Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Collectif
La France et le Vietnam dans l’espace francophone
Paris, L'Harmattan, 1997, 204 p.

RFI, section vietnamienne, 14 nov. 1997



Một quan điểm về khối Pháp ngữ


Nếu hôm nay Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của khối pháp ngữ được khai mạc ở thủ đô Hà Nội thì đầu năm nay Hội Ái hữu Pháp-Việt đã tổ chức ở Paris một cuộc hội thảo về vấn đề này với sự có mặt của nhiều chính khách Pháp và Việt, và các nhà chuyên gia. Những bài tham luận, về nhiều lãnh vực khác nhau, vừa được nhà xuất bản L’Harmattan cho phát hành cuối tháng mười vừa qua với tựa đề La France et le Vietnam dans l’espace francophone, tạm dịch là "Nước Pháp và nước Việt Nam trong cộng đồng pháp ngữ". Trong lời giới thiệu, Hội ái hữu Pháp Việt có đặt ra những câu hỏi như : - Pháp ngữ là gì ? - Vị trí của nó như thế nào trong sự trao đổi đa diện giữa hai nước Pháp và Việt? - Những phương tiện có đủ để đáp ứng những thử thách hay không ? v.v.
Chúng tôi đã có dịp tường thuật bài tham luận của cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện gửi hội nghị. Ở đây chúng tôi chỉ đưa lại một vài thông tin mà kỳ trước chúng tôi chưa có. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện có nhấn mạnh rằng, xin trích và dịch :"Để sự hiện diện của nước Pháp ở Việt Nam và sự hiện hiện diện của Việt Nam trong khối Pháp ngữ được sâu đậm, lâu dài và vượt ra ngoài những thành kiến có tính cách chủng tộc, thì phải đào tạo một đội ngũ dịch giả và thông dịch viên cao cấp về khoa học nhân văn và văn học.", hết lời dẫn. Cũng theo bác sỹ Nguyễn Khắc Viện thì để có một dịch giả có thể hiểu thấu hết những tinh vi của tiếng pháp thì phải cần 10 năm đào tạo nỗ lực. Sau đó thì dịch giả này có thể dịch từ tiếng pháp sang tiếng việt được chứ chưa dịch từ tiếng việt qua tiếng pháp được. Hiện tại thì chưa có ai ở Việt Nam có thể dịch những bài viết khó từ tiếng việt qua tiếng pháp mà không cần đến sự giúp đỡ của một chuyên gia pháp.

Còn theo ông Patrice Jorland, cựu cố vấn văn hóa của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam thì pháp ngữ có ba tầm vóc không thể tách biệt ra được :
- thứ nhất là sự chia sẻ tiếng pháp trong cộng đồng pháp ngữ trong hiện là một sự đấu tranh trước làn sóng của tiếng anh. Điều mà người ta cần phải biết là tiếng anh có phải là ngôn ngữ dùng để liên lạc giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau không ?
- thứ hai : pháp ngữ là một không gian bao la, đa dạng nếu không nói là không chính thống.
Ở Việt Nam tiếng pháp được sự ủng hộ của công cuộc hợp tác song phương về những lãnh vực như y tế, nông nghiệp, pháp lý, khoa học kỹ thuật. Nhưng cũng cần phải tăng cường hợp tác về các lãnh vực khác như văn nghệ, khoa học xã hội và nhân văn mà nước Pháp là một nguồn cung cấp vô tận những nhiên liệu.
- và cuối cùng là pháp ngữ thuộc về quyết định về mặt chính trị của các thành viên trong khối pháp ngữ. Bởi thế người ta đã đặt ra các câu hỏi trong Hội nghị thượng đình kỳ trước ở Cotonou như : "Muốn cho pháp ngữ được bảo tồn và phát triển thì phải làm gì ?" và "Chính sách pháp ngữ phải như thế nào ?" Ông Patrice Jorland cũng còn nhấn mạnh là muốn cho pháp ngữ được phát triển ở Việt Nam thì ở Pháp người ta phải chú ý đến việc dạy tiếng việt, mà hiện tại đang ở trong tình trạng đáng lo ngại.

Để kết thúc, chúng tôi không biết có nên nhắc lại hay không cuộc trao đổi giữa một cố vấn văn hóa của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam và một cộng tác viên thân cận của bộ trưởng bộ Ngoại giao pháp, được tuần báo châm biếm và trào phúng Le Canard enchaîné đăng trong tuần này. Khi người cố vấn văn hóa hỏi rằng Hội nghị thưởng đỉnh về khối pháp ngữ có thể mang lại những ích lợi gì, thì người công chức cao cấp đáp lại rằng : (xin trích và dịch) - Chẳng mang lại gì cả. Hay đúng hơn là để tiêu tiền thật nhiều và phải mất sáu tháng để chuẩn bị. (Hết lời dẫn). Chúng ta phải hiểu câu trả lời này như thế nào ?

Sommaire de la rubrique
Haut de page