Les beaux textes

Les beaux textes




Diễn văn của Martin Luther King (1929-1968)

Diễn văn của Martin Luther King (1929-1968)




Bản tiếng pháp - Version française


Bài diễn văn này được đọc trước đài kỷ niệm cố tổng thống Lincoln (1809 – 1865) tại Oa-sinh-tơn ngày 28 tháng 8 năm 1963 trước một đám đông hàng trăm ngàn người từ khắp nước Mỹ về thủ đô để biểu tình đòi quyền công dân. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, người Mỹ Da Đen vẫn còn bị kỳ thị chủng tộc : mọi nơi sinh hoạt đều có chỗ dành riêng cho người Da Trắng mà người Da Đen không có quyền tới (khách sạn, quán ăn, trường học, công trường, v. v.).

Ngày 1 tháng 12 năm 1955 khi bà Rosa Parks, một thiếu phụ Da Đen bị bắt vì tội đã "phạm luật phân biệt chủng tộc", vì bà ta đã không nhường chỗ cho một người đàn ông Da Trắng trên xe buýt, mục sư Martin Luther King can thiệp và lên án sự kỳ thị chủng tộc. Phong trào bài xe buýt của người Da Trắng kéo dài mấy tháng, và mục sư Martin Luther King cũng bị bắt luôn.

Sau nhiều năm tranh đấu của người Da Đen, xã hội Mỹ phải đành công nhận quyền công dân của họ và năm 1964 tổng thống Lyndon Johnson ký bộ luật quyền công dân (Civil Rights Act). 1964 cũng là năm năm Martin Luther King được lãnh giải Nobel về Hoà bình. Thời kỳ này cũng là lúc chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn khúc liệt. Tháng tư năm 1967, Martin Luther King đọc diễn văn tại New York lên án chiến tranh Việt Nam . Ba năm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968 Martin Luther King bị ám sát tại Memphis bởi những thế lực mờ ám như họ đã ám sát anh em tổng thống Kennedy.

Qua những sự ám sát này chúng ta có thể biết là những thế lực đó thuộc về thành phần nào trong xã hội Mỹ : chắc chắn là họ không thuộc về thành phần tranh đấu cho sự tiến bộ về mặt xã hội, công dân và phẩm cách con người, chắc chắn là họ không thuộc thành phần muốn chia đều một cách công minh những của cải được sản xuất, chắc chắn là họ không thuộc thành phần đối với những ai sự đoàn kết là một giá trị tinh thần, chắc chắn là họ không chấp nhận để những người không cùng chủng tộc đứng ngang hàng với họ.

Dù sao đi nữa thì công cuộc tranh đấu bất bạo động của Martin Luther King về quyền công dân đã được công nhận : kể từ năm 1986, ngày 20 tháng 1 là Ngày Martin Luther King là ngày lễ và ngày nghỉ tại Hoa Kỳ sau khi đã được hơn sáu triệu công dân Mỹ ủng hộ và ký đơn khiếu nại, và được Quốc Hội bầu phiếu thuận.




Tôi có một giấc mơ


photo Tôi sung sướng được tham dự với quý vị hôm nay cuộc biểu tình mà sau này sẽ được coi là cuộc biểu tình lớn nhẩt trong lịch sử về tự do của đất nước chúng ta.

Một thế kỷ trước, một người Mỹ vĩ đại mà hình bóng của ông ta đang bao trùm xuống chúng ta 1 , đã ký Bản Tuyên Ngôn về giải phóng. Nghị định rất quan trọng này đã đến như ngọn hải đăng của hy vọng cho cả triệu người nô lệ bị thiêu đốt bỡi ngọn lửa của bất công, và nó đã đến như rạng đông vui tươi để chấm dứt một đêm dài cầm tù.

Nhưng sau một thế kỷ, người Da Đen chưa được tự do. Sau một thế kỷ, cuộc sống của họ vẫn bị thiệt thòi bi thảm bởi những xiềng xích của sự tách biệt và phân biệt chủng tộc. Sau một thế kỷ, người Da Đen vẫn sống biệt lập trên hòn đảo nghèo nàn giữa một đại dương phong phú. Sau một thế kỷ, người Da Đen vẫn héo mòn bên lề xã hội mỹ, như những kẻ bị lưu đày giữa lòng quê hương của họ. Vì thế hôm nay chúng tôi đến đây để quan trọng hoá thân phận hổ thẹn này.

Chúng tôi đến thủ đô của đất nước để như là đòi thanh toán cái séc. Khi những kiến trúc gia của nền cộng hòa của chúng ta viết những dòng thật tuyệt vời trong Hiến Chương và trong bản Tuyên Ngôn độc lập, họ đã ký phiếu mà mọi người Mỹ đều được hưởng. Đó là lời hứa mọi người, vâng, người Da Đen cũng như người Da Trắng đều có quyền sống không thể tước bỏ, được tự do và có quyền đi tìm hạnh phúc.

