Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Patrice Morlat
Les
affaires politiques d'Indochine (1895-1923). Les grands commis : du savoir au pouvoir
Paris, L'Harmattan, 1995, 319 p.
RFI, section vietnamienne, 28 juillet 1996
Những vụ chính trị ở Đông Dương
Đông Dương vẫn còn là đề tài nghiên cứu của giới sử học Pháp. Công trình của
Patrice Morlat kỳ này chú trọng đến các nhân viên cao cấp, hiểu biết
rộng, đã sáng lập ra bộ máy an ninh trước khi nắm chức vụ cấp cao nhất
trong guồng máy cai trị ở thuộc địa.
Đây là cuốn sách thứ hai của anh Patrice Morlat cũng do nhà xuất bản
L'Harmattan phát hành cuối năm ngoái, nằm trong tủ sách « Nghiên cứu Á
Châu », và mang tựa đề là
Les affaires politiques de l'Indochine
(1895-1923). Les grands commis : du savoir au pouvoir ; tạm dịch
là "Những vụ chính trị ở Đông Dương (1895-1923). Các nhân viên cao cấp
: từ kiến thức tới quyền hành". Bài tựa của cuốn sách này do một nhà sử
học quen thuộc với Việt Nam là ông Charles Fourniau viết. Trong lời nói
đầu tác giả có thông báo rằng đây là cuốn đầu tiên về đề tài này, và
theo dự định thì tác giả sẽ cho ra mắt sau này hai cuốn tiếp theo về
những giai đọan 1922-1928 và 1928-1936.
Để thực hiện công trình này anh Patrice Morlat đã dựa vào hai nguồn tư
liệu chính đó là Lưu trữ của bộ Thuộc Địa cũ và Lưu trữ của bộ Ngoại
Giao Pháp. Trong cuốn này tác giả theo dõi sáu nhân vật cao cấp trong
guồng máy hành chánh của Đông Dương đó là Jules Bosc, Pierre Pasquier,
René Robin, Paul Blanchard de la Brosse, Jean Przyluski và Louis Marty.
Tức là sáu gương mặt điển hình đã sáng lập và điều khiển cơ quan an
ninh để đối phó với các phong trào yêu nước, các hội kín và đảng phái
chính trị ở Đông Dương. Trong số sáu nhân viên cao cấp này thì ba người
xuất thân từ trường thuộc địa tức là "l'Ecole coloniale" do Auguste
Pavie sáng lập năm 1885. Trường có hai ban: ban dành cho người Pháp và
ban dành cho người bản xứ. Ở đây xin mở dấu ngoặc là năm1911, khi mới
qua Pháp, Nguyễn Tất Thành, tức là Hồ Chí Minh sau này, cũng có viết
thư gửi tổng thống Pháp để xin được nhập học ở trường này, nhưng không
có kết quả. Đóng dấu ngoặc.
Ngay cả đối với người Pháp, muốn được tuyển vào trường Thuộc Địa cũng
không phải là chuyện dễ dàng vì ngoài cái bằng tú tài, thí sinh phải
được một dân biểu hoặc một thượng nghị sỹ đỡ đầu. Vì tiêu chuẩn tuyển
chọn không phải chỉ dựa vào kiến thức mà còn là lập trường chính trị.
Chương trình học là ba năm. Trong những bộ môn được giảng dạy có cả
huấn luyện về quân sự mỗi tuần ba tiếng. Như đã vừa đề cập ở trên đây,
ba nhân viên cao cấp xuất thân từ trường Thuộc Địa là Jules Bosc,
Pierre Pasquier và Jean Przyluski. Cả ba người này đều thông thạo tiếng
Việt và hiểu biết nhiều về văn hóa Đông Phương.
Sau khi tốt nghiệp năm 1895, Jules Bosc được bổ nhiệm qua Đông Dương và
làm việc tại toà Thống sứ Trung kỳ. Đến năm 1900 thì ông ta được đổi ra
ngoài Bắc và trở thành thư ký riêng của thống sứ Bắc kỳ hồi đó là
Edouard Broni và sau là Paul Fourès. Qua năm 1903 thì Jules Bosc trở
thành chánh văn phòng Phòng Nhì với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề
liên quan đến người bản xứ. Theo đà tiến triển, năm 1908 Jules Bosc
được giao chức vụ công sứ tỉnh Hà Đông và đồng thời là chủ tịch hội
đồng đề hình, tức là người có quyền quyết định sinh mạng của những tội
phạm chính trị.
