Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Yung Chang
Les cygnes sauvages. Les mémoires d'une famille chinoise de l'Empire
Céleste à Tian-anmen
Paris, Plon,1992, 507 p.
RFI, section vietnamienne, 8 septembre 1996
Ba con thiên nga và môi trường lịch sử Trung Quốc
Đây
là cuốn sách hay nhất trong vài năm nay viết về Trung Quốc cận đại
qua ba gương mặt của phụ nữ, tức là cuộc đời của ba bà cháu từ 1909 đến
1989. Sách mang lại cho người đọc nhiều lý thú : lý thú về mặt lịch sử,
lý thú về văn hóa và nếu đứng về mặt dân tộc học, thì
đây cũng là một nguồn tư liệu đáng kể.
Được
viết theo lối sử biên niên, tác phẩm của chị Nhung Chương, do nhà xuất
bản Plon phát hành, mang tựa đề theo bản dịch tiếng Pháp là
Les
cygnes sauvages - Les mémoires d'une famille chinoise de l'Empire
Céleste à Tian-anmen, tạm dịch là "Những con thiên nga. Hồi ký của
một gia đình Trung Hoa từ Thiên Đế tới Thiên An Môn" .
Mặc dầu trọng tâm của cuốn sách là những hậu quả của các chính sách cải
tạo, những cuộc cách mạng đẫm máu do chủ tịch Mao khởi xướng, tác giả
cũng không quên nhắc đến thân phận của người phụ nữ Trung Hoa trong
thời kỳ phong kiến, như tục bó chân, lệ tảo hôn, những cảnh vợ lẽ con
côi. Và như tác giả đã viết, những tập quán này nằm gọn trong câu tục
ngữ Trung Hoa : "
Lấy gà thì nghe lời gà, nếu chồng là chó thì phải
vâng lời chó".
Chương mở đầu, nói về thân phận người bà của tác giả. Vì có nhan sắc,
nên khi mới tròn 15 tuổi thì người bố, vì ham danh vọng, đã dàn cảnh và
hiến cho chúa tể ở vùng Mãn Châu, một tướng quân của Quốc Dân Đảng.
Nhưng ông tướng đó đã có vợ, nên người bà này phải làm lẽ. Sau tuần
trăng mật thì ông tướng này bỏ đi, và người bà sinh ra một đứa bé gái,
tức là người mẹ của tác giả. Năm đó là năm 1931, Nhật vừa chiếm Mãn
Châu xong.
Về mặt giáo dục, họ kiểm soát chặt chẽ hai môn sử học và luân lý, và
tất cả những môn học khác đều được giảng dạy bằng tiếng Nhật. Những
hành động thô bạo, những cuộc tra tấn, hành hạ, do đội quân Nhật áp
dụng với những kẻ chống đối, những xác người đem vất cho bầy thú là ấn
tượng của thơì kỳ Trung Quốc bị chiếm đóng.
Thời cuộc đã đưa đẩy người bà tái hôn với một bác sỹ đông y. Cuộc hôn
nhân này đã đưa gia đình của người bác sỹ đó tới một bi kịch. Vì ông ta
đã có một đời vợ và ba người con. Người con trưởng, mang nặng đầu óc
phong kiến cho rằng bố mình lấy vợ lẽ của người khác là điều nhục, nên
anh ta tự tử để phản đối. Khi người mẹ của tác giả bắt đầu trưởng thành
thì QDĐ nắm chính quyền ở Mãn Châu. Những bạo hành, thái độ kiêu ngạo
và kỳ thị của đội quân lộng quyền đối với người Mãn Châu, những hoang
phí, đã làm người mẹ của tác giả bất mãn, nên bà ta liên lạc với ĐCS
khi đó còn phải hoạt động trong vòng bí mật. Người thiếu nữ này bất
chấp gian nguy, tù đầy và tính mạng để phục vụ cho cách mạng dưới quyền
lãnh đạo của ĐCS.
