Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Stéphane Courtois, Jean-Louis Margolin, Nicolas Werth, Karel Bartosek...
Le livre noir du communisme
Paris, Robert Laffont, 1997, 844 p,
RFI, section vietnamienne, 28 décembre 1997
Một nhà nước chống lại nhân dân - Bạo lực, đàn áp, khủng bố ở Liên Xô ".
Đó là tựa đề của phần thứ nhất gồm gần 300 trang do nhà sử học Nicolas Werth
biên soạn trong cuốn
Le livre noir du communisme. Crimes, terreur, répression,
tạm dịch là "Sách đen về chủ nghĩa cộng sản. Tội ác, khủng bố, đàn áp".
Trong phần này, tác giả chú trọng tới bộ máy đàn áp từ những ngày Đảng Bôn Sơ Vích
giành chính quyền, tháng 10 năm 1917, đến cuối thập kỷ 50. Phải nhìn nhận
đây là công trình nghiêm chỉnh và có giá do một chuyên gia về Liên Xô đã khai thác
được phần nào các tư liệu mới trong Kho lưu trữ Nga. Ngoài ra tác giả cũng dựa vào
một ít công trình của các sử gia Nga đã được công bố, tức là tác giả đã dựa vào
những tài liệu gốc để hoàn thành công trình của mình. Mặc dầu thế, Nicolas Werth
vẫn khiêm nhượng, cho là phần đóng góp của ông không phải là những phát hiện
mới mà chỉ là một tổng hợp, vì từ ngày Liên Xô bị tan vỡ đến giờ đã có nhiều sử gia
người Nga chú ý và biên soạn về giai đoạn và đề tài này. Công trình của Nicolas Werth
nằm trong cái mà người Pháp thường gọi là chantier tức là công trường,
một công trường lịch sử mới mở ra từ 10 năm nay, và mục đích của nó là đối chiếu
sử liệu được tập hợp một cách "bất bình thường" trong những thập kỷ trước với
các tư liệu mới hiện có. Và từ đó tác giả cố tạo dựng lại những chu kỳ bạo lực
trong lịch sử xã hội Liên Xô.
Chu kỳ thứ nhất : 1917-1922, với sự giành chính quyền mà chính Lê Nin
đã cho là nhất định phải qua giai đọan nội chiến. Những ngày đầu của cách mạng,
tháng 2 năm 1917 thì bạo lực đã xuất phát ngay trong lòng xã hội Liên Xô và
ngay sau đó trở thành công cụ cho Đảng Bôn Sê Vích, và công cụ này đã trở
thành một mô hình tàn bạo cho nhiều thập kỷ sau. Điều làm tác giả bồi hồi là
thái độ của khối lãnh đạo : chối bỏ thương lượng, chạy trốn và làm ngơ trước
những cản trở. Chẳng hạn tính bạo lực và đàn áp khủng khiếp trong những công
văn mang lập trường Lêninnít kêu gọi người ta phải bắn chết tất cả những
thành viên của Đảng Men Sê Vích, thuộc khối đối lập. Nhưng trong thực tế thì
những người đối lập thường chỉ bị tù. Có điều mà chính quyền xô viết cố tình
che dấu là sự đàn áp giới thợ thuyền mà cũng trên nhân danh đó người Bôn Sê Vích
đã giành chính quyền : tiêu biểu nhất là sự kiện Kronstad mùa xuân năm 1921.
Sang năm sau, 1922 nạn đói đã khiến nông dân Xô Viết phải đầu hàng và chấm dứt
chu kỳ bạo lực lần thứ nhất.
Sau 5 năm, từ 1923 đến 1927, cơn gió lốc tạm ngưng, thì chu kỳ tàn bạo lần thứ hai
được phát động trong một bối cảnh khác. Nạn nhân đa số vẫn là nông nhân hay
nói theo tục ngữ Việt Nam thì là ruồi muỗi trong sự đấu đá giữa trâu và bò ở
Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, sau ngày Lênin từ trần đầu năm 1924.
Trong giai đoạn này, khủng bố đã được chính thống hóa để trở thành phương
thức cai trị, và đó cũng là giai đoạn mở đầu cho hệ thống di dân đại quy mô,
sau khi hợp tác hoá nông nghiệp và vô hiệu hóa giới trung nông hay những người
bị gọi là trung nông. Đó cũng là thời kỳ thành hình giới lãnh đạo mới,
tức là các cán bộ đảng, và đồng thời là giai đoạn sưu cao thuế nặng đã làm đảo lộn
guồng máy sản xuất để đưa đến nạn đói lần thứ hai năm 1933 làm thiệt hại
nhiều nạn nhân nhất trong suốt thời kỳ stalinít, vì đã có khoảng 40 triệu người
bị chết đói hoặc thiếu ăn. Ở vùng Kharkov trong Liên Bang Ukraina chẳng hạn,
nguyên tháng 6 năm 1933, nạn đói đã làm chết 100.000 người.
