Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Nguyễn Từ Chi
La cosmologie muong
Paris, L'Harmattan, 1997, 249 p.

RFI, section vietnamienne, 12 décembre 1997



Vũ trụ luận mường


Người Mường là một trong những dân tộc thiểu số đông người nhất ở Việt Nam, dân số khoảng một triệu. Người Mường sống tập trung ở vùng Hoà Bình-Thanh Hóa, mảnh đãt nằm giữa châu thổ Sông Hồng và miền thượng du là nơi sinh sống của các đòng bào thiểu số khác như Thái, Tày, v.v.

Về mặt văn hóa và ngôn ngữ thì có thể nói là người Mường và người Việt rất gần gũi nếu không nói là hai dân tộc anh em. Tiếng mường và tiếng việt có nhiều từ chung vì cùng dòng họ Việt-Mường. Người đầu tiên nghiên cứu về người Mường là bà Jeanne Cuisinier vào những thập kỷ 30 và 40. Bà Jeanne Cuisinier cũng là người mà nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã ham mộ ngay từ ngày còn nhỏ. Cũng có thể vì thế mà sau này Nguyễn Từ Chi đã tiếp tục con đường của bà Jeanne Cuisinier. Nguyễn Từ Chi hay Trần Từ (là bút hiệu của ông) hoặc trong giới thân hữu còn gọi là Cụ Từ, vừa từ trần năm 1995 nhưng công trình của ông đã được giới nghiên cứu ở trong nước và ở ngoài nước công nhận là những đóng góp quý giá cho nền dân tộc học. Những bài nghiên cứu như Cạp váy mường mà các hoa văn có thể nói là cùng loại với các hoa văn trên trống đồng, hay bài Ruộng Lang của Nguyễn Từ Chi bây giờ đã trở thành các bài tham khảo cho thế hệ sau.

Tháng 10 vừa qua nhà xuất bản L'Harmattan vừa cho phát hành cuốn La cosmologie muong, do chính giáo sư Georges Condominas, bạn của cụ Từ viết lời giới thiệu. Bản tiếng việt mang tựa đề "Vũ trụ luận mường qua đám tang" đã được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm ngoái nhân ngày giỗ đầu Cụ Từ trong tập Người Mường ở Hoà Bình. Đây là kết quả của cuộc điền dã lâu dài trong thời gian đi sơ tán những năm 60 với tư cách của một tài tử ham mê dân tộc học vì trong giai đoạn đó Cụ Từ chưa được các cơ quan chính thống công nhận là người nghiên cứu về lãnh vực này.

Tuy vậy những gặt hái của Nguyễn Từ Chi đã đem lại nhiều nhiên liệu mới để đóng góp cho sự hiểu biết về người Mường. Vì đam mê và nhờ óc tò mò nên Nguyễn Từ Chi đã rất tỉ mỉ và cẩn thận khi quan sát và điều tra những tập quán của người Mường, qua các đám tang chẳng hạn, để tiến tới một nhận xét về vũ trụ quan của dân tộc này. Cụ thể thì ngoài quan sát ra, để tiếp cận với vũ trụ quan mường Nguyễn Từ Chi đã chuyển âm và phân tích các bài tang ca gọi là Mo được kể lại trong các đêm mo. Trong một đám tang các bài mo được tiến hành theo hệ thống, tuy có nhiều chi tiết được nhắc đến hay không, thì đó tùy thuộc về tang chủ, tùy thuộc về vai trò xã hội của người vừa lìa đời, và tuỳ vào các bố mo, tức là người hành lễ trong đám tang. Trong các áng mo mường đó thì áng mang tên Đẻ đất đẻ nước đã trở thành một áng văn quen thuộc với giới nghiên cứu trẻ bây giờ. Áng văn này là một huyền thọai về ngày khai thiên lập địa và những ngày đầu của loài người có mặt trên thế gian. Hay áng Vườn hoa núi cối rất thịnh hành trong các đám tang, có công dụng để giải trí cho người chết và người sống. Qua áng văn này người ta còn đưọc biết mối quan hệ giữa chính quyền người Kinh với xã hội Mường như thế nào. Các ông vua Việt ngày xưa thường gả con gái mình cho các hoàng tử hoặc thủ lãnh ở vùng lân cận để bành trướng ảnh hưởng của mình. Vũ trụ quan của người Mường dễ hiểu hay nói theo tác giả thì là "hữu thức". Qua các bài mo thì vũ trụ quan của người Mường có ba tầng và bốn thế giới. Thuở khai thiên lập đîa thì ba tầng hay mường (Mường Trời, thế giới của trời và các chư hầu, Mường Bằng, thế giới của loài người và Mường Bằng dưới, thế giới của một loài người tí hon) được thông thương trước khi bị cắt đứt, và người ta có thể di chuyển từ mường này tới mường khác. Ở đây, không những tác giả nghiên cứu về người Mường mà còn dựa vào các công trình dân tộc học khác để so sánh các quan niệm mường với quan niệm của người Thái hay các dân tộc khác sống trên Cao nguyên trung phần. Vì người Mường và người Việt là hai dân tộc gần gũi về mặt văn hóa nên tác giả đã đưa ra một giải thích mà từ trước đến giờ chưa ai giải thích nổi, đó huyền thoại "Con rồng cháu tiên" tức là mối tình duyên đi đến chia lìa giữa bà Âu Cơ và Lạc Long Quân. Theo tác giả thì huyền thoại này là dấu mốc của sự tách biệt giữa dân tộc Mường và dân tôc Việt vì trong huyền thoại mường cũng có câu truyện tương tự. Dù sao đi nữa thì huyền thoại này cũng còn phải nghiên cứu sâu xa hơn để đi đến một giải thích mà giới nghiên cứu có thể chấp nhận được.

Sommaire de la rubrique
Haut de page