I n é d i t s

I n é d i t s




Cái "tôi" của người Việt Nam

Cái "tôi" của người Việt Nam




Version française - bản tiếng pháp



Ở đây chúng tôi không tranh luận về chủ nghĩa cá nhân tốt hay xấu, chủ nghĩa cá nhân tốt hơn hay chủ nghĩa tập thể tốt hơn, mà chỉ nêu ra vài nhận xét. Những ai quan tâm đến vấn đề này có thể xem trang của đàn cò dành cho vấn đề này. Trong cuộc tranh luận này thì chúng tôi nghiêng hẳn về lập trường của nhà văn và nhà khoa học Alexandre Zinoviev (1922-2006) : "Theo chủ nghĩa cá nhân trong cái xã hội đó [xã hội tập thể mà lúc nào người ta cũng bị kiểm soát bởi các đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm, tất cả những thái độ và suy luận đều bị áp đặt từ phía bên ngoài] có nghỉa là nổi loạn chống lại xã hội đó, đó là hình thức cực đoan nhất của sự chống đối"[1]. Tuy thế chúng tôi không bao giờ chấp nhận một xã hội mà trọng lượng của cá nhân có thể làm nó sụp đổ, vì giữa hai mô hình xã hội cực đoan này còn có mô hình trung dung.

Xã hội việt nam [1] cổ truyền cũng như nhiều xã hội ở Đông Nam Á như xã hội nhật bản hay xã hội của các dân tộc thiểu số trên khắp vùng đất nước, đó là chưa nói đến những xã hội ở những châu khác, là xã hội của tập thể, tập thể bao giờ cũng quan trọng hơn cá nhân và đứng trên cá nhân, cá nhân phải phục tòng tập thể trong các sinh hoạt cộng đồng. Tập thể ở đây có thể là gia đình, hội đoàn, làng xã, đảng phái, v.v. Chẳng hạn thỉnh thoảng ĐCSVN vẫn nhắc nhở các đảng viên qua những chiến dịch bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Bởi mô hình này nên cá nhân thường ít có dịp để nổi bật trở thành một nhân vật quan trọng trong xã hội. Nếu cá nhân muốn chiếm một địa vị nào đó hay ít gì cũng được tập thể công nhận, đó là chưa nói đến trường hợp cá nhân đứng trên tập thể, thì không có cách nào cả. Khi cá nhân không còn đủ kiên nhẫn chịu đựng thì chỉ còn con đường ly khai thoát khỏi tập thể thì cá nhân mới không bị tập thể kìm hãm. Và như thế là cá nhân đã bị loại ra khỏi tập thể như người ta loại trứng thối để vất đi, có điều hơi khác ở đây là cá nhân tự loại mình ra ngoài vòng kiểm sóat của tập thể vì không thể chịu đựng sức ép của tập thể nữa ; dĩ nhiên là cũng có trường hợp người ta loại bỏ những cá nhân « vô kỷ luật ».

Ngoài ra người ta cũng phải nhận thấy là cá nhân nào dám thóat khỏi tập thể là kẻ không sợ thách thức, không sợ cô đơn đối với tập thể, tức là một kẻ có đủ sức mạnh tinh thần, có đủ cá tính không chịu về hùa, hay a dua theo số đông bị động để theo cái mà cá nhân đó cho là phải. Một cá nhân như thế thì bao giờ cũng hiếm và khi đã lọt ra ngoài vòng kiểm soát của tập thể thì dễ trở thành kẻ tự kiêu, khoe tài và từ đó cái tôi được dịp phát triển và thể hiện.

Những người Việt gốc việt 100% sống ở nước ngoài sau khi đã trưởng thành ở trong nước thì đã ở vào tình trạng khác, môi trường khác : tập thể làng xã không còn nữa họa ra còn hội đoàn. Nhưng khi đã va chạm sống ở các nước Tây Âu tức là các xã hội của chủ nghĩa cá nhân thì cũng đã tiếp thu mô hình đó nên cá nhân không bị cưỡng ép như ở trong nước.

Thế là cá nhân được thể tiến lên để chiếm chỗ đứng cho mình vì đã được tự do. Ở trong nước thì những cá nhân có đủ cá tính để chiếm địa vị của mình thường là những văn nghệ sĩ có tí tên tuổi. Trên thực tế thì có những gì phải nói ? Ở đây xin nêu ra một vài thí dụ mà mọi người đều có thể chứng kiến dễ dàng trừ một trường hợp thuộc lãnh vực quan hệ cá nhân.

