Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




George Orwell
La ferme des animaux
Paris, Champ libre, "Folio", 1985, 150 p.

RFI, section vietnamienne, 26 octobre 1996



Khi loài thú làm cách mạng


Có thể nói rằng câu chuyện sau đây cũng là chuyện con heo, những con heo đã thành công trong cuộc cách mạng của loài thú rồi thành công trong sự nghiệp xây dựng một nền cộng hoà ngoài vòng kiểm soát của loài người. Nhưng những loài thú nào phải trả cái giá của sự thành công này ?

Đây là một chuyện ngụ ngôn độc đáo của cố nhà văn Anh George Orwell, tên thật là Eric Blair. Tác phẩm của ông mang tựa đề Animal Farm, xuất bản năm 1945, rồi sau đó được dịch sang tiếng pháp lần đầu tiên năm 1947. Bản dịch cuối cứng của nhà xuất bản Champ libre được phát hành ở Pháp năm 1981 với tựa đề La ferme des animaux, tức là "Nông trại của loài thú". (Để tiện cho thính giả việt nam, tên của các nhân vật trong chuyện sẽ được việt hoá trong bài giới thiệu cuốn sách này.)

Câu chuyện xẩy ra tại nông trại của ông Sơn, và bắt đầu bằng một giấc mơ của một con heo già, mà các con thú khác đều kính cẩn như một nhà hiền triết. Nhưng trước khi kể lại giấc mơ đó thì nhà hiền triết mở đầu bằng một bản án về loài người. Tất cả mọi vấn đề đều nằm gọn trong câu "loài người", kẻ thù của loài thú. Nếu loài vật loại bỏ được loài người thì chúng sẽ được tự do và hạnh phúc. Trước khi chấm dứt bài diễn thuyết nhà hiền triết hát lại một bài ca mà xưa kia loài thú đã hát và bây giờ đã bị quyên lãng. Đại khái lời ca là :
Các loài thú trên toàn thế giới
Hãy lắng nghe niềm hy vọng
Thời huy hoàng đã được hứa hẹn.
Sớm hay muộn ngày giải thoát sẽ đến,
Trâu, bò, ngựa, ngỗng, vịt gà
Sẽ được hoàn toàn tự do...
Nhưng chẳng bao lâu thì nhà hiền triết qua đời. Các con heo trong nông trại đảm nhiệm công việc tổ chức vì chúng được coi là loài thông minh nhất. Bộ ba Napoléon, Viên Tuyết, và Ba Hoa trở thành những kẻ lãnh đạo phong trào nổi dậy và chúng đã soạn thảo Chủ nghĩa loài vật, theo lời dạy của nhà hiền triết.

Rồi sự việc phải đến cũng đến. Một đêm, mấy con bò nổi loạn. Chủ nông trại tìm cách đàn áp nhưng các con thú khác đã hưởng ứng ngay phong trào nổi dậy và rút cục chủ trại phải bỏ chạy. Thế là cuộc cách mạng dành quyền lợi về tay loài thú đã thành công. Ngay sau đó thì loài heo cho biết là chúng đã học đọc và học viết từ ba tháng trước trong thời gian còn hoạt động bí mật. Chúng cho hạ tấm bảng cũ đề là "Nông trại Phú hào" treo ở cổng và đổi tên là "Nông trại của loài thú". Từ đó chủ nghĩa loài vật chỉ còn là 7 điều giới luật được viết trên nền tường :
1. Tất cả các loài 2 chân đều là kẻ thù.
2. Tất cả các loài 4 chân, loài có cánh đều là bạn.
3. Không một con vật nào sẽ mặc quần áo.
4. Không con vật nào sẽ ngủ trên giường.
5. Không con vật nào sẽ uống rượu.
6. Không con vật nào sẽ giết một loài vật khác.
7. Tất cả mọi loài vật đều bình đẳng.
Trong tiến trình xây dựng nền cộng hoà, bài ca của nhà hiền triết đã trở thành bài quốc ca, và lá cờ của nền cộng hoà là mầu xanh điểm thêm cái sừng và móng guốc. Ngôi nhà của chủ cũ được loài thú quyết định làm viện bảo tàng. Các loài vật trong nông trại hăng hái bắt tay xây dựng tương lai. Thực ra loài heo không làm gì cả mà chỉ phân phát công việc cho các loài khác vì chúng tự tạo cho mình vai trò lãnh đạo và giám sát. Chúng đóng đô tại chuồng ngựa. Viên Tuyết phân chia loài vật thành các ban có nhiệm vụ riêng biệt. Chú ngựa Cường được mọi loài vật khác hoan nghênh vì rất hăng hái làm việc không kể giờ giấc. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật có cuộc họp để bàn tán kế hoạch sản xuất và dự định tương lai. Các loài vật hiện diện trong nông trại đã đi học. Nhưng chương trình này không có kết quả. Lũ cừu và gà vịt không học nổi một chữ, chỉ riêng con dê trắng tên là Ất Dương và chú ngựa Út là đọc được. Con ngựa Cường cũng chỉ nhận được 4 mặt chữ đầu trong vần ABC. Vì lẽ đó Viên tuyết lại phải soạn lại các giới luật thành một câu gỏn gọn là : "Bốn chân thì được hai chân thì không". Trong thời gian này hai con chó Cẩu và Hoa vừa đẻ được 9 con chó con. Không bao lâu thì Napoléon bắt cóc chúng đi và nói là lũ chó bé sẽ được chính hắn huấn luyện.

