Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Abdallah SAAF
Histoire d'Anh Ma
Paris, L'Harmattan, 1996, 188 p.
RFI, section vietnamienne, 8 septembre 1996
Chuyện Anh Mã
Đi
tìm dấu vết của nhân chứng
một
thời đại bao giờ cũng khó
khăn và nhất là nhân chứng đó bây giờ đã bị quên lãng. Chiến tranh Đông
Dương được diễn ra trong bối cảnh phức tạp mà trong đó không chỉ có hai
đối thủ Pháp và Việt Nam mà trong đội ngũ của Đoàn quân viễn chinh Pháp
có cả các binh sỹ được tuyển mộ tại các thuộc địa khác như Bắc Phi. Thế
vai trò của Anh Mã trong trận chiến đó như thế nào ? Và chính Anh Mã là
ai ?
Nhờ sự cương quyết của ông Abdallah Saaf, giáo sư người
Maroc tại Viện đại học Luật, Kinh tế và Khoa học Xã hội ở Rabat, nên
hôm nay chúng ta có thêm một tư liệu về nhân vật « Anh Mã ».
Chắc có lẽ ngoài những kẻ trong cuộc, ít người biết nhân vật này là ai
và có liên quan gì đến những trang sử cận đại Việt Nam. Tư liệu này vừa
được nhà xuất bản L'Harmattan cho ra mắt độc giả hồi tháng sáu vừa qua
với tựa đề
Histoire d'Anh Ma, tức là « Chuyện Anh Mã ». Tác
giả đã dành gần nửa cuốn sách để thuật lại hành trình của Anh Mã ở Việt
Nam, tức là giai đoạn 1950-1960.
Trong thời gian đi tìm tư liệu để viết
về nhân vật này tác giả đã gặp nhiều cản trở và nhiều thất vọng. Và một
trong những khó khăn là làm sao tìm gặp được những nhân chứng từng biết
qua nhân vật này. Ông Abdallah Saaf cũng đã viết thư gửi tới các nhà
lãnh đạo Việt Nam nhưng chẳng lá thư nào được hồi âm. Ngay cả các nhà
sử học nổi tiếng như Jean Lacouture, hay Philippe Devillers cũng hoặc
không biết đến Anh Mã là ai, hoặc chỉ được nghe thuật lại mong manh về
nhân vật này thôi. Mãi sau này khi tác giả liên lạc được với ông
Georges Boudarel thì mọi việc mới bắt đầu được sáng tỏ. Ông Boudarel là
một người bạn đồng hành của Việt Minh, quá quen thuộc với người Việt
Nam vì ông ta đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp trước khi trở về
nước và sau này là giáo sư sử học chuyên về Việt Nam tại Đại học Paris
7. Có thể nói ông Boudarel là cái chìa khóa đã mở đường cho tác giả để
tiếp tục hành trinh khám phá. Và từ đó, tác giả đã gặp gỡ và trao đổi
với nhiều nhân chứng khác đã từng tham gia cuộc chiến ở Đông Dương, và
nhất là đã được gặp người bạn đường của Anh Mã là bà Camille. Bà
Camille có đưa cho tác giả xem một tấm ảnh của gia đình tướng Võ Nguyên
Giáp tặng họ năm 1956 do chính Đặng Thị Bích Hà ký tặng.
Anh Mã tên thật là Mohamed Ben Aomar Lahrach, sinh khoảng năm 1914-1915
trong một gia đình bình dân sống trên cao nguyên gần thành phố Khouribga. Trước
kia từng tham gia nghiệp đoàn có trụ sở ở Khouribga là vùng khai thác
mỏ phốt phát, trước khi ra nhập Đảng Cộng Sản Maroc(ĐCSM). Chiến tranh
Đông Dương bùng nổ năm 1946. Chính quyền Pháp mộ lính và chuyển binh
qua Đông Dương. Tính đến năm 1954 trong đội ngũ của Đoàn quân viễn
chinh Pháp gần 20 vạn quân, thì trong đó có hơn 36 ngàn người Bắc Phi.
Sau cuộc chiến, trong đội ngũ người Bắc Phi có hơn 5.000 người bị tử
thương và hơn 7.000 người bị mất tích. Đối với những người Bắc Phi còn
sống sót lại thì những từ ngữ như Cao Bằng, Quốc lộ số 4 còn vang lên
như tiếng vọng của một thảm kịch, và cuộc chiến đã để lại cho họ một
vết thương vô phương hàn gắn. Để đối phó với tình trạng của những tù
binh hoặc hàng binh người Bắc Phi và để nới rộng hậu thuẫn trên thế
giới đồng thời nới rộng mảng tuyên truyền chống chiến tranh Đông Dương,
chính phủ Hồ Chí Minh yêu cầu ĐCSM, qua trung gian của ĐCS Pháp, gửi
một cán bộ của họ qua Việt Nam để đảm nhiệm vai trò này. Năm đó là năm
1950.