Chỉ những ai như tôi …

Gần đây tôi có đi xem phim Mê thảo của Việt Linh chiếu tại Toulouse. Xong phim thì có cuộc trao đổi với đạo diễn. Trong số những khán giả phát biểu ý kiến thì có một bà việt nam khoảng 70 tuổi, bà khán giả nói rằng : "Chỉ có những ai ngang tuổi với tôi và từng sống ở Vịêt Nam trước kháng chiến thì mới hiểu nổi cách dàn cảnh, y phục và các bài hát trong phim (thể ả đào, chầu văn)". Lời phát biểu quá chí lý nên chẳng có ai dám phản ứng.

Cái tôi của những người làm văn học

Thế hệ đi xung phong đưa cái tôi vào văn học và thi ca trong giai đoạn 1925-1945 giờ đây đã khuất bóng về bên kia thế giới. Nếu chúng ta tôn trọng và qúy mến thế hệ đàn anh này thì thế hệ sau bây giờ đã đưa cái tôi từ một địa vị được kính nể đến một cái thói vô duyên. Thỉnh thoảng gặp một văn nghệ sĩ trong nước có ít tên tuổi thì sau vài câu chào hỏi thông thường, người ta được hỏi rằng : « Anh đã đọc tiểu thuyết (bài viết, truyện ngắn...) của tôi vừa xuất bản chưa ?

Và thông thường thì không biết phải trả lời ra sao : vì nếu nói thật là chưa đọc hoặc không biết là có sách mới thì thiếu tế nhị hoặc phải để lộ cái ngu của mình, mà nói là đã đọc thì là nói dối... Đấy, cái tôi của Việt Nam nó rắc rối cho người ta như thế đó. Cái tôi của giới văn nghệ trẻ bây giờ thật là duyên dáng, duyên dáng như những phụ nữ hà nội không có mông, người thấp bé mà mặc quần bò, hay như Thái Thanh, bà hoàng của nền ca nhạc mỗi khi đi trình diễn, diện kiểu hoàng hậu Elisabeth hay phu nhân của cựu tổng thống Marcos của Phi Luật Tân... [2]

Cũng trong địa hạt văn nghệ, nếu ngồi lâu một chút thì sẽ được nghe nhà văn (hay nhà thơ, hay họa sỹ ...) kể chuyện gì đó và những người tham dự là : tôi và anh nọ, anh kia, chị Ba chị Bẩy, v.v. Dĩ nhiên « tôi » bao giờ cũng là "chim đầu đàn". Từ ngữ "tôi và..." không phải chỉ những người trong nước hay dùng, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của nó trong bất cứ tờ báo hoặc tạp chí nào của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, và dĩ nhiên trong cả những hồi ký của các vị cách mạng lão thành như Trần Văn Giầu (Tôi, Văn và Phúc nảy ra cái ý là, v.v., Hồi ký Trần Văn Giầu, Phần thứ nhất, 5. Căng Tà Lài : “ Trại lao động đặc biệt ”.. Đó là từ ngữ đầu môi của các văn nghệ sĩ, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Có nghĩa là cái tôi của người Việt vượt lên trên những gianh giới ý thức hệ, cả những người "cộng sản" hay những người chống cộng đều gặp nhau ở điểm này.

Trong trang giới thiệu nhà văn Duyên Anh, đã nhắc đến chuyện bìa sách, tên tác giả và tên người dịch. Xin nhắc lại là nếu để ý tìm thì sẽ mua được một tập truyện ngắn của các nhà văn ngoại quốc được dịch qua tiếng việt. Và nếu ta ngắm nghiá bìa sách thì sẽ thấy là tên người dịch chiếm khoảng 1/3 diện tích trang bìa : chắc đây là một kỷ lục chưa thấy nước nào đoạt được ! Có thể nhà xuất bản đã quyết định như thế và người dịch không dính dáng gì đến cách trinh bày bìa sách, tuy thế nhà xuât bản đã biết ca tụng cái tôi của người dịch.

Nhà dân chủ & Hoàng Minh Chính

Cách đây khoảng mươi năm, tình cờ tôi nghe tin đài RFI phỏng vấn Hoàng Minh Chính vừa ra khỏi nhà tù lần cuối. Tôi liền điện thoại hỏi một nhà (tranh đấu cho) dân chủ cũng có tiếng, có được nghe cuộc phỏng vấn đó không. Thay vì trả lời tôi thì nhà dân chủ lại hỏi ngược ngay lại là : « Thế Hoàng Minh Chính có nói đến tôi không ? Tôi có gặp Hoàng Minh Chính ở Hà Nội khi tôi về thăm gia đình ... » Đấy, cái tôi của người Việt Nam vĩ đại, bao la như thế cơ mà, ai mà sánh nổi ! Khi người ta tranh đấu cho dân chủ hay vì những ý tưởng cao quý mà còn chú trọng đến cái tôi như thế thì liệu có thể tin tưởng được không ? Khi cái tôi vẫn là trung tâm của những nỗi băn khoăn, đứng trên sự nghiệp, thì sự nghiệp được nêu ra còn ý nghĩa gì ?

