Comptes rendus divers

Comptes rendus divers




Conférence internationale sur les Études vietnamiennes
Hanoi, 14-17 juillet 1998

Diễn Đàn, n°78, 1er octobre 1998



Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và những dấu hỏi


Như đã tường thuật sơ lược trong số trước, đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo có quy mô quốc tế về Việt Nam học. Tuy hai quỹ Ford Foundation và Toyota Foudation đứng ra tài trợ nhiều nhất, ngoài ra các cơ quan khác như Sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), Hội Việt Nam học ở Nhât Ban 1, và quỹ Oceanasia Foundation cũng đã đóng góp để thực hiện cuộc hội thảo này. Hai cơ quan chủ quản là Đại học quốc gia Hà Nôi (ĐHQGHN) và Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (TTKHXH & NVQG) đứng ra tổ chức, và cuộc hội thảo đã được diễn ra từ ngày 14 tới 17 tháng 7 vừa qua tại Quốc hội (Hội trường Ba Đình) chứ không phải ở Trung tâm hội thảo quốc tế như đã dự định. Bên lề cuộc hội thảo còn có những tiết mục giải trí như xem mua rối nước và thưởng thức văn nghệ. Trong dịp này, tối 16 tháng 7 Sứ quán Pháp cũng đã tiếp đón các nhà khoa học tham dự hội thảo trong một buổi "tiệc đứng" và tối cuối cùng (17 tháng 7) ban tổ chức mời các đại biểu tới Nhà khách chính phủ để liên hoan bế mạc.

Về mặt tổ chức thì sau khi đăng ký hôm đầu (chuyên viên nước ngoài phải nộp lệ phí 100 $ US một người), mọi người đều nhận được một cặp táp có sẵn các báo cáo của tiểu ban của từng người và một cuốn kỷ yếu tóm tắt các báo cáo đã nhận được. Trong ba ngày hội thảo tiếp theo thì các bản photocopy của mỗi tiểu ban được phân phát thêm để bổ sung những thiếu sót ban đầu. Có điều là thứ tự các báo cáo chỉ được thông báo trước vài giờ trong từng tiểu ban chứ không có kế hoạch tổng quát (planning) như thường có trong mọi hội thảo, nên đã hạn chế mọi người tham dự vào tiểu ban khác của mình. Ngoài ra giữa hai buổi hội thảo sáng và chiều bữa ăn trưa được tổ chức tại chỗ.

Đây là cuộc hội thảo về Việt Nam học đông người dự nhất từ trước đến giờ : ban tổ chức đã nhận được hơn 400 báo cáo khoa học trong đó có 267 báo cáo từ các nước ngoài. Có những phái đoàn gồm hơn 30 đại biểu như Mỹ, Nhật Bản và Úc, sau đó là Pháp, Trung Quốc, Nga, Hà Lan, đó là chưa kể đến các chuyên viên từ Đức, Na Uy, Đan Mạch, Ca Na Đa, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan, v.v. Tổng cộng đã có 26 nước tới tham dự và thảo luận về 8 chuyên đề (Lịch sử và truyền thống, 2 tiểu ban ; Văn hoá và giao lưu, hội nhập văn hoá, 3 tiểu ban; Kinh tế xã hội, 2 tiểu ban ; Nông thôn, làng xà, nông nghiệp, 2 tiểu ban ; Gia đình, phụ nữ và dân số, 2 tiểu ban ; Đô thị và môi trường, 2 tiểu ban ; Ngôn ngữ và tiếng Việt, 2 tiểu ban ; Tư liệu, 1 tiểu ban ; tổng cộng 15 tiểu ban). Trong mọi tiểu ban đều có một chuyên viên nước ngoài và một chuyên viên Việt Nam đồng chủ tọa và hướng dẫn các cuộc thảo luận.