Phải nói rằng năm 1908 là năm có nhiều biến cố. Ở ngoài Bắc thì có
phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục vừa bị đóng cửa, mưu toan đầu
độc trại lính Pháp ngay tại Hà Nội, ở Trung kỳ thì có những cuộc biểu
tình chống thuế. Nhưng điều làm chính quyền thuộc địa nhức nhối nhất
vẫn là ba nhân vật tiêu biểu của giai đoạn này, hai người trốn ra ngoại
quốc tức là Phan Bội Châu và Cường Để của Phong trào Duy Tân, và một
người ở trong nứớc nhưng chưa chịu đầu hàng đó là Đề Thám. Chính Jules
Bosc đã phá tan mạng lưới của phong trào Duy Tân năm 1910 qua sự liên
lạc và cộng tác của các cơ quan tình báo Pháp tại Hồng Kông, Quảng
Đông, Thượng Hải và Nhật Bản. Nhưng người đã thương lượng với chính
Quyền Nhật để họ trục xuất những lãnh tụ của phong trào Duy Tân lại là
Paul Blanchard de la Brosse. Bởi thế Phan Bội Châu và Cường Để phải rời
cảng Kobe năm 1909 để qua Hồng Kông.
Còn Pierre Pasquier, khi ông ta qua Đông Dương năm 1898 vừa tốt nghiệp
trường Thuộc Địa, thì mới 21 tuổi. Sau khi nhận chức ở Thái Nguyên một
thời gian thì trở thành cánh tay phải của Jules Bosc trong Toà Thống Sứ
Bắc Kỳ. Qua năm 1910 thì Pierre Pasquier được bổ làm công sứ tỉnh Thanh
Hoá, rồi sau đó là chánh văn phòng trong phủ toàn quyền có nhiệm vụ cai
quản văn phòng chính trị. Có thể nói rằng trong sáu nhân vật nêu ở trên
thì Pierre Pasquier ở Đông Dương lâu nhất và sự nghiệp của ông ta là ở
Đông Dương. Từ năm 1928 đến năm 1934 Pierre Pasquier đã giữ chức vụ cao
nhất trong guồng máy hành chánh tức là Toàn quyền Đông Dương.
Để thay thế Pierre Pasquier bị tử nạn trong một chuyến bay Lyon-Paris,
chính quyền Pháp đã chọn René Robin, một người cũng đã từng ở Đông
Dương lâu dài và từng là công sứ tỉnh Tân An năm 1918. René Robin không
phải qua trường Thuộc Địa vì ông ta đã đỗ tiến sỹ luật khoa năm 1899.
Năm 1915 lời phát biểu của René Robin, với tư cách là công sứ tỉnh
Thanh hóa, trong dịp trao bằng cho các thí sinh trúng tuyển kỳ thi
hương đã được nhiều người chú ý. Đại ý René Robin khuyên nhủ các vị
quan tương lai không nên ngạo mạn, hãy giữ bản chất của người nông thôn
và tôn trọng kỷ luật và pháp luật. Hãy hưởng thụ những công trình sáng
ngời của nền Bảo hộ. Đừng nên ngồi chờ đợi những chức vụ này nọ mà hãy
lao mình vào ngành thương mại, công nghệ và nông nghiệp. Họ có bổn phận
phải ủng hộ nước Pháp như một mẫu quốc. Lời tuyên bố này cũng chẳng có
gì lạ. Trong Đệ nhất thế chiến cả hàng trăm ngàn người trên toàn lãnh
thổ Đông Dương bị gửi qua Pháp làm công binh.
Nhân vật cuối cùng là Louis Marty, qua Đông Dương năm 1907, biết chữ
hán và chữ quốc ngữ. Năm 1914 khi Jean Przyluski về Pháp để giảng dạy
tại Viện Ngôn ngữ và Văn Minh Đông Phương thì Louis Marty lên thay thế
và làm quen với Phạm Quỳnh khi đó còn là thư ký và thông ngôn ở Văn
Phòng chính trị và sau này trở thành chủ bút tạp chí
Nam Phong. Cũng
như lớp người trước, Louis Marty có phận sự theo dõi các phong trào và
hội kín cách mạng. Nhờ mạng lưới an ninh, Louis Marty biên soạn được
tập tài liệu về các hội kín và sự thành hình của các đảng phái chính
trị ở Việt Nam trong giai đoạn 1920-1930 mà sau này trở thành một tài
liệu cho sử học hiện đại.