Tác giả cho biết rằng, trong thời gian này, tất cả những chức vụ quan
trọng trong guồng máy QDĐ, kể cả những trách nhiệm về tình báo đều được
trao cho những ai có đủ tiền mua những chức vụ đó. Bởi thế, nên trong
đội ngũ của QDĐ có rất nhiều cán bộ cộng sản trà trộn. Sau đệ nhị thế
chiến, khi Nhật phải rút lui thì CS và QDĐ tranh giành thế lực để tồn
tại. Giai đọan nội chiến quyết liệt 1947-1948 ở Mãn Châu còn tạo ra
những cảnh khốc liệt, man rợ, thô bỉ như những đầu mối đưa phụ nữ đi
bán làm nô lệ hoặc bán cho những tổ mãi dâm, nhiều người đem con gái
mình đi bán để đổi lấy 10 kí lô gạo. Một giai thọai do tác giả kể lại
mang đầy ý nghĩa của một cuộc cách mạng vô sản đang thành hình. Chẳng
hạn như ăn ở sạch sẽ thì bị coi là phản vô sản. Vì thiếu nước và để
tiết kiệm nhiên liệu nên chỉ những ai là cán bộ mới được tắm bằng nước
nóng. Người mẹ của tác giả vừa lập hôn vớí một cán bộ cao cấp sau ngày
giải phóng năm 1949 ; trong thời kỳ có mang, bà ta thỉnh thoảng dùng
nước nóng của chồng mình không dùng hết để tắm. Thế là người ta đem
chuyện đó ra bàn tán, và rút cục người chồng cấm vợ mình không được
dùng nước nóng, dù là nước thừa. Tác giả nhận định rằng sự can thiệp
vào đời tư là một phần nền móng của cái gọi là "cải tạo tư duy", vì chủ
tịch Mao không những đòi hỏi người ta phải triệt để tôn trọng kỷ luật,
mà tất cả những tư tưởng khác dù cao cả hay hèn mọn đều phải phục tùng.
Bởi thế, người ta phải vâng lời đảng dù không hiểu gì cả, hay bất đồng
ý kiến. Ngoài bữa ăn và giấc ngủ, thời giờ còn lại phải triệt để dành
cho cách mạng và cho việc làm. Bất cứ hành động nào không liên quan đến
sự nghiệp đó đều bị bác bỏ, chẳng hạn như bế con vào lòng cũng thế.
Những đảng viên có phận sự trong guồng máy và những công chức đều phải
ăn ngủ ngay tại nơi làm việc. Vợ chồng chỉ được gặp nhau mỗi tuần một
lần vào ngày thứ bẩy. Và khi người chồng vắng mặt vì phải công tác xa
thì người vợ ở nhà đã có đảng săn sóc.
Ngay sau khi cách mạng cộng sản thành công thì cuộc cải cách ruộng đất
được áp dụng ngay vào những năm 1950-1951. Tuy ở Tuý Xuyên là nơi gia
đình của tác giả về hoạt động, vì đó là quê hương của người bố, khi đó
đã trở thành nhân vật thứ hai trong tỉnh uỷ, cuộc cải cách ruộng đất
được diễn ra trong bấu không khí không đến nỗi ngạt thở, nhưng không
tránh khỏi những cuộc đổ máu tàn bạo. Sau cải cách ruộng đất thì đến
những chiến dịch bài trừ tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, lộng quyền,
trốn thuế, v.v. ; và chiến dịch nào cũng được mở đầu bằng giai đoạn
tuyên truyền hầu để thuyết phục dân chúng. Chiến dịch đầu, chủ yếu nhắm
vào đối tượng đảng viên, chiến dịch sau nhắm vào người tư sản, và chiến
dịch quần chúng là cơ hội để ĐCS kiểm soát được toàn bộ mọi lãnh vực
của đời sống. Người ta khích lệ dân chúng tố cáo nhau bằng cách bỏ thư
vô danh. Sáng kiến cực kỳ của Mao Trạch Đông là thu hút toàn thể nhân
dân vào bộ máy kiểm soát để không cần đến cơ quan an ninh. Người dân tự
kiểm soát lẫn nhau rồi tố cáo nhau. Vì thế rất nhiều người đã bị trừng
trị hay bị khép án trên cơ sở thù hằn hoặc vu vơ. Theo tác giả, cuộc
cách mạng vô sản này mang nặng tính chất nông dân. Những cuộc "chỉnh
huấn" do những kẻ đạo đức giả, hèn mọn chủ tọa, và lợi dụng để tỏ bầy
lòng đố kỵ, còn những đảng viên cộng sản xuất thân từ nông thôn nghèo
khổ, thì cũng lợi dụng cuộc họp đó, để tố cáo những đảng viên khác
thuộc thành phần tư sản hay trí thức. Phải nói rằng, Cộng Hoà Nhân Dân
Trung Quốc ngày đó còn cả hàng trăm triệu người mù chữ nên tất cả những
ai có chút ít kiến thức đều được cho là trí thức.
