Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Maurice Godelier
La production des grands hommes. Pouvoir et domination masculine chez les Baruya de Nouvelle-Guinée
Paris, Fayard, réédition 1996, 389 p.
RFI, section vietnamienne, 12 octobre 1996
Quyền lực và giới tính
Nếu quyền lực và sự phân biệt là
công cụ của nền thống trị trong bất cứ xã hội nào, thì xã hội người
Baruya ở Nouvelle Guinée cho ta một thí dụ điển hình. Các công cụ này
được nhà nhân loại học Maurice Godelier trình bầy và phân tích trong
công trình của ông mang tựa đề
La production des Grands hommes, tạm
dịch là "Sự sản xuất những vĩ nhân".
Maurice Godelier là giáo sư nhân loại học, hiện là giám đốc
Trung tâm nghiên cứu và thông tin về châu Đại Dương tại Trường cao đẳng
Khoa học xã hội, tức là l'École des hautes études en sciences sociales
ở Paris. Có thể nói Maurice Godelier cũng là một chuyên gia nghiên cứu
về quyền lực trong xã hội loài người. Công trình
La production des
Grands hommes, tức là "Sự sản xuất những vĩ nhân", do Fayard
xuất bản năm 1982 đã được giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp và vừa được
tái bản tháng sáu vừa qua. "Sự sản xuất những vĩ nhân" là kết
quả của nhiều năm tháng điền dã và suy tư về xã hội người Baruya ở
Nouvelle Guinée.
Cho đến năm 1951 tộc người này mới được thế giới bên
ngoài biết đến. Và sau đó, từ năm 1960 đến năm 1975 lãnh thổ của họ bị
chiếm và trở thành thuộc địa của người Úc. Năm 1975 thì chính quyền Úc
trả lại độc lập cho người bản xứ. Thời gian tác giả đi điền dã là các
thập kỷ 60 và 70, tức là giai đoạn người Baruya còn bị thống trị bởi
nền thuộc địa Úc, và nói một cách khác thì về mặt truyền thống và xã
hội đã có nhiều thay đổi. Tác giả phải mất nhiều công phu và thời gian
mới gây được lòng tin tưởng ở đối tượng nghiên cứu để họ kể lại những
truyền thống, những tập quán, những huyền thọai và những bí mật của xã
hội Baruya trước khi lãnh thổ của họ bị xâm chiếm. Xã hội Baruya là một
xã hội nguyên thủy tự trị, vì thiếu hai cột trụ lớn của cái gọi là văn
minh là "nhà nước" và "giai cấp". Nhưng một xã hội không có giai cấp
không có nghĩa là mọi người đều bình đẳng. Có điều cần phải nhắc đến là
trong xã hội Baruya, sự giầu có không mang lại quyền lực và ngược lại
quyền lực không tạo ra sự giầu sang phú quý, đó là điều tương phản với
xã hội hiện đại của chúng ta.
Ngay trong lời nói đầu, tác giả đã công
bố là cuốn sách này bàn về quyền lực, và trước hết là quyền lực của nam
giới thống trị nữ giới. Sự thống trị này được thể hiện qua mọi lãnh vực
của đời sống. Để trật tự xã hội được lưu truyền và tồn tại thì đã có
những nghi lễ kết nạp được tổ chức chu đáo và bí mật. Về nam giới, từ
ngày chào đời cho đến khi lên 6 lên 7, đứa bé trai sống cùng nữ giới.
Cho tới một ngày nào đó khi đứa bé lên 9, thì một người đàn ông cao
tuổi tới bắt nó đi để tránh xa nữ giới, và từ đó nó phải sống chung với
thanh thiếu niên nam giới từ 9 tuổi tới 18 tuổi tại nhà tập thể. Ngôi
nhà này nằm cách xa làng, và nữ giới không được lai vãng tới. Trong
quãng thời gian 10 năm này, đứa bé trai phải trải qua 4 kỳ lễ nghi kết
nạp bí mật, chỉ nam giới mới được dự. Ngược lại đối với nữ giới thì lễ
kết nạp chỉ được thực hành một cách đơn giản khi nào đối tượng bắt đầu
có kinh nguyệt. Ngày đó người thiếu nữ phải ra ở riêng một mình khoảng
một tuần lễ trong một túp lều, không được ăn, chỉ uống qua loa thôi.
Khi hết kinh nguyệt thì nữ giới tổ chức lễ kết nạp để tẩy uế và chào
đón người phụ nữ trẻ đã tới tuổi lập gia đình. Tức là xã hội Baruya
phải tốn khoảng 10 năm trời mới tạo được một thanh niên, trong khi đó
chỉ cần khoảng 15 ngày đã đủ để đào tạo một phụ nữ.