Sau khi Albert Sarraut nhận chức toàn quyền Đông Dương lần thứ nhất năm
1911 thì ông có ý định cải tổ về mặt hành chánh. Ông trao cho bộ ba
được ông tin tưởng nhất là Jules Bosc làm giám đốc Nha chính trị và bản
xứ, Jean Przyluski, chánh văn phòng giải quyết những vấn đề bản xứ, và
Paul Blanchard de la Brosse, chánh văn phòng chính trị. Phải nói rằng
Jules Bosc cũng là nhân vật chuyên môn về vụ Đề Thám. Kỳ này Jules Bosc
liên lạc lại với Lương Tam Kỳ, một tướng quân của Cờ Đen đã đầu hàng.
Qua trung gian của Lương Tam Kỳ, ba ngươì Hoa kiều được gài vào trong
đội quân của Đề Thám vớí mục đích bắt sống người lãnh tụ này. Nhưng sự
việc không thành như họ mong muốn vì Đề Thám đã biết rõ ý đồ này. Vì
không làm sao được nên ba nhân viên mật thám người Hoa này phải thủ
tiêu Đề Thám và ba người hộ vệ của ông. Khi vụ ám sát này được đưa ra
toà thì Jules Bosc đã tự can thiệp với cơ quan tư pháp để làm ỉm vụ này
đi, và ba kẻ sát nhân kia không bị kết án gì cả. Thế là xong một vụ
kiện chính trị. Năm đó là năm 1913, cũng là năm có nhiều khủng hoảng.
Kỳ này, chính quyền thuộc đîa tận dụng khả năng thông tin và mật thám ở
Đông Dương và miền Nam Trung Quốc để quyết liệt với Phan Bội Châu và
đảng Việt Nam Quang Phục vừa được thành hình năm 1912 sau khi phong
trào Duy Tân bị tan rã. Trong sự rượt đuổi giữa mèo và chuột thì chính
giám đốc Nha chính trị là Jean Przyluski phải nhìn nhận là đội ngũ tình
báo của Phan Bội Châu làm việc có hậu qủa hơn nhân viên của ông ta. Dĩ
nhiên là trong số nhân viên mật thám của chính quyền thuộc địa có người
Việt. Năm 1913, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã phái Jean
Przyluski qua Trung Quốc ba lần để điều đình với các nhà cầm quyền địa
phương và toà lãnh sự Pháp tại đó với mục đích bàn kế bắt nộp Phan Bội
Châu và Cường Để cho chính quyền Đông Dương. Đầu năm 1914 thì Phan Bội
Châu bị bắt tại Quảng Đông và bị giam cầm tại đó. Còn Cường Để thì đã
qua Đức trước đó vài tháng.
Sự ra đời của cuốn sách này và dự định của tác giả là sẽ bổ sung bằng
hai cuốn kế tiếp, chứng tỏ rằng Đông Dương vẫn còn là đề tài nghiên cứu
của giới sử học Pháp. Với đề tài và giai đoạn lịch sử như anh Patrice
Morlat đã lựa chọn thì phải nói là nước Pháp là địa điểm thuận lợi cho
người đi tìm tư liệu. Ngoài ra cũng có thể nói rằng đây là một đam mê
của tác giả đã cống hiến cho độc giả nhiều chi tiết và sự kiện vừa thú
vị vừa quan trọng về giai đoạn nghiên cứu cũng như về các nhân vật được
tác giả đưa ra ánh sáng. Tuy thế có đôi lúc tác giả đưa ra những nhận
xét với đôi mắt nai vàng và nếu tác giả rất chú trọng đến nhân vật Phan
Bội Châu thì ngược lại một nhân vật khác là Phan Chu Trinh thì chỉ được
tác giả nhắc qua thôi. Nhưng công trình còn nhiều hứa hẹn trong tương
lai nên hy vọng rằng trong hai cuốn sách tới này sẽ bổ sung cho những
điều đó. Và người đọc lại ham say theo dõi những sự kiện đã làm biến
chyển bộ mặt của Đông Dương.
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|