Điều hiển nhiên là cho đến bây giờ nước Mỹ đã không giữ được lời cam quyết đó với những người công dân da mầu. Thay vì thi hành cái nghĩa vụ thiêng liêng đó, nước Mỹ đã đưa trả lại cái séc với lời ghi chú là séc không có bảo chứng. Nhưng chúng ta không tin là ngân hàng Công lý đã phá sản. Chúng ta không tin nổi là trong các kho bạc của nhà nước không còn đủ bảo chứng. Nên chúng tôi đến đây hôm nay để đòi thanh toán cái séc, do đòi hỏi của sự giầu sang trong nền tự do và an ninh của công lý. Chúng tôi cũng đến nơi linh thiêng này để nhắc nhở nước Mỹ sự cấp bách của thời cuộc. Đây không phải là lúc lãng phí để trấn an tinh thần, cũng không phải lúc chúng ta để phương pháp tiếp cận từng bước ru ta ngủ. Đây là lúc phải rời bỏ thung lũng tối tăm và hiu quạnh của sự cách biệt để tiến tới con đường tươi sáng của công lý về chủng tộc. Đây là lúc phải kéo đất nước ra khỏi sình lầy của bất công về chủng tộc tới tảng đá vững chắc của tình huynh đệ. Đây là lúc phải làm cho công lý trở thành hiện thực cho tất cả những người con của Chúa Trời.

Quốc gia sẽ lâm nguy nếu không lưu ý đến sự cấp bách của thời cuộc. Mùa hè nóng bức bởi sự bất bình hợp pháp của người Da Đen chỉ chấm dứt khi một mùa thu đầy sinh khí mang lại tự do và bình đẳng. Năm 1963 không phải đoạn kết mà là giai đoạn khởi đầu. Những ai tưởng rằng người Da Đen chỉ cần bầy tỏ sự nổi giận và sau đó sẽ hài lòng, họ sẽ thức giấc với điều đáng buồn nếu quốc gia cứ tiếp tục công việc hàng ngày như không có gì xẩy ra. Nước Mỹ sẽ không được nghỉ ngơi và yên ổn, ngày nào người Da Đen chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi công dân. Các cơn bão táp của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục rung chuyển nền tảng của đất nước chúng ta cho tới ngày nào ánh sáng của công lý xuất hiện nơi chân trời.

Nhưng có điều mà tôi phải nói với công dân của chúng ta đang tiến trên đường công lý. Trong khi tranh đấu để chiếm địa vị xứng đáng, chúng ta không để trở thành phạm nhân của những hành động xấu. Chúng ta không nên uống cốc nước mỉa mai và hận thù để thỏa lòng khao khát.

Chúng ta luôn luôn nên tranh đấu với tinh thần tôn trọng phẩm cách và kỷ luật. Chúng ta không thể nào để sự chống đối của chúng ta biến thành bạo lực.

Chúng ta luôn cố gắng để đạt tới độ cuồng nhiệt để chúng ta đối trọi sức mạnh của bạo lực bằng sức mạnh của tinh thần. Chúng ta không nên để tinh thần tranh đấu mới và tuyệt vời đã đến với cộng đồng người Da Đen đưa chúng ta tới ngờ vực tất cả những người Da Trắng, vì rất nhiều bạn bè của chúng ta có mặt ngày hôm nay là người Da Trắng, họ đã hiểu rằng số phận của họ được gắn bó với số phận của chúng ta, quyền tự do của họ được gắn bó chặt chẽ với quyền tự do của chúng ta. Chúng ta không thể cất bước đi một mình.

Và khi chúng ta cất bước chúng ta hứa rằng sẽ luôn luôn tiến tới. Chúng ta không thể quay ngược trở lại. Có người hỏi những kẻ nhiệt tâm với quyền công dân rằng :"Khi nào các anh toại nguyện ?" Chúng ta không thể nào toại nguyện khi người Da Đen vẫn là nạn nhân của bạo tàn do công an cảnh sát gây ra. Chúng ta không thể toại nguyện khi thân thể mệt mỏi của chúng ta không tìm được nơi nghỉ ngơi tại các nhà nghỉ bên đường hoặc các khách sạn ở các thành phố. Chúng ta không thể toại nguyện khi sự di chuyển của người Da Đen chỉ là đi từ những khu biệt cư nhỏ tới những khu biệt cư lớn. Chúng ta không thể toại nguyện khi người ta vẫn tước lòng tự ái của con cháu chúng ta, khi người ta vẫn tước đoạt nhân phẩm của chúng bằng những tấm biển ghi những chữ : "dành riêng cho người Da Trắng". Chúng ta không thể toại nguyện khi người Da Đen ở Mississippi không có quyền bầu cử, khi người Da Đen ở Nữu Ước không biết bầu cho ai. Không ! không ! Chúng ta không toại nguyện, chúng ta chỉ toại nguyện khi nào công lý sẽ nổi giận như những dòng nước cuốn, và khi nào sự ngay thẳng sẽ như dòng sông mạnh liệt.