Ngoài các học giả lão thành được mọi người đều biết đến như các giáo sư D.V. Deopik (giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Viện nghiên cứu Á-Phi, Đại học Mâtxcơva 2, David G. Marr (Đại học quốc gia Úc), Keith W. Taylor (Đại học Cornell), Georges Condominas (EHESS) v.v., cuộc hội thảo cũng có rất đông những người của thế hệ trẻ tham dự. Họ đều đã học tiếng Việt và đang nghiên cứu tại Việt Nam hoặc ở nước nhà. Điều nổi bật nữa là rất nhiều báo cáo khoa học được trình bày bằng tiếng Việt 3. Đội ngũ thông dịch viên của Việt Nam đảm nhiệm dịch trực tiếp những báo cáo khác bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ra tiếng Việt và ngược lại. Phải nói là đội ngũ này đã đóng góp rất tích cực vào công việc dịch thuật trong ba ngày hội thảo, tuy một vài trở ngại khó tránh vì quá trình đào tạo và cơ chế.
Đối diện với các nhà học giả ngoại quốc phía Việt Nam có những ai ? Trong đoàn chủ tịch có các giáo sư : Nguyễn Duy Quý (giâm đốc TTKHXH & NVQG), Nguyễn Văn Đạo (Giám đốc ĐHQGHN), Phan Huy Lê (trưởng ban tổ chức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giao lưu về Việt học), Lê Bá thảo (chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam), Hà Văn Tấn (viện trưởng Viện khảo cổ học), Lê Hữu Tầng (đồng trưởng ban tổ chức) và đông đủ những chuyên viên khác. Trong buổi khai mạc còn có sự hiện diện của các chính khách như thủ tướng Phan Văn Khải, đại tướng Võ Nguyên Giáp (chủ tịch danh dự Hội sử học), Trần Văn Giầu (với cương vị giáo sư sử học) và Trần Bạch Đằng (trung tâm khoa học xã hội TP-HCM). Các bài " báo cáo khoa học " (hay diễn văn ?) của các vị này đã được tạp chí Xưa và Nay đăng lại trong hai số tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Các báo cáo này đều nhấn mạnh đến "quá trình đấu tranh rất khắc nghiệt suốt mấy nghìn năm lịch sử" và "tinh thần yêu nước" của Việt Nam. Trong đề tài "Vài suy nghĩ về Việt Nam học", ông Trần Bạch Đằng cũng còn lưu ý là "nghiên cứu Việt Nam không thể không nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh". Một cuộc hội thảo quy mô như thế không thể nào vắng bóng đại diện guồng máy chính trị. Trong buổi họp báo hai ngày trước Hội thảo, một vị lãnh đạo trong Ban tư tưởng- văn hoá đã tới đồng chủ tọa với ban tổ chức hội thảo, sau đó, chiều ngày 16 tháng 7, tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tới hội trường Ba Đình tiếp đón các nhà khoa học đại diện cho nước ngoài (khoảng 40 người được mời riêng) để hoan nghênh và khuyến khích nền Việt học.

Báo cáo về quá trình Việt học ở Liên Bang Xô Viết (Nga) của giáo sư Deopik cho biết là nền Việt học ở đây được thành hình sau mối quan hệ từ thập kỷ 20 giữa hai nước, và khóa giảng đầu tiên về lịch sử Việt Nam - từ cổ đại đến hiện đại - ở đại học Mâtxcơva mới có từ đầu thập kỷ 50 do giáo sư viện sĩ A. A. Guber phụ trách. Tuy thế ngày từ giai đoạn này các nghiên cứu sinh Nga đã học tiếng Việt khi chọn Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu. Qua thập kỷ sau, Việt Nam học đã trở thành lĩhh vực nghiên cứu độc lập trong môn Đông phương học : " Vào đầu những năm 70, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu 4, (...) khoa lịch sử là một bộ phận quan trọng nhất của Việt Nam học ở Nga ". Và hiện tại thì các nhà khoa học Nga vẫn gặp gỡ nhau thường xuyên trong Hội nghị hàng năm ở Đại học Mâtxcơva.