Phạm Công Thiện ...

Tôi được biết đến Phạm Công Thiện ở tuổi đôi mươi, nhờ một người bạn đưa cho tôi đọc cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng mà Phạm Công Thiện đã dịch từ The first and the last freedom của Krishnamurti . Ngày đó đối với tôi Phạm Công Thiện là một người tôi rất kính phục và đối với tình trạng ở Lào ngày đó thì không thể nào có thể mơ ước có dịp gặp được Phạm Công Thiện, đó là cái gì quá cao xa vượt ngoài tầm tay. Tôi thầm cảm ơn Phạm Công Thiện đã dịch cuốn sách đó nên tôi mới có dịp biết đến Krishnamurti ở xứ "khỉ ho cò gáy" ngày đó là Lào.

Khi qua đến Pháp tôi có hỏi thăm thì một hôm được biết là Phạm Công Thiện đang ở Toulouse. Thời gian lại trôi qua cho đến một hôm tôi gặp cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng được tái bản bán trong một tiệm sách ở Paris [3]. Tôi mua ngay cuốn sách vì lý do tình cảm và để có sách nếu cần.

Khi tôi đọc lại mấy trang đầu thì thấy một đọan khó tưởng tượng, không ai có thể nghĩ tới điều đó vì cái ý tưởng được trình bầy (hay so sánh) thật quả siêu hình. Trong lá thư mà Phạm Công Thiện viết cho nhà xuất bản An Tiêm nhân dịp cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng được tái bản ở Việt Nam năm 1968, có in lại nguyên văn trong lần tái bản ở Mỹ, có đoạn làm tôi choáng váng – tôi không nhớ là ngày xưa khi đọc cuốn này lần đầu tiên tôi đã gặp đoạn này không mà nếu có đọc qua thì cũng không dám có ý kiến vì ngày đó Phạm Công Thiện là người tôi kính trọng. Xin trích nguyên văn đoạn đó :

(…) "Tôi vẫn không bao giờ hiểu Krishnamurti là ai, tôi vẫn không bao giờ hiểu anh là ai, cũng như Krishnamurti vẫn không bao giờ hiểu cuộc đời là cái gì hay không là cái gì. Tôi đã dịch Krishnamurti vì Krishnamurti đã nói những gì tôi đã nói ở trên trong bao nhiêu năm trời [4], vì Krishnamurti đã nói những gì tôi từng nói trước khi tôi sinh ra đời cũng như sau khi tôi sinh ra đời, vì Krishnamurti đã nói cùng ngôn ngữ với tôi bằng một hình thức khác, hình thức đánh lộn con đen, tôi và Krishnamurti chỉ là một, dù một vẫn luôn luôn có nghĩa là hai, vì tình yêu vẫn luôn luôn có nghĩa là sự chết của hữu hình và sự xoáy tròn của vô hình ? Một dấu hỏi đã được đánh lên trên thế giới sụp đổ này. Tôi là ai ? Một thằng điên, một thằng khùng, một thi sĩ, một đạo sĩ, một tên du côn hoang đàng hay một nỗi chết được gửi về sự sống trong một giây phút linh cầu của con người và của con đường ? Krishnamurti là ai ? Có phải Krishnamurti là thiền sư, một kẻ giải phóng, một người đã thấy chân lý, một đạo sỹ giác ngộ, một tình nhân của vũ trụ hay một kẻ lang thang mất lối trong sự điêu tàn của nhân loại. Tôi không cần biết ông là ai, vì ông chẳng dạy gì cho tôi cả, vì ông đã đốt cháy thiên đàng và hỏa thiêu địa đàng, vì ông không hiểu gì cả. (...)" [5]

Tôi trích ra đây một đọan dài để người đọc có đủ môi trường (contexte) của đọan viết làm tôi chóang váng. Hay tôi chẳng hiểu Phạm Công Thiện muốn nói những gì qua những dòng trên vì đây là ngôn ngữ của triết học do một triết gia việt nam dùng ? Hay đây chỉ là hỏa mù « đánh lộn con đen » ? Ở đây chỉ xin nêu ra những gì mà tôi cho là hiểu khi đã đọc qua đọan văn của Phạm Công Thiện. Chỉ qua đoạn này chưa cần nói đến Krishnamurti thì ai cũng nhận thấy là Phạm Công Thiện rất quan tâm đến chính mình khi tự đặt những câu hỏi về chính ông ta thay cho độc giả. Và khi Phạm Công Thiện tự so sánh mình với Krishnamurti thì đã là một điều động trời, một cách thổi phồng cái tôi của Phạm Công Thiện và khi nhà triết học tự cho mình ngang hàng với Krishnamurti, và không chỉ ngang hàng mà hai người « chỉ là một ». Trong tất cả cái tôi vừa nêu trên đây thì cái tôi của Phạm Công Thiện là chúa tể, có nghĩa là càng có tên tuổi thì cái tôi càng vĩ đại. Con người Phạm Công Thiện như thế là độc nhất vô nhị, vì từ trước đến giờ chưa ai từng so sánh mình với Krishnamurti và cho là Krishnamurti và mình chỉ là một. Có phải tuổi trẻ thì hay ngông cuồng, nếu thế thì bây giờ chắc là Phạm Công Thiện không còn trẻ như ngày xưa, có bao giờ Phạm Công Thiện nghĩ lại những điều mình đã viết, đã nói trong quá khứ vàng son không?