Thời gian trôi qua và loài vật phải làm lụng vất vả hơn xưa, ăn uống thiếu kém hơn khi còn chủ là loài người, nhưng con vật nào cũng tự nghĩ là dù sao đi nữa chúng cũng đã tự giải thoát khỏi tay loài người nên chấp nhận mọi khó khăn. Có điều các loài vật đều nhận thấy là sự bất đồng ý kiến giữa Napoéon và Viên Tuyết, cứ trống đánh xuôi thì kèn thổi ngược. Buổi họp cuối cùng về việc xây dựng nhà máy xay được diễn ra trong bầu không khí ngộp thở. Viên Tuyết thuyết phục để dự án được thành hình còn Napoléon thì phản đối cho là điều phi lý. Cuối cùng Napoléon rít lên một tiếng. Chín con chó con có nhiệm vụ bảo vệ bây giờ đã lớn, tiến tới trước mặt Viên Tuyết định cắn. Viên Tuyết thấy mình bị đe doạ phải bỏ chạy khỏi nông trại. Mọi con vật có mặt trong buổi họp đều kinh hoàng trước sự kiện này. Napoléon giải tán buổi họp trước khi thông báo là từ nay trở đi buổi họp sáng chủ nhật không còn lý do để tồn tại nữa. Mọi điều sẽ do ban lãnh đạo là loài heo quyết định rồi sẽ thông báo cho mọi loài vật khác chỉ có nhiệm vụ thực hiện những chỉ thị.

Giai đoạn này là bước ngoặt của lịch sử cách mạng loài thú trong nông trại. Vì trong ban lãnh đạo chỉ còn Napoléon và Ba Hoa, là cánh tay phải, luôn luôn sẵn sàng phụ hoạ cho những ý kiến của Napoléon. Chúng lúc nào cũng biện những lý do này lý do nọ để ép buộc loài thú khác tuân theo kỷ luật. Cuộc sống trong nông trại càng ngày càng cực khổ đói kém, ngược lại thì thái độ của ban lãnh đạo càng ngày càng phản lại những ý tưởng cao sang của cuộc cách mạng, những cảnh ăn trên ngồi trốc càng ngày càng lố bịch. Nhưng loài thú không biết làm sao, một phần vì đa số không có học, một phần thì bộ máy đàn áp hoành hành, và hệ thống tuyên truyền đánh lạc hướng những con thú nào còn hoài nghi. Viên Tuyết ngày xưa là một trong những con heo đã đóng góp tích cực cho cuộc cách mạng bây giờ bị gọi là kẻ phản bội, và những con thú nào còn nuối tiếc Viên Tuyết thì bị kết tội là phản cách mạng, là kẻ thù của loài thú rồi bị tử hình. Không những thế, Ban chỉ Huy luôn luôn đe dọa là nếu không tôn trọng kỷ luật thì người chủ cũ sẽ trở lại và loài thú lại tiếp tục làm nô lệ cho loài người, điều mà không con vật nào mong mỏi.