Bà Izumi Takahashi trong Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản đã tổng quát các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại được dịch ra tiếng Nhật từ trước đến giờ. Quá trình này được chia ra làm 4 giai đoạn : trước 1964, 1964-1975, 1976-1985, và từ 1986 đến bây giờ. Tuy thống kê chưa đầy đủ, người ta được biết là trong giai đoạn đầu chỉ có tác phẩm của Nguyễn Tiến Lãng, Câu chuyện An Nam (1942) và một vài truyện ngắn trong tập Truyện Tây Bắc được dịch ra tiếng Nhật. Giai đoạn 1964-1975 là "đỉnh cao của công việc giới thiệu những tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam tại Nhật Bản " và trung bình mỗi năm có một tác phẩm được giới thiệu. Tổng cộng là 12 tác phẩm như Chị Tư Hậu của Bùi Đức Ái (1965), Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc (1966), Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan (1967), Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai (1968), Chí phèo của Nam Cao (1970), v.v. Vì bối cảnh lịch sử nên trong giai đoạn 1976-1985 số lượng tác phẩm được dịch ít đi. Trong năm tác phẩm được giới thiệu thì bốn tác phẩm mang chủ đề chiến tranh như cuốn Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận (1976). Từ ngày có chính sách Đổi mới, trong số các nhà văn Việt Nam mà tác phẩm của họ được dịch sang tiếng Nhật có Anh Đức (Hòn đất Việt 1992), Bích Thuận (Nữ chiến sĩ rừng dừa 1992), Bảo Ninh (Thân phận tình yêu 5, 1997) Dương Thu Hương (Những thiên đường mù, 1995), Khái Hưng-Nhất Linh (Gánh hàng hoa, 1995), Ma Văn Kháng (Mưa mùa hạ, 1992), Nguyễn Huy Thiệp (các truyện ngắn), Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảo thuật, 1997), v.v. Tóm lược lại thì từ năm 1962 đến giờ đã có 15 truyện dài và 116 truyện ngắn Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật. Điều đáng chú ý ở đây, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, là từ năm 1970 đến giờ các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch từ bản gốc tiếng Việt chứ không như trước kia phải dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Espéranto.

Còn ở Mỹ, theo báo cáo của giáo sư Keith W. Taylor thì những tranh chấp về hệ ý thức trong thời kỳ chiến tranh lạnh có ảnh hưởng đến đối tượng nghiên cứu nếu không nói là tình hình nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ trong bối cảnh đó hoàn toàn lệ thuộc quan điểm chính trị. Chẳng hạn người ta tranh luận về bản sắc dân tộc để có những cơ sở chứng minh cho lập luận có thể có nhiều nhà nước Việt Nam hay không. Trong hiện tại thì các chủ đề như " Anh hùng, Nhà nước, Bản sắc " của Việt Nam không còn là những đối tượng nghiên cứu nữa, và Văn học Việt Nam chuyển sang lãnh vực của Á học. Giáo sư" Taylor còn cho biết là có " bốn cách chính để định nghĩa Việt Nam : trước tiên Việt Nam nhất thiết là một Việt Nam thống nhất, sau đó một Việt Nam thực sự cũng là Việt Nam làng mạc, một Việt Nam theo đạo Khổng và một Việt Nam cách mạng".

Trong lời tổng kết, giáo sư David G. Marr (phần Sử học - truyền thống và hiện đại) cũng như giáo sư Philippe Langlet (phần Tư liệu) có nhắc nhở phía Việt Nam nên mở rộng học thuật để quan tâm đến các nước láng giềng cũng như các nước khác và đề nghị thành lập trong tương lai gần đây một "Trung tâm sử học đối chiếu" (Centre d'histoire comparée). David G. Marr cũng còn nhận thấy là chuyên đề "Làng xã Việt Nam" được chu trọng quá mức, trong khi đó thiếu bóng chủ đề "Tôn giáo và tín ngưỡng", và ý niệm về "phong kiến" (féodalité) phải được sử học nhận xét lại (đối với xã hội Việt Nam). Bài tổng kết của giáo sư Phan Huy Lê nói lên niềm tự hào cho cuộc thành công của cuộc hội thảo và giáo sư Lê cũng gợi ý là các cuộc hội thảo sau này về Việt Nam học dù sẽ được tổ chức tại Việt Nam hay ở nước ngoài nên dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính cho hội thảo.

Cuối cùng thì hội thảo cũng đưa đến một vài giải pháp sơ bộ do Giáo sư Nhật Shinkichi Eto trình bày :
- Đề nghị nên tổ chức những cuộc hội thảo tương tự trong khoảng 3 hay 4 năm một lần, và hội thảo quốc tế về Việt học lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2000, 2001 hoặc 2002 ;
- Một hội đồng quốc tế về Việt Nam học sẽ được thành lập, bao gồm các thành viên có uy tín, giữa ban tổ chức cà các nước thành viên ;
- Trường đại học Washington và trường đại học Texas sẽ tình nguyện sử dụng Internet để thúc đẩy nghiên cứu về Việt Nam ;
- Những dự định sau đay đã được đề nghị và sẽ được ban tổ chức cụ thể hoá và thực hiện : làm thế nào để tăng cường việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, biên soạn và phổ biến tờ thông tin News Letter, biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn về tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài học tiếng Việt như là một ngôn ngữ thứ hai.