Dẫu sao đi nữa thì tác giả cũng cho là người ta không thể so sánh hai thời kỳ
bạo tàn này được. Một đằng, "bạo lực đỏ" ở thời kỳ Lênin thành hình trong
bối cảnh tranh chấp khái quát, mặc dầu họ dùng bạo lực để phục vụ đề án
chính trị và trên nguyên tắc, đó là giai đoạn hoạt động trong buổi giao thời.
Còn đằng kia, trong thời kỳ hậu Lênin, thì Staline đã dùng bạo lực để đàn áp
nông dân trong những năm 30 là thời kỳ thanh bình. Những năm khủng
bố khủng khiếp nhất trong thời kỳ Staline nắm chính quyền là giai đoạn 1936-1938.
Riêng năm 1937 và 1938 đã có hơn một triệu rưỡi người bị cơ quan NKVD,
tức là công an xô viết thuộc bộ Nội Vụ, bắt giam, trong số đó gần 700.000
người bị xử tử. Thập kỷ 30 cũng là thập kỷ của các trại tập trung hay là goulak.
Năm 1935 đã có gần 1 triệu người trong các trại tập trung và đến năm 1941
thì số người bị lưu đày trong các trại nằm rải rác khắp lãnh thổ của Liên Bang
lên tới gần hai triệu người. Những con số này chưa đủ để nói lên tất cả sự thật
của lịch sử, nên tác giả vẫn cẩn thận và nói là còn nhiều điều chưa được đưa ra ánh sáng.
Chẳng hạn ai là những người thi hành mệnh lệnh của cấp trên ?
Tác giả còn nhận xét là quá trình bạo lực đã gây ra những biến động vượt ra
ngoài tầm kiểm soát và từ đó lại cung cấp nhiên liệu cho các cuộc bạo lực khác.
Một cuốn sách mà người chủ biên là ông Stéphane Courtois,
muốn đưa ra những con số về nạn nhân của chế độ cộng sản trong chương mở đầu
để làm hoa mắt người đọc, ngụ ý để lên án chế độ đó thì không tránh được
những phản ứng. Điều làm nhiều người phẫn nộ nhất là ông Stéphane Courtois
cố tình ngụ ý gợi ý là chủ nghĩa cộng sản tàn bạo hơn cả chế độ độc tài Đức Quốc xã,
vì theo ý của tác giả thì chủ nghĩa cộng sản đã gây ra 100 triệu nạn nhân
trong khi đó thì chỉ có 25 triệu người là nạn nhân của Đức quốc xã.
Nếu tiến xa hơn, theo lập luận của ông Stéphane Courtois thì người ta
phải nhìn nhận là chủ nghĩa cộng sản cũng đã gây ra tội ác chống nhân loại
như Đức Quốc Xã và người ta phải sử tội chủ nghĩa cộng sản như người ta
đã sử tội Đức Quốc xã ở Nuremberg sau Đệ nhị thế chiến.
Theo nhà sử học Lilly Marcou thì Ông Stéphane Courtois nối giáo cho giặc
chính lúc Đảng Quốc Dân (Front National) đang hoạt động để có một Nuremberg
xử tội chống nhân loại của cộng sản. Đồng thời, không bao giờ ông Stéphane Courtois
đã nhìn nhận rằng mình đã nói điều đó, khi đài truyền hình và các báo chí
phỏng vấn ông ta.
Số đông các phản ứng về cuốn sách này phê bình rằng ông Stéphane Courtois
đã ý thức hệ hóa cuốn sách, điều mà các đồng tác giả đều muốn tránh để giữ
tính chất sử học cho công trình này. Trong tờ
L’Humanité số ra ngày
mồng 7 tháng 11,
ông tổng biên tập Claude Cabanes đã viết là (xin dẫn và dịch)
"Sự so sánh chủ nghĩa cộng sản với Đức Quốc xã là điều mà những
người cộng sản đã từng cầm súng chống lại Đức Quốc xã không thể chịu
đựng được. Người ta không thể nào hình dung Đức Quốc Xã không có các
phòng tiêu diệt người bằng ga, trong khi đó người ta có thể hình dung được
một chế độ cộng sản không có các trại tập trung" (hết lời dẫn). Có thể nói rằng
lời phê bình nghiêm ngặt nhất trong các phản ứng là của bà sử gia Lilly Marcou.
Bà Lilly Marcou cho rằng đây là một cuốn sách khiêu khích chứa đựng nhiều điều kỳ cục,
và chương mở đầu của ông Stéphane Courtois là một điều điên rồ.
Vấn đề ở đây là các con số đưa ra có đáng được tin cậy hay không,
vì chính ông Nicolas Werth cách đây vài năm đã công bố những con số
khác hẳn với các con số bây giờ về nạn nhân của chế độ cộng sản ở Liên Xô.