Cứ thế, thời gian trôi qua, lịch sử được viết lại để cho hợp với những biến chuyển mới, tức là đã bị xuyên tạc. Trong 7 điều luật giới xưa kia thì có điều "Không con vật nào được giết một loài vật khác", nhưng bộ máy đàn áp vẫn giết hại những con thú tỏ vẻ chống đối. Hay là điều luật giới thứ 3 và thứ 4 nói là "Không con vật nào sẽ mặc quần áo, hoặc ngủ trên giường" như loài người, trong khi đó loài heo đã ngang nhiên dọn về ngôi nhà của chủ trại cũ ở như loài người. Không những thế chúng còn trao đổi thương mại với các chủ trại lân cận là loài người. Điều lố bịch hơn là bây giờ loài heo đã không ngần ngại ăn mặc như loài người, cũng uống ruợu, cũng bài bạc để giải trí. Chú ngựa Cường đắc lực nhất và hăng hái nhất trong quá trình xây dựng nền cộng hoà, sau khi bị thương và ốm đã bị ban lãnh đạo thảy cho loài người để đem đi thủ tiêu vì không còn đủ sức làm việc, và chúng nói là đã đưa Cường vào một bệnh viện tối tân nhất để được trị bệnh. Kể cả bài quốc ca là linh hồn của phong trào cũng bị cấm. Nông trại bây giờ lại lấy tên cũ là "Nông trại Phú hào". Và điều sót sa hơn nữa là câu khẩu hiệu xưa kia "Mọi loài vật đều bình đẳng" đã được sửa đổi thành "Mọi loài vật đều bình đẳng nhưng có loài bình đẳng hơn loài khác". Tức là mọi điều đều được Ban lãnh đạo xuyên tạc và nguỵ biện, chúng ngự trị trên ngai vàng bằng những giả dối và đàn áp. Nói một cách khác thì cuộc cách mạng đã phát sinh ra một chế độ độc tài. Và những kẻ phải trả giá rất đắt lại là những kẻ đã hết lòng hy sinh cho cách mạng. Sự mỉa mai của lịch sử là như thế.

Bài ngụ ngôn của George Orwell là một bản án về chế độ độc tài và bản án đó nhắm vào chế độ chuyên chính vô sản do Staline chủ mưu. Lá cờ nền xanh có thêm móng ngựa và cái sừng ý nói là lá cờ đỏ có điểm thêm cái búa và cái liềm. Các nhân vật trong chuyện tiêu biểu cho các nhân vật có thật hoặc thành phần xã hội của loài người. Chẳng hạn lũ chó có thể coi như là bộ máy đàn áp ; chú ngựa Cường tượng trưng cho thành phần hăng say theo cách mạng nhưng không đủ sáng suốt để nhìn nhận sự việc. Con dê Ất Dương và chú ngựa Út tượng trưng cho giới trí thức biết rằng lịch sử đã đi lạc hướng nhưng không làm sao được đành phải giả điếc giả câm. Con heo Viên Tuyết thì biểu tượng cho những người lãnh đạo trung thành vớí sứ mạng nhưng bị chính kẻ đồng hành, nhiều thủ đoạn hơn, gạt bỏ và bị bêu danh là thù địch, phản cách mạng. Lũ cừu tượng trưng cho thành phần chạy theo phong trào một cách mù quáng vì chúng hô những khẩu hiệu một cách vô duyên mà chính chúng cũng không hiểu là gì. Riêng về Napoléon thì nhân vật này biểu tượng cho kẻ độc tài chủ mưu lợi dụng lòng trung thành của đồng loại, kể cả lừa dối để dành quyền hành, rồi xuyên tạc lịch sử, để thống trị và kiểm soát đồng loại và đồng chí. Câu chuyện này cũng còn cho ta thấy những chặng đường lịch sử là : chế độ độc tài đưa tới cách mạng và cuộc cách mạng lại mở đường cho một chế độ độc tài khác.

Từ Đông sang Tây từ cổ tới kim, những nhân vật này không thiếu trong lịch sử. Đây cũng là một bài học để loài người nghiền ngẫm. Bài học cũng còn cho ta biết là một chế độ dù có độc tài, dù có xảo quyệt đến đâu đi nữa cũng không thiếu những kẻ hiếu danh chạy theo để cầu chút lợi riêng cho mình. Tại sao loài người lại cứ bị khuất phục bởi những ý tưởng điên rồ, hèn mọn và vô nhân đạo như thế ? Tại sao đa số cứ bị khuất phục bởi một số người thủ đoạn lợi dụng lòng trung thành và hy sinh của đa số để biến các cuộc khởi nghĩa thành một chế độ phi nhân đạo độc tài, dùng đàn áp để bêu xấu những phần tử tiến bộ ? Đó có phải số phận chung của loài người hay không ? Nếu quả như thế thì loài người với loài heo cũng chẳng có gì khác biệt nhau.

Sommaire de la rubrique
Haut de page