Ben Aomar, tức là Anh Mã sau này, lúc đó đã là ủy viên ban chấp
hành trung ương ĐCSM được tuyển lãnh trách nhiệm đó. Đây là một vai trò
bí mật nên ít người đương thời biết đến kể cả những thành viên của
ĐCSM. Nhờ hậu thuẫn của ĐCSP, người cán bộ Ben Aomar qua Pháp rồi từ đó
sang Ba Lan, Liên Sô, Trung Quốc trước khi đặt chân tới Việt Nam. Với
trách nhiệm lớn lao như thế, nên Ben Aomar gặp gỡ và trao đổi thường
xuyên với các nhà lãnh tụ Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Và
từ đó Ben Aomar mang tên Việt Nam là Anh Mã dó chính Hồ Chí Minh đặt
cho. Nhưng đối với đội ngũ Bắc Phi thì họ lại quen thuộc với cái biệt
hiệu Maarouf hơn cũng do Hồ Chí Minh đặt cho để tưởng nhớ tới một người
đồng chí quen biết trước kia, là Maarouf Ben Kaddour, người Angiêri,
từng là lãnh tụ công đoàn trong tổng công đoàn CGTU của Pháp trong thập
niên 20.
Công tác chính của Anh Mã là một mặt chỉ huy cai quản những tù
binh hoặc hàng binh, mặt khác là tham gia hàng ngũ địch vận, tuyên
truyền bằng cách thả truyền đơn vào trong các trại lính Pháp, kêu gọi
binh lính Bắc Phi rời bỏ hàng ngũ của họ để làm suy bại tinh thần và
thế lực của quân đội Pháp. Cuộc chiến tranh tâm lý này có làm hoang
mang tinh thần một số binh lính Bắc Phi, nhưng những hàng binh người
Maroc lại ít hơn những hàng binh người Angiêri. Cũng trong khuôn khổ
của sự đoàn kết thế giới chống thực dân Pháp, và thể theo lời yêu cầu
của chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, trưởng ban y tế và có
thể được coi như là bác sỹ riêng của nhà lãnh tụ Việt Minh, sau này là
bộ trưởng bộ Y tế, đã viết thư riêng gửi nhà lãnh tụ Bắc Phi Abdelkrim
để yêu cầu ông ta dùng quyền lực của mình mà can ngăn binh lính Bắc Phi
lên đường qua Đông Dương. Bác sỹ Thạch có giảng giải là cuộc chiến dành
độc lập của nhân dân Việt Nam và cuộc chiến của các dân tộc khác chống
thực dân là một. Để đáp lại lời yêu cầu đó, nhà lãnh tụ Abdelkrim đã
lên tiếng kêu gọi những người đồng hương của ông đừng tham gia cuộc
chiến ở Đông Dương mà hãy tận dụng sinh lực để tranh đấu cho độc lập
của xứ sở họ. Xưa kia hồi đệ nhị thế chiến, Anh Mã từng tham gia nhiều
mặt trận trong quân đội Pháp, và sau này qua Việt Nam chiến đấu cùng
đội ngũ Việt Minh nên chẳng bao lâu Anh Mã được thăng chức đại tướng.
Trong thời kỳ kháng chiến thì Anh Mã có gặp chị Camille, một thiếu nữ
có gốc Việt nhưng mang quốc tịch Pháp nên đã bị tạm giam từ ngày chiến
tranh bùng nổ cuối năm 1946. Qua năm 1951 khi những người Pháp bị tạm
giam được trả tự do, riêng chị Camille thì quyết định ở lại với kháng
chiến và kết hôn cùng Anh Mã. Trong chiến dịch Điện Biên, Anh Mã cũng
đã tích cực tham gia bên cạnh các tướng lãnh khác. Khoảng năm 1958, Anh
Mã có qua Trung Quốc cùng phái đoàn Việt Nam để tiếp đón phái đoàn của
Quân đội giải phóng Angiêri. Sau khi hoà bình trở lại thì gia đình của
Anh Mã trở về Hà Nội và sinh sống với chức vụ của một cán bộ cao cấp.
Chiến tranh đã chấm dứt nhưng vấn đề tù binh vẫn chưa được giải quyết
xong.