Về hôn nhân thì
hình thức phổ biên nhất là hai người thanh niên, nếu đều có chị hoặc em
gái, thì họ đổi chị hoặc em gái mình để lấy vợ. Dĩ nhiên người phụ nữ
Baruya không được quyền từ chối hôn nhân để sống độc thân một mình cho
đến già, tuy nhiên cô ta có thể bác bỏ ý kiến lấy người đã ngỏ ý hỏi.
Hơn thế nữa, nếu người mẹ của cô ta không đồng ý thì cuộc hôn nhân sẽ
không thành. Trong xã hội Baruya không có ly dị, tuy người chồng có thể
nhường vợ của mình cho anh em. Khi chồng chết thì người ta phân chia vợ
cho các anh em trai của chồng. Trong đời sống thường nhật thì nữ giới
được toàn quyền sử dụng đất đai do tổ tiên để lại, nhưng không được
hưởng quyền sở hữu để phân phát cho thế hệ con cái. Nữ giới bị loại ra
ngoài các lãnh vực như chế tạo những tư liệu sản xuất, và không có
quyền sở hữu và sử dụng vũ khí. Chủ yếu, nữ giới chỉ trồng trọt, nuôi
lợn và hái hoa quả. Khi qua đường, nếu một người phụ nữ gặp đàn ông thì
cô ta phải dừng lại, ngoảnh mặt đi phía khác để người đó đi qua rồi mới
tiếp tục con đường của minh. Ngược lại, tất cả những vai trò quan trọng
và cao sang trong xã hội đều nằm trong tay nam giới.
Cột trụ của xã hội
Baruya là nam giới ở lứa tuổi 20 đến 50. Khi người ta tròn 50 tuổi thì
coi như là đã về già và không giữ vai trò nào đáng kể nữa trong xã hội.
Xã hội Baruya có bốn loại vĩ nhân đều là nam giới, đó là : người hùng
binh, thầy sa man, người săn đà điểu và người chế tạo muối. Những vĩ
nhân tương lai đã được thế hệ đàn anh chú ý và đào tạo ngay từ ngày còn
sống trong ngôi nhà tập thể. Ngoài chức vụ sa man, theo cha truyền con
nối, thì những chức vụ khác tùy thuộc vào sở trường và khả năng của các
thiếu niên trong thời kỳ còn trẻ. Tuy người hùng binh giữ vai trò rất
quan trọng trong thời chiến, thầy sa man là người được ký thác những
nền tảng trật tự xã hội, về mặt tâm linh cũng như về mặt tổ chức. Họ là
những đại thần trong các nghi lễ kết nạp và cất giữ các báu vật thiêng
liêng cần thiết cho các lễ nghi. Tức là những người có thứ bậc cao nhất
trong tôn ti trật tự xã hội.
Người ta đào tạo thanh thiếu niên như thế
nào về mặt hệ ý thức và về mặt truyền thống trong thời gian chung sống
trong nhà tập thể ? Mặc dầu một vài tập quán không còn tồn tại trong
thời kỳ lãnh thổ bị biến thành thuộc địa, các lão làng đã kể lại cho
tác giả một vài bí mật của thời xa xưa.
- Điều bí mẩt thứ nhất của xã hội Baruya là tinh dịch đồng
nghĩa với sự sống, tinh dịch là sinh lực, là lương thực mang lại sinh
lực cho đời sống. Tinh dịch còn tạo ra sữa của phụ nữ và làm cho bộ
ngực phụ nữ được nẩy nở. Bởi thế sau kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi sinh
đẻ người chồng phải cho vợ uống kinh dịch để hồi sức.
- Điều bí mật thứ hai, điều này không được để lộ cho bất cứ
người phụ nữ nào biết đến, đó là tinh dịch tạo cho nam giới có khả năng
làm phục sinh những đứa bé trai bên ngoài bụng của người mẹ, ở ngoài
vòng nữ giới.
- Và điều cực kỳ bí mật là từ khi đứa bé trai 9 tuổi bước
chân vào ngôi nhà tập thể đến tuổi 18, thì được thế hệ đàn anh nuôi
nấng bằng tinh dịch, với mục đích làm cho đứa bé mau lớn và khỏe mạnh
hơn phụ nữ, để sau này thống trị và lãnh đạo nữ giới. Bởi thế bối cảnh
trong nhà tập thể tạo ra những cặp anh em, người anh bảo vệ và nuôi
nấng người em bằng tinh dịch ; nhưng đây không phải là chuyện đồng tính
luyến ái. Tác giả cũng còn cho biết là có những thiếu niên phản đối tập
quán này, và có khi xẩy ra những thảm kịch mà gia đình cha mẹ không bao
giờ được biết đến lý do.