Như mọi người đều biết, các cuộc hội thảo là dịp để các chuyên viên gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, thông tin, đó cũng là cơ hội để giới trẻ hòa nhập vào cộng đồng chuyên nghiệp sẵn có, chứ không phải là nơi để đặt vấn đề và càng không phải là nơi giải quyết những vấn đề (dù khoa học hay không). Riêng đối với Việt Nam thì cuộc hội thảo này cũng là cơ hội tốt để những chuyên viên ở trong nước chưa có dịp đi ra nước ngoài, tiếp cận với cách sinh hoạt về mặt trí tuệ ở nước ngoài và cách nhận xét về cùng một sự việc của những người ở nước ngoài. Dù sao đi nữa thì sự thành hình của cuộc hội thảo này chứng tỏ một điều là giới khoa học xã hội ở Việt Nam đã thuyết phục được giới chính trị đi tới sự kiện này mà không phải lo sợ nguy cơ chệch hướng. Và nhờ đó giới chính trị gây được thêm uy tín trong nước và đối với các nước ngoài, thì người ta hy vọng rằng sự kiện này có thể được đánh giá là Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách Đổi mới.

Tuy thế, giới chính trị khong thể nào vắng mặt trong các hoạt động dù là về khoa học xã hội. Hay nói một cách khác thì bộ máy Đảng vẫn coi giới khoa học là một công cụ của guồng máy để thực hiện những quyết định từ trung ương. Thế, giới khoa học xã hội Việt Nam không được tự do hoạt động trong lãnh vực của mình hay sao ? Tờ Đại đoàn kết, cuối tuần, phát hành tại TP-HCM số ra ngày 11 tháng 7 vừa qua (trước hội thảo vài hôm) đã nêu ra vấn đề này : « Sự bất cập của chúng ta trong lãnh vực KHXH & NV có nguyên nhân t ừ bản thân các nhà khoa học : chưa năng động, sáng tạo và gắn với thực tiễn, nhưng còn bởi «đụng » đến KHXH & NV là đụng đến hệ thống quan điiểm, trong khi bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu KHXH chưa được phát huy. Nhiều người làm công tác này còn e ngại nói ra những chính kiến của mình. »