Không phải tôi không biết là nhiều người trong chúng ta tới đây hôm nay sau nhiều thử thách và gian truân. Có những người vừa ra khỏi phòng giam của nhà tù. Có những người tới từ những vùng đã để lại dấu vết thương đau do các cơn bão táp của ức hiếp, họ đã bị lộn nhào bởi cơn gió bạo tàn của công an cảnh sát trong khi họ đi tìm tự do. Họ là những cựu binh của cái khổ sáng tạo. Hãy kiên trì trong lòng tin tưởng là sự khổ sở oan trái sẽ được chuộc lại.

Các bạn hãy trở về Mississippi, hãy trở về Alabama, hãy trở về Georgia, hãy trở về Louisiane, trở về những khu biệt cư và những khu nghèo nàn của các thành phố ở miền Bắc, và biết rằng tình trạng này có thể và sẽ thay đổi bằng cách này hay cách khác. Không nên tự thỏa mãn trong thung lũng của tuyệt vọng.

Tôi xin thưa với quý vị, với các bạn rằng tuy trong hiện tại gặp khó khăn và bị tước đoạt, tôi vẫn có một giấc mơ. Đó là một giấc mơ gắn liền sâu sắc với giấc mơ của nước Mỹ.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, quốc gia này sẽ vùng lên và sống đầy đủ ý nghĩa của niềm tin : "Cái điều chúng ta cho là dĩ nhiên là mọi người sinh ra đều bình đẳng".

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, trên những ngọn đồi đất đỏ của tiểu bang Georgia, con cháu của những người nô lệ ngày xưa và con cháu của những chủ nhân xưa của những người nô lệ có thể ngồi vào cùng cái bàn huynh đệ.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, ngay cả tiểu bang Mississippi, cái tiểu bang làm người ta ngộp thở như trong lò thiêu vì bất công và áp bức, sẽ biến thành một ốc đảo của tự do và công lý.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, bốn đứa con của tôi sẽ được sống trong một đất nước mà chúng không bị đánh giá qua màu da mà được đánh giá qua tính tình của chúng.

Hôm nay, tôi có một giấc mơ.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, nơi xa thẳm của tiểu bang Alabama đầy những kẻ kỳ thị chủng tộc và trên môi của ông tổng đốc đương đại chỉ có những biện pháp can thiệp và vô hiệu hóa luật lệ, sẽ trở thành một nơi mà các trẻ em Da Đen có thể nắm tay những đứa bé Da trắng cùng bước đi như anh em.

Hôm nay, tôi có một giấc mơ.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, mỗi thung lũng sẽ được nâng cao lên, mỗi ngọn đồi, mỗi quả nủi sẽ được san bằng, những nơi gồ ghề sẽ được đánh láng, những nơi quanh co sẽ được thẳng lại, và vầng hào quang của đức Chúa Trời sẽ được hiện ra, và tất cả mọi người sẽ được cùng nhau chứng kiến.

Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Tôi sẽ trở về phương Nam với niềm hy vọng đó. Với niềm tin đó chúng ta có thể tạc vào tảng đá của tuyệt vọng để biến nó thành cái bia của hy vọng. Với niềm tin, chúng ta có thể biến những lạc điệu của đất nước thành một khúc nhạc giao hưởng của tình huynh đệ. Với niềm tin đó, chúng ta có thể cùng công tác, cùng cầu nguyện, cùng tranh đấu, cùng ngồi tù với nhau, cùng nhau bảo vệ tự do, vì biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được tự do.

Khi cái ngày nào đó tới, tất cả những người con của Chúa có thể hát với một ý nghĩa mới : "Đây là đất nước của ta, đất nước hiền lành của tự do, ta hát cho đất nước chúng ta. Nơi an nghỉ của tổ tiên, niềm tự hào của những người đi hành hương, tiếng tự do vang lừng từ mỗi giải núi."

Và nếu số mệnh của nước Mỹ là một nước lớn thì điều đó phải được thực hiện. Hãy để tự do vang vọng từ những ngọn đồi của tiểu bang New Hamphire tới dãy núi hùng vĩ của tiểu bang New York. Hãy để tự do vang vọng trên giải núi Alleghenies ở Pennsylvania !

Hãy để tự do vang vọng trên núi đá phủ tuyết ở Colorado !

Hãy để tự do vang vọng trên những đỉnh đồi ở California !

Nhưng không chỉ thế, hãy để tự do vang vọng từ dãy núi Stones ở Georgia !

Hãy để tự do vang vọng từ núi Loukout ở Tennessee !

Hãy để tự do vang vọng từ mỗi ngọn đồi, từ mỗi gò đất ở Mississippi !

"Hãy để chuông tự do vang lên từ mỗi sườn núi."

Khi chúng ta để tự do vang lên, khi chúng ta để tự do vang vọng từ mỗi xóm làng, từ mỗi tiểu bang, từ mỗi thành phố, chúng ta làm cho cái ngày đó gần lại, khi tất cả những người con của Chúa, Đen và Trắng, Do Thái và ngoại đạo, Công giáo và Tin lành có thể cầm tay nhau và cùng hát lên những lời bài ca cũ thể negro-spiritual :"Thế là được tự do ! Thế là được tự do ! Xin cám ơn Chúa toàn năng, thế là chúng ta được tự do !"


Chú thích :

1 Đó là cố tổng thống Lincoln.


Sommaire de la rubrique
Haut de page