Năm 1993, trong tập san
L’Histoire, ông Nicolas Werth ước tính rằng các nạn
nhân của cả thời kỳ 1934-1953 có khoảng 2 triệu người và trong số này khoảng
nửa triệu người bị xử tử, và bây giờ cũng theo tác giả này con số các nạn
nhân lại là khoảng 20 triệu người. Khi một sử gia tự mâu thuẫn như thế
trong một khoảng thời gian ngắn thì người ta phải đặt ra vấn đề tin cậy của
các con số. Cũng theo bà Lilly Marcou thì cuốn sách này không mang lại được
những hiểu biết mới gì cho sử học. Còn theo nhà sử học Nga Andrei Gratchev
thì chủ nghĩa Bôn Sê Vích bắt nguồn từ khi chiến tranh chấm dứt còn đối với
Đức Quốc Xã thì chiến tranh là phương tiện chính thống để hoàn thành mục tiêu.
Ông Andrei Gratchev cũng còn lưu ý là phải cảnh giác trước sự khai thác về
mặt chính trị và ông rất bàng hoàng là trong cuốn sách, Cách Mạng Tháng Mười
bị gạt ra ngoài lề.
Tờ
Le Monde số ra ngày 12 tháng 12 vừa qua cũng phải lên tiếng qua ngòi bút
của chính ông giám đốc Jean-Marie Colombani. Tuy chừng mực nhưng tờ
Le Monde
cũng phải nói là sự tranh luận về đề tài này có liên quan đến hiện tại của
mọi người nên không thể nào chỉ để riêng cho giới sử học được, vì đó là ký ức
của tập thể. Nếu nói là bây giờ nguời ta mới biết các tội ác của cộng sản
thì hoàn toàn không đúng. Và ông Jean-Marie Colombani có nhắc lại :
- năm 1956 tờ
Le Monde đã đăng ngay bài
Báo cáo mật của Krouchtchev đọc
trước Đại Hội Nghị thứ 20 của ĐCSLX ;
- năm 1943 trước khi Trotsky bị ám sát bởi một điệp viên của Staline ở Mehicô
thì nhà lãnh đạo ly khai này đã đang biên soạn cuốn sách mang tựa đề
Staline,
ngay cả trước khi bà lý thuyết gia Hannah Arendt đang tập trung để giảng giải
chế độ toàn trị ở Moscơva. Bởi thế không nên đã quên lại không biết ơn những
người trước kia đã từng lên tiếng phản đối và lên án chế độ toàn trị của Staline
như những người cộng sản ly khai chẳng hạn như Boris Souvarine, hay
những người cộng sản đối lập như những người trốtkít hoặc những người
theo lý thuyết vô chính phủ. Và để kết thúc tờ
Le Monde rút ra hai bài học :
thứ nhất, hoặc là phải dứt khoát gạt bỏ tất cả các đề án cải cách toàn bộ
xã hội để tránh phải thay thế ảo ảnh này bằng ảo ảnh khác, hoặc là nếu
người ta cho là các cải cách xã hội một cách toàn diện là điều cần phải
có thì người ta phải chấp nhận là luồng cải cách trở thành bất hợp pháp
khi các quyền tự do không được tôn trọng.
Và cuối cùng là phản ứng của nhà văn Gilles Perrault trên tờ nguyệt san
Le Monde Diplomatique, số ra tháng 12. Theo nhà văn này thì nếu có cuốn
"Sách đen về chủ nghĩa tư bản" thì cuốn sách đó sẽ được viết hàng ngày
trước mắt mọi người và trong đời sống thường nhật của mọi người.
Một tỷ dụ là mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em chết vì thiếu ăn trong các nước nghèo.
Tuy cuốn sách này gây ra nhiều tranh luận trong đội ngũ cộng sản,
trong giới sử học và trí thức ở Pháp, sự phô trương mang tính cách quảng cáo
cho cuốn sách khi được phát hành đã làm lu mờ đi những vấn đề chính mà một
vài tác giả muốn lưu ý người đọc. Chẳng hạn vì sao một tư tưởng đã được
hàng triệu người tin theo để thoát khỏi những bất công của xã hội lại trở
thành một chế độ tàn bạo rồi thanh toán ngay cả những người đồng chí hướng.
Có điều người ta phải tự hỏi là tại sao ông Stéphane Courtois ngày xưa từng theo
lập trường maoít lại phải chối cãi cái điều do chính ông ta ngụ ý gợi ý qua
các con số và lập luận của ông. Dù sao đi nữa thì cũng phải nói là nhà xuất bản
Robert Laffont đã thành công trên lãnh vực thương mại, vì sách đã bán được trên
60.000 cuốn và hơn 40 nước đã ký hợp đồng mua bản quyền để dịch ra tiếng nước ngoài.
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|