Đầu năm 1956 Mao
Trạch Đông phát động phong trào "Trăm hoa đua nở" đồng thời kêu gọi
thành phần trí thức hãy phê bình và lên án những cán bộ, những công
chức cao cấp về những hành động tiêu cực của họ. Mới đầu nhiều người
tưởng rằng đây là đoạn đường mở đầu cho tự do phát biểu và dân chủ hoá,
nhưng sau mới biết đó chỉ là cái bẫy, do chính Mao Trạch Đông dựng lên,
để làm lộ diện những người chống đối chưa kiểm soát được. Tức là chiến
lược "chọc rắn cho nó chui ra khỏi lỗ" để chặt đầu. Mao Trạch Đông đã
thừa nhận mưu kế này khi ông ta phát biểu với các nhà cầm quyền Hung
Gia Lợi. Phải nói thêm rằng, năm 1956 là năm Krouchtchev vừa đọc báo
cáo chính trị lên án Staline. Sau sự kiện này, Mao Trạch Đông bị đảo
điên vì ông ta vẫn tự coi mình là một Staline nên cố cản trở mọi cuộc
nổi dậy tương tự như ở Hung. Phong trào
Trăm hoa đua nở chỉ
nhắm vào giới trí thức thôi, chứ công nhân và nông dân thì không bị ai
chú ý đến. Sau hơn một năm được phát động, cả hàng mấy trăm ngàn người
bị hạ bệ, có người thì bị đưa đi các trại cải tạo, hoặc một số người
khác, thì phải đi làm công nhân nhà máy, hay làm phu trong các nông
trại. Điển hình là bí thư của Viện nghiên cứu khoa học ở tỉnh Tuý
Xuyên. Người bí thư này nhìn nhận rằng trong đội ngũ nghiên cứu không
có ai là hữu khuynh cả. Điều đó làm ngạc nhiên các cán bộ cấp trên vì
theo lời tuyên bố của chủ tịch Mao thì ở cơ quan nào cũng thế, số người
hữu khuynh cũng phải chiếm từ 1 tới 10 %, và phải tiêu diệt họ bằng mọi
cách. Vì người bí thư nói trên không tìm ra ai là hữu khuynh trong cơ
quan của ông ta, nên rút cục người ta chụp mũ, bảo chính ông ta là hữu
khuynh. Ông bí thư này bị hạ bệ và từ đó trở thành kẻ quét dọn trong cơ
quan của mình. Cũng như những chiến dịch khác, phong trào này thuận
tiện cho những kẻ chạy theo cơ hội để tố cáo người khác, vì thù hằn hay
đố kỵ riêng, trên cơ sở mờ ám. Sang năm sau thì lại một chiến dịch khác
được thành hình, nhắm vào những người "phản cách mạng nằm trong bóng
tối". Thực ra đây là phản ứng của chủ tịch Mao về một số nhà văn như Hồ
Phong, không hẳn là chống đối về mặt tư tưởng, nhưng họ có thái độ độc
lập và suy nghĩ riêng, đó là điều mà Mao Trạch Đông không thể nào chấp
nhận được. Vì thế hàng loạt người bị tình nghi và bị buộc tội là "phản
cách mạng". Những người cộng sản chân chính, như người mẹ của tác giả,
cũng không dám lên tiếng để phản đối những oái oăm của chiến dịch này.