Sự "thành công" của cuộc hội thảo, những câi "nhất" nêu trong báo cáo tổng kết ("mang tính quốc tế quy mô Iớn nhất", "cuộc tụ hội quốc tế quy mô Iớn nhất ", "nhưng chưa bao giờ (...) như cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học của chúng ta hôm nay", "mang tính đa ngành và liên ngành rộng Iớn nhất "), v.v. hẳn có đáng là niềm tự hào cho Việt Nam hay không ? Trước khi trả Iời câu hỏi này tưởng cũng nên tự hỏi là Việt Nam có bao nhiêu nhà khoa học hiểu biết đất nước, lịch sử, xã hội, văn hóa, truyền thống, v.v. của các nước Nga, Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan, v.v. như các chuyên viên các nước đó hiểu biết về Việt Nam ? Trong đội ngũ cán bộ Việt Nam xưa kia được gửi qua học và tu nghiệp ở Liên Xô, ở Đông Đức, ở Tiệp Khắc, v.v., có ai bây giờ trở thành chuyên viên về Nga học, Đức học, Tiệp học hay không ? Các bộ môn như Văn hóa Pháp, Văn học Nga, Kinh tế và phát triển ở Mỹ, Lịch sử Nhật Bản nếu có trong giáo trình ở Đại học có được giảng dậy một cách chu đáo hay không ? Đó là chưa nói đến các bộ môn như Âu học, Đông Nam Á học, Châu Phi học, MỸ La tinh học, v. v. Nếu cộng đồng thế giới quan tâm và tìm hiểu Việt Nam - vì những lý do của họ và cũng nhờ đó trình độ kiến thức của họ được nâng cao, tầm nhìn được mở rộng - và vì lẽ đó ta tưởng ta là cái rốn của vũ trụ thì hậu quả sau này sẽ khó mà đo lường, nhưng điều trước mắt là ta phải hổ thẹn với người nước ngoài vì họ hiểu biết mình hơn mình hiểu biết họ. Như thế thì làm sao mình có thể ngang hàng với họ và thuyết phục họ được ? Dù sao đi nữa, nếu người Việt Nam biết hổ thẹn phải chứng kiến những điều oái oăm của đất nước, những cái chướng tai gai mắt, thì đó là bước đầu để đi đến con đường giải phóng, vì sự hổ thẹn có thể là động lực thúc đẩy đến con đường sáng tạo và bình đẳng. Còn nếu người Việt Nam không biết tự hổ thẹn thì không ai sẽ hổ thẹn thay họ cả, và như thế thì mọi điều sẽ không có lý do nào để biến chuyển. Và chúng ta cũng nên nhớ là những người mở đường cho nền Việt học không phải là người Việt. Tờ Đại đoàn kết vừa nêu cũng còn nhận xét một vài điều rất mỉa mai là "chúng ta vẫn nói đất nước có nền văn hiến lâu đời, nhưng đã có công trình nghiên cứu nào đến nơi đến chốn về nền văn hóa nước nhà ?", hoặc "chúng ta nói xây dựng nền văn hóa tiền tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng trong nhiều trường đại học không có bộ môn dạy cho sinh viên về văn hóa dân tộc." Bởi thế chúng ta nên coi Iời nhắn nhủ của David G. Marr và Philippe Langlet (Việt Nam nên mở rộng học thuật đến các nước láng giềng và các nước khác) là tiếng nói chân thành của những người bạn của Việt Nam ; còn nếu chúng ta hiểu như giám đốc TTKHXH & NVQG, Nguyễn Duy Quý, đáp Iời ngay sau đó là "Việt Nam phải tìm hiểu các nước láng giềng để sau đó yêu nước Việt Nam hơn" thì quả là ông nói gà bà nói vịt.

Riêng về tiếng Việt, một anh thông dịch viên trong hội thảo đã bày tỏ một vài ưu tư và tự hỏi rằng tại sao ở Việt Nam không có một Hội đồng đứng ra biên soạn để hoàn chỉnh và đồng thể hóa tiếng Việt (từ cách viết đến từ ngữ, v.v.) và đồng thời tìm ra những từ ngữ mới để đáp ứng cho biến chuyển của nền khoa học xã hội và nhân văn, có nghĩa là dịch và chuyển ngữ các từ ngữ, thành ngữ, ý niệm của nước ngoài được dùng trong khoa học xã hội và nhân văn. Một tỷ dụ là người ta hay dùng lầm hai ý niệm "xã hội mẫu hệ " (société matrilinéaire) và "xã hội mẫu quyền" (matriarcat) 6 nên người dịch thường gặp khó khăn. Cũng về lãnh vực này, chúng ta phải dịch thế nào các từ ngữ hay ý niệm từ tiếng Pháp như : problématique, enjeu, espace social, radical (nói về đảng phải chính trị), idéel, sociétal, le politique, v.v. ? Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm này ? Hy vọng là trong tương lai không xa lắm các câu hỏi nêu ra trên đây sẽ có những câu trả Iời thích đáng, sức mạnh và chất lượng của nền Việt học sẽ được chuyển hướng và xuất phát chính từ Việt Nam theo quy luật bình thường, và Việt Nam sẽ có những chuyên viên quốc tế nói chuyện ngang hàng với các học giả nước ngoài về những lãnh vực của khoa học xã hội và nhân văn chứ không phải chỉ có những nhà Việt Nam học.



Chú thích :

1. Hội này hiện có hơn 100 thành viên.

2. Vắng mặt vì lý do sức khoẻ nhưng báo cáo của ông được anh phó giám đốc thay mặt đọc bằng tiếng việt.

3. Theo báo cáo tổng quát của giáo sư David G. Marr thì hiện tại 80% những nhà nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài nói được tiếng Việt so với trước kia chỉ có 10 %.

4. Chủ yếu là lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, chính trị học, xã hội học, kinh tế học, địa lý học, văn học.

5. Nguyên văn trong báo cáo

6. Theo những khám phá khoa học hiện thời thì người ta chưa tìm ra ở đâu trên thế giới có dấu vết của mẫu quyền.



Sommaire de la rubrique
Haut de page