác phẩm đã xuất trước 1975:


Mặt trời nhỏ (1970)
Rồi hết chiến tranh (1970)
Chương còm (1970)
Đàn bà (1970)
Giặc Ô-Kê (1971)
Kẻ bị xóa tên trong sổ bụi đời (1971)
Nước mắt lưng tròng (1971)
Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971)
Áo tiểu thư (1971)
Hưng mập phiêu lưu (1971)
Tên một loài hoa quê hương (1971)
Ngựa chứng trong sân trường (1971)
Con thúy (1971, có bản dịch qua tiếng pháp)
Thằng Khoa (1972
Về yêu hoa cúc (1972)
Phượng vĩ (1972)
Thư tình trên cát (1973)
Đêm thánh vô cùng (1973)
Cám ơn em đã yêu anh (1974)
Bò sữa gặm cỏ cháy (1974)
Sa mạc tuổi trẻ (1974)
Cây leo hạnh phúc (1974)
Hạ ơi (197.)
Rồi hết chiến tranh (197.)
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (1-1975)

Hoa thiên lý (1963)
Thằng Vũ (1965), (dịch qua tiếng pháp)
Luật hè phố (1965)
Điệu ru nước mắt (1965)
Dấu chân sỏi đá (1966)
Dũng Đa kao (1966)
Ảo vọng tuổi trẻ (1967)
Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang (1967)
Gấu rừng (1967)
Cỏ non (1967)
Bồn lừa (1967)
Nặng nợ giang hồ (1968)
Tuyển truyện tuổi thơ (1968)
Ngày tưa còn bé (1968)
Mây mùa thu (1968)
Cầu mơ (1969)
Con suối ở miền Đông (1969)
Ánh mắt trông theo (1969)
Ánh lửa đêm tù (1969)
Trường cũ (1969)
Thằng Côn (1969),(dịch qua tiếng pháp)
Tuyển truyện Duyên Anh (1970)
Mơ thành người Quang Trung (1970)
Nhà tôi (1970)
Lứa tuổi thích ô mai (1970)
Tuổi mười ba (1970)



trait


Tác phẩm xuất bản sau 1975 ở hải ngoại :


Nhà xuất bản Nam Á (Paris - Pháp):

Thơ tù (1984)
Một người tên là Trần Văn Bá (1985)
Sỏi đá ngậm ngùi (1985)
Bầy sư tử lãng mạn (1986)
Quán trọ trước cổng thiên đường (1986)
Một người nga ở Sàigòn (1986, có bản dịch qua tiếng pháp)
Nhánh cỏ mộng mơ (1987)
Đồi Fanta (dịch qua tiếng pháp, kịch bản phim Poussière de vie)

Nhà xuất bản Tam thiên (Mỹ)

Ngược dòng chữ nghĩa

Nhà xuất bản Xuân Thu (Los Alamitos - Mỹ)

Nhà tù (hồi kí, 1987)
Trại tập trung. Hồi kí (1988)
Sàigòn ngày dài nhất (hồi kí)
Nhìn lại những bến bờ
Người tù binh Mỹ ở Việt Nam
Em tôi, Sàigòn và Paris


Nhà xuất bản Tuổi Ngọc (Paris-Dallas)

Những đưa trẻ con Mỹ hẩm hiu
Vỡ lòng ca dao (1995)
Về với ca dao (1995)
Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc



trait


Một số đã dự định nhưng không biết đã được xuất bản chưa như :


Hồn say phấn lạ
Người của tháng tư
Giặc cờ đỏ
Tuổi bướm sầu
Đồng Nai tư mã
Cám ơn ngục tù
Nhân danh những gì tôi biết
Những đứa trẻ Long Xuyên mơ vượt biển Bắc
Người muôn năm cũ

Những người thơ yêu mến
Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về
Những đứa trẻ Thái Bình
Nhìn lại mình, hồi kí viết báo, 10 cuốn
Nhà tôi tiếp theo
Nhà tôi vượt biên
Nhà tôi xuất ngoại chính thức
Nhà tôi đi Tây.




Sommaire de la rubrique
Haut de page