Trong tác phẩm này, tác giả con nêu lại rất nhiều sự kiện kinh hoàng mà
người đọc phải rùng mình, và gợi ra cái cảm tưởng là lịch sử chỉ được
cấu tạo bằng những bất công, những oan nghiệt, những tù đầy do lòng hẹp
hòi, đố kỵ, bỉ ối, do óc hèn mọn, cơ hội, mù quáng gây ra. Như bước
nhẩt vọt do chính Mao Trạch Đông phát động, đã đưa Trung Quốc vào một
giai đoạn tê liệt về mặt kinh tế và lương thực. Nạn đói hoành hành khắp
trên lãnh thổ, làm thiệt mạng hàng mấy chục triệu nông dân, đã cưỡng
bức ông chủ tịch phải bỏ cái chính sách mù quáng đó. Để chống lại đường
lối của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu rằng "Dù là mèo đen
hay mèo trắng, miễn là nó bắt được chuột thì thôì" ; câu nói này đã đi
vào lịch sử. Người Việt ta có câu "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết".
Đó cũng là thảm cảnh của cuộc cách mạng văn hóa (1965-1976). Vì Mao
Trạch Đông là một kẻ độc tài nên không thể nào chấp nhận quyền lực của
mình bị chia xẻ với kẻ khác, và người mà Mao Trạch Đông nghi ngờ sẽ là
một Krouchtchev của Trung Quốc là Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước sau khi
bước nhẩy vọt bị thất bại, tức là nhân vật thứ hai trong guồng máy
quyền lực. Nhân vật thứ nhất của Trung Quốc đã âm mưu để loại đối thủ
của mình trên mặt trận chính trị dựa vào cơ sở văn hóa. Từ trước đến
giờ, sách báo viết về đề tài này thì cũng có khá nhiều, nhưng ở đây
nguồn tư tiệu chính là những nhân chứng như gia đình của chính tác giả,
những cán bộ trung thành đã bị loại bỏ. Đây không phải sách của một kẻ
chống cộng viết ra để tuyên truyền mà là ký ức của những người cộng sản
đã sẵn sàng hy sinh cho cách mạng để rồi bị guồng máy quyền lực trong
tay người cộng sản nghiền nát. Vì tham vọng, vì hèn mọn, vì cơ hội, vì
mù quáng, chính những người cộng sản đã nghiền nát những đảng viên chân
chính của họ. Năm 1989 khi chứng kiến phong trào đòi hỏi dân chủ đang
rầm rộ, tác giả đã lấy làm ngạc nhiên, vì nhận thấy rằng xã hội Trung
hoa đã vượt qua nỗi sợ hãi của quá khứ, để đương đầu với chính quyền.
Nhưng khi phong trào "
Mùa Xuân Bắc Kinh" bị đàn áp, tác giả lại
tự hỏi rằng : " Sao một kẻ trước kia được coi là người đã giải phóng
đất nước ra khỏi sự nghèo khổ như Đặng Tiểu Bình, lại có thể dùng bạo
lực để trừng trị thế hệ đàn em ?" Tóm lại, nếu cuốn
Đời tư của
chủ tịch Mao cho ta biết những tranh chấp nội bộ ở trung ương thì cuốn
sách của chị Nhung Chương mô tả lại những hậu quả của những chỉ thị từ
trung ương xuống tới tỉnh uỷ và những cấp dưới. Hay nói một cách khác
thì là số phận của loài ruồi muỗi trong sự đấu đá giữ trâu và bò.
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|