Những ai đã đọc và biết Krishnamurti thì cũng nhận thấy là Krishnamurti không còn cái tôi nữa. Ngay từ thời còn nhỏ những người khám phá ra sự hiện diện của của cậu bé Krishnamurti đã nói rằng : "il (cậu bé Krishnamurti) ne montrait pas la moindre trace d'égoïsme", tạm dịch là : ("cậu bé không để lộ một chút ích kỷ nào"). Và sau này khi trao đổi, diễn thuyết Krishnamurti ít dùng đến từ "tôi" để chỉ mình, mà thông thường thì dùng từ" the speaker" (kẻ phát ngôn hay là người đang nói) hoặc "chúng ta", hoặc không dùng từ nào cả. Chẳng hạn trong cuốn Commentaires sur la vie tập 3 [6], trong suốt hơn 400 trang, Krishnamurti chỉ dùng từ "tôi" độc nhất có một lần trong những buổi đối thoại và trả lời những câu hỏi của những người tới gặp Krishnamurti.

Những cái tôi vừa nêu chắc ít có ai trong cộng đồng người Việt thấy là chướng tai gai mắt vì chưa thấy ai chú ý đến hoặc đặt vấn đề. Nếu quả là như thế thì tương lai của cái tôi việt nam còn nhiều huy hoàng, con đường của nó còn dài vô tận.




Trong dịp cập nhật này (22.05.2015) chúng tôi xin vui mừng thông báo là đã có các bản dịch tiếng việt một số tác phẩm của Krishnamurti do một nhà ham mộ Krishnamurti nhưng rất kín đáo đó là Ông Không đã thực hiện, chúng tôi vừa phát hiện nên vội vàng thông tin cùng mọi người. Tuy trong sự vui mừng này lại có điều rất tiếc là Ông Không đã qua đời năm 2013. Xin chân thành gửi đến vong linh Ông Không lời cảm tạ và biết ơn, và chúc ông được vĩnh viễn nơi miền cực lạc.
Đây là hai địa chỉ có thể tải về các bản dịch tiếng việt dạng pdf :

trait


Chú thích :

[1]. Trò chuyện cùng Alexandre Zinoviev, trong L'âge d'Homme, báo văn học ở Lausanne, số 4, juin 1986, tr. 1.

[2]. Có thể những kẻ "yêu nước nồng nàn" sẽ cự lại tôi và lên án là tại sao "việt nam" ở đây không viết hoa, không viết hoa tức là khinh bỉ Việt Nam theo ngoại bang ? Thì tôi xin được tự giải thích là theo mẹo tiếng pháp (pháp không viết hoa ở đây) thì người ta chỉ viết hoa khi là tên nước hoặc tên người của nước đó : nước Việt Nam, người Vệt Nam, thế thôi. Ngoài ra khi hai từ này trở thành tĩnh từ thì người ta không viết hoa như : tiếng việt, món ăn việt nam, người dân việt nam, v.v. Vì cách viết ở Việt Nam chưa ổn định nên loạn chữ viết, bởi thế tôi đành viết theo lối pháp.

[3]. Chuyện ngoài lề : trong khi đó Khánh Ly chỉ đơn sơ với cái áo dài việt nam trên mọi sân khấu khắp đó đây (Mỹ, Nhật, Pháp, v.v.) mà lại được người ta chú ý và coi Khánh Ly như biểu tượng của phụ nữ việt nam.

[4]. Sách được nhà xuất bản Đại Nam ở Hoa Kỳ tái bản năm 1983.

[5]. Năm 1968 khi viết mấy giòng này Phạm Công Thiện 27 tuổi.

[6]. Thư gửi An Tiêm về lần tái bản quyển Tự do đầu tiên và cuối cùng, trong Tự do đầu tiên và cuối cùng bản dịch của Phạm Công Thiện, nhà xuất bản Đại Nam, 1983, trang 8-9.

[7]. Krishnamurti, Commentaires sur la vie, Tome III, do Nicole Tisserand dịch từ tiếng anh, NXB Buchet/Chastel, 1973.



Sommaire de la rubrique
Haut de page