Tóm lại thì từ ngày nhập nhà tập thể thanh
thiếu niên nam giới vượt ra ngoài vòng kiểm soát của gia đình, và thành
phần xã hội đảm nhiệm vai trò đào tạo và kiểm soát họ là thế hệ đàn
anh. Điều đó cho ta thấy rõ cả một hệ thống đào tạo và sự đoàn kết giữa
nam giới chống lại nữ giới. Đó là chưa nói đến những nền tảng về huyền
thoại bù đắp và xây dựng cho hệ ý thức đó. Chẳng hạn, nếu vô tình hay
cố ý, nữ giới nào gặp một nam giới đang thổi sáo thì sẽ bị xử tử. Vì
sáo là một nhạc khí bí mật chỉ nam giới được biết, và đối với mọi
người, tiếng sáo là âm thanh huyền diệu của thế giới linh thiêng chứ
không thuộc về thế giới trần tục. Đối với người Baruya, nữ giới luôn
luôn là một điều nguy hiểm chính vì giới tính của họ. Kinh nguyệt là
điều ô uế, bẩn thỉu làm ô nhiễm và có khả năng làm suy nhược nam giới.
Người đàn bà không được bước chân qua cái bếp, nếu phạm điều này thì sẽ
bị xử tử.
Trong xã hội Baruya tình dục không đồng nghĩa với khoái lạc
và bị đàn áp. Khi một đôi vợ chồng vừa lấy nhau, họ không được giao cấu
ngay mà phải đợi đến khi nào khói bếp làm đen mái tranh nhà mới lợp.
Trong khi chờ đợi thì người chồng cho người vợ uống tinh dịch để lấy
sức trước khi giao cấu. Sau này đã là vợ chồng rồi, nhưng nếu muốn giao
cấu họ phải ngưng tất cả các hoạt động trứơc và sau khi giao cấu vài
ngày và phải đợi dịp khi mọi người trong làng đi vắng.
Theo truyền
thuyết thì người ta nói là xưa kia nữ giới hơn nam giới, chính nữ giới
đã phát minh ra ống sáo và cung bắn nhưng không dùng đến nên nam giới
lấy dùng và đã biến những dụng cụ này thành vật linh thiêng. Thuở xa
xưa, ngày mới có loài người nữ giới hơn nam giới, nhưng một ngày nào
đó, có một nam giới bất chấp điều cấm kỵ, đụng vào một vật bị ô nhiễm
bởi kinh nguyệt, nên đã tước đoạt được sức mạnh và quyền lực của nữ
giới làm quyền lực riêng cho nam giới. Nếu có sự phụ thuộc giữa giới
tính thì lẽ tất nhiên sẽ có bạo lực của giới nọ đàn áp giới kia. Nhưng
sự đàn áp cũng được giới bị thống trị ưng thuận dưới hình thức nào đó.
Vì quyền lực, theo tác giả, có hai yếu tố chính là bạo lực và sự ưng
thuận của giới bị thống trị. Trong hai yếu tố này, yếu tố mãnh liệt
nhất lại không phải là bạo lực như người ta tưởng, mà là sự ưng thuận
của giới bị thống trị, vì một điều dễ hiểu là không có quyền lực nào mà
chỉ dựa vào bạo lực có thể tồn tại lâu dài. Muốn được tồn tại thì quyền
lực, trong mô hình tổ chức xã hội nào cũng thế, phải dựa vào sự ưng
thuận của giới bị phụ thuộc. Dĩ nhiên là mỗi xã hội có những sự bố trí,
thiết bị về mặt xã hội cũng như về mặt tư tưởng để tạo ra những sự ưng
thuận. Có nghĩa là kẻ lãnh đạo và người bị phụ thuộc cùng đồng quan
điểm về một hình thức biểu tượng nào đó. Điều này rất rõ rệt trong xã
hội Baruya, vì nữ giới chấp nhận vai trò và quyền hành của nam giới, và
không đề nghị một mô hình nào khác để thay đổi trật tự xã hội, mặc dầu
thỉnh thoảng có những vụ chống đối. Ngược lại, giữa nữ giới lại xẩy ra
những chia rẽ như ghen tuông, điều đó chỉ làm cho vai trò của nam giới
đắc lực hơn. Nói tóm lại thì bạo lực về mặt tư tưởng luôn luôn hiện
diện trong mọi lãnh vực của đời sống, trong mọi tổ chức xã hội. Cái bạo
lực ngầm này mới đáng lo ngại hơn cái bạo lực thông thường. Đó là điều
đe dọa chung của xã hội loài người.
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|