Theo tác giả thì năm 1956 sau khi nước Maroc đã được trao trả độc
lập thì hình như chính phủ Hà Nội có gửi thư cho quốc trưởng Mohamed
thứ 5 ngỏ ý yêu cầu vị quốc trưởng tạo điều kiện cho những binh sỹ mang
quốc tịch Maroc được hồi hương. Nhưng chính quyền Maroc còn dè dặt chưa
muốn tiếp nhận ngay một lúc hàng ngàn cựu chiến binh đã từng chứng kiến
sự thành hình của cuộc cách mạng ở Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản, vì
nước Maroc bấy giờ đã là một vương quốc. Trong khi chờ đợi thì Anh Mã
phải trực tiếp tạm giải quyết vấn đề đó. Có một số đã ở lại Việt Nam,
lập gia đình và định cư tại vùng Sơn Tây. Và kể từ đó, chính chuyện hồi
hương của Anh Mã đã trở thành một vấn đề cho cả hai bên. Người ta không
hiểu rõ mối liên hệ giữa Anh Mã và chính quyền Việt Nam ra sao trong
giai đoạn này, nhưng hình như không còn được tốt đẹp như trong thời
gian kháng chiến. Anh Mã muốn hồi hương, chính quyền Việt Nam cũng
chẳng muốn giữ Anh Mã lại làm gì nhưng chính quyền Maroc thì hình như
không muốn nghe nhắc đến nhân vật này. Rút cục Anh Mã qua ngả Mascơva
và tống tiền cho nhân viên sứ quán Maroc để có hộ chiếu, rồi sau đó gia
đinh Anh Mã qua Bungari, ở đó vài tháng trước khi hồi hương vào năm
1961. Kể từ đó số phận của anh Mã buồn tủi hơn xưa, một phần vì bất mãn
một phần vẫn còn bị ám ảnh bởi quá khứ. Mười năm sau ngày hồi hương Anh
Mã từ trần tại một bệnh viện gần Paris. Ngày đó là ngày mồng 7 tháng 5
dương lịch, đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên.
Cuốn sách của ông Abdallah Saaf đã đóng góp cho sự hiểu biết về vài khía cạnh của cuộc
chiến tranh Đông Dương mà hẳn là còn nhiều khía cạnh khác chưa được đưa
ra ánh sáng. Ở đây tác giả đã bỏ ra nhiều công phu để viết lại một vài
trang sử cận đại của Việt Nam đó là điều đáng kính trọng. Đáng nhẽ
trách nhiệm này thuộc trực tiếp giới sử học Việt Nam nhưng chúng ta
chưa hoàn thành, đó là điều đáng tiếc. Một nhân vật như Anh Mã, đã từng
tham gia kháng chiến để dành độc lập cho quê hương xứ sở của nước bạn
trong những giai đoạn khốc liệt nhất, thì điều tối thiểu là chúng ta
phải ghi ơn. Giờ đây, nhiều người trong cuộc đã lìa đời, những người
còn lại không muốn nhắc đến những quá khứ của họ. Nếu chúng ta tôn
trọng sự im lặng của bất cứ ai, vì đó thuộc về lãnh vực đời tư, nhưng
không thể nào không tự hỏi : - « Tại sao những người có thẩm quyền
ở Việt Nam không hồi âm các bức thư của tác giả yêu cầu cung cấp tư
liệu dù là một lời từ chối ? », « Nhắc đến nhân vật Maarouf
có chạm phải những khía cạnh phiền phức nào đó không ? »,
« Hay là có tật thì hay giật mình ? ». Ngoài ra tác giả cũng
còn gợi ý những bí ẩn chưa được đưa ra ánh sáng. Lỗi không phải tại tác
giả mà là thiếu tư liệu. Vơí sự hạn chế và hiếm hoi của phần tư liệu
thì đây đã là điều đáng kể. Có điều người đọc phải tự hỏi là « Có
vụ Maarouf hay không? ». « Nếu hẳn có thì vụ này có liên quan
gì đến vụ Võ Nguyên Giáp? ». Nếu sau hoà bình, Anh Mã trở thành
một kẻ hưởng thụ thì đây có phải lỗi riêng của anh ta không, hay là lỗi
chung của cả một chế độ trong quá trình quan liêu hóa ? Để trả lời
những câu hỏi này chắc phải đợi một ngày nào đó khi giới sử học Việt
Nam được hoàn toàn tự do dùng và khảo tra lại những tư liệu sẵn có để
cung cấp cho sử học những trang sử mới không thiên vị. Nhưng phải đợi
đến bao giờ ?
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|