Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Hồ Anh Thái
L'île aux femmes, Les Aigues-Mortes, Ed. de l'Aube, 1997, 138, p.

RFI, section vietnamienne, 5 décembre 1997



Cù lao bất hạnh


Trong xã hội việt Nam vai trò và vị trí của phụ nữ từ trước đến giờ vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết một cách toàn diện. Hay nói một cách khác thì quyền của người phụ nữ chưa được xã hội công nhận, số phận của phụ nữ vẫn còn bị ràng buộc bởi những thành kiến của khổng giáo để lại. Cái thành kiến này vẫn được duy trì trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mặc dầu chế độ này có nhiệm vụ giải phóng xã hội và con người.

Điều nghịch lý này được Hồ Anh Thái tiểu thuyết hoá trong tác phẩm L'Ile aux femmes, tạm dịch là "Cù Lao bất hạnh "của nhà xuất bản L'Aube phát hành tháng tám vừa qua và người dịch là Janine Gillon và Phan Thế Hồng. Bỏ qua các chi tiết đi thì câu chuyện ở đây được tập trung vào đời sống và số phận của một đội sản xuất gồm toàn phụ nữ trong đoàn sản xuất số 5 tại đảo Cát Bạc ngoài vịnh Hạ Long.

Cuộc sống trôi qua buồn tẻ trong cô đơn tháng này qua tháng khác cho tới một hôm Chị Luyện, trên đường từ hòn đảo đi xuống bãi tình cờ gặp một người thanh niên. Sau đó chị Luyện mang thai. Đây là cơ hội để các người nắm chính quyền địa phương tranh giành quyền lợi và đưa Chị Luyện ra làm bung xung. Nhưng Chị Luyện lại được giới phụ nữ bênh vực và cứu chị khỏi trại giam.

Ở đây tác giả trả lại cho phụ nữ quyền phát biểu để nói lên những bất hạnh mà người phụ nữ phải hứng chịu sau khi sống sót trở về với cuộc sống sau nhiều năm thử thách với tử thần ngoài trận chiến. Khi hoà bình lập lại thì những người phụ nữ ngày xưa ở tuổi trên dưới đôi mươi bây giờ đã mất hết thời thanh xuân đành phải cô đơn đương đầu với cuộc sống. Không những thế còn bị xã hội gạt ra ngoài lề trong khi đó người phụ nữ chỉ cầu mong một điều duy nhất là có một mụn con làm niềm an ủi. Nhưng điều mong ước này cũng không được toại nguyện vì xã hội đã dựng lên những cản trở vô hình và đôi khi còn bị nguyền rủa nữa, thậm chí người ta cho là đám phụ nữ này rực mỡ, dâm ô mà chỉ có con dê cụ hay con ngựa đực mới thỏa mãn những dục vọng của họ.

Trong cuộc tranh luận để bênh vực nhân vật chị Luyện có đoạn như sau : "Tôi yêu cầu Đồng chí Quân (người cố tình lên án chị Luyện trong vụ tranh chấp quyền lợi để loại bỏ đối thủ của ông ta mà ông ta cho là thủ phạm của cái hoang thai) phải thận trọng lời nói. Đồng chí trách chúng tôi, lên án chúng tôi, chửi bới chúng tôi, nhưng đồng chí không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đồng chí hãy suy nghĩ xem, và hãy tưởng tượng cuộc sống trong một đội sản xuất toàn là đàn ông và đồng chí là một trong những người đàn ông đó, thì đồng chí có thể chịu đựng lâu dài được hay không ? Chúng tôi đã chịu dựng, để được cái gì ? Chẳng được gì cả. Không người để thương yêu, không con cái. Chỉ có cô đơn triền miên."

Trên đây là điểm mạnh của cuốn tiểu thuyết đã công khai lên án một xã hội bất công đối với phụ nữ là những người đã đóng góp rất nhiều kể cả sinh mạng và tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến. Nhưng ngoài ra thì còn một vài điều đáng tiếc. Chẳng hạn cách cấu trúc cốt truyện nhất là về thời gian thì rời rạc, người đọc nhiều lúc không biết mình đang đọc ở đoạn nào, câu truyên xẩy ra ở đâu, giữa các nhân vật nào. Và điều đáng tiếc hơn là người dịch không cho biết tựa đề của bản gốc tiếng việt là gì và sách được xuât bản ở đâu. Người ta chỉ được biết khi đọc lời tựa là cuốn tiểu thuyết này xuất bản năm 1986. Đây là điểm thiếu sót khó tha thứ vì từ trước đến giờ không bao giờ người ta không nhắc đến tựa của bản gốc khi một cuốn sách được dịch. Cũng phải nói là khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này của Hồ Anh Thái người ta không thể nào không nghĩ đến hai tập phim tài liệu mang tựa đề Một thời khó quên Niềm huy hoàng im lặng của Xưởng phim Phụ nữ tại TP-HCM làm năm 1995 để tưởng niệm các phụ nữ trong Phong trào Thanh Niên Xung Phong. Đáng lẽ ra thì nhà xuất bản hoặc người dịch phải nhắc đến hai tập phim tài liệu này vì cùng chủ đề. Hy vọng rằng trong những cuốn sách được dịch sau này của nhà xuất bản L'Aube, những điều thiếu sót nói trên sẽ được loại bỏ để người đọc không phải thắc mắc. Và cũng hy vọng rằng số phận của các phụ nữ nói trên sẽ được xã hội Việt Nam chú ý đến nhiều hơn và họ sẽ được đền bù bằng những niềm an ủi về vật chất cũng như về tinh thần để họ còn được hãnh diện là người con gái Việt can đảm hy sinh tất cả cho quê hương được thanh bình. Vì nếu xã hội gạt họ ra ngoài lề thì đây là điều hổ nhục cho cả xã hội Việt Nam.

Sommaire de la rubrique
Haut de page