Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Alain Forest
Les missionnaires français au Tonkin et au Siam, XVIIe-XVIIIe siècles. Analyse comparée d'un relatif succès et d'un total échec. 3 tomes
Paris, L'Harmattan, 1998, 462p., 301p. et 495 p.
Préface de Georges Condominas

Diễn Đàn, n° 87 juillet 1999



Lịch sử truyền giáo ở Xiêm và Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII và XVIII

Đây là luận án tiến sĩ cấp nhà nước theo quy chế cũ 1 của anh Alain Forest, thuật lại lịch sử truyền giáo ở Xiêm và ở Bắc Kỳ trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII. Sau khi nhập đề bằng sự mô tả lại sự thành lập của Hội truyền giáo dưới sự chủ đạo của Toà Thánh, tác giả dàn cảnh bằng cách sơ lược lại lịch sử của hai lãnh thổ Xiêm và Đàng Ngoài trong giai đoạn này, dựa theo các thông tin do các giáo sĩ chắp nhặt lại, rồi mới đưa các vai chính vào cuộc.


Để hoàn thành công trình này, tác giả đã khai thác nguồn tư liệu rất phong phú là những bức thư của các nhà truyền giáo gửi cho cấp trên ở Paris hay gửi về cho gia đình của họ ở Pháp. Alain Forest đã đọc qua hơn 40.000 trang thư viết bằng tiếng la tinh hay tiếng pháp cổ nằm trong Kho lưu trữ của Hội truyền giáo viễn phương tại Paris (Mission étrangère de Paris). Riêng về mặt tư liệu thì đây đã là một công trình chưa từng có.
Cuốn sử này không những chỉ làm sáng tỏ hơn về mặt xã hội học thành phần những tín đồ việt nam, những chặng đường nhiều cản trở và khốn khổ của các giáo sỹ, khả năng của họ sống trong vòng bí mật giữa các con chiên người Việt, những mối quan hệ của họ với giới quyền lực, mà còn làm sáng tỏ hơn cả những tranh chấp nội bộ và sự tranh giành ảnh hưởng - lãnh vực này chiếm khoảng 30 đến 40% số thư đã xem qua - sự cạnh tranh giữa họ với các giáo sỹ dòng Tên (Jésuites) đã có mặt trước họ nhưng rút cục phải bỏ sứ mệnh sau khi Đức Giám mục Clément XIV giải tán năm 1773 dòng này tức là La Compagnie de Jésus.

Tập sử này cho chúng ta biết chẳng hạn như trong tiếng việt thành ngữ "nhân danh" là do cố sỹ Alexandre de Rhodes sáng minh ra để dịch thành ngữ la tinh in nomine trong In nomine Patris et Filio et Spiritu Sancto, hay là chính quyền xiêm đã trao cho một số người Pháp những chức quyền tuơng đương như những chức quyền của người bản xứ, hay nữa là nhân vật bí ẩn Constance Phaulkon, đã được nhắc đến trong vài cuốn sách trước đây, hiện ra như một nhân vật có tiếng nhưng không có quyền 2 . Dù sao đi nữa, người ta có thể tưởng tượng ra hoàn cảnh trái ngược là trong triều của vua Louis XIV có một bộ trưởng là người Á Châu, hay là một ông thị trưởng hay quận trưởng (maire) người Xiêm ngay tại Paris ở thề kỷ XVIII hay không ?

Đây cũng là những trang sử về sự gặp gỡ giữa hai thế giới - chủ đề này được tác giả đặc biệt chú ý - trên nhiều mức độ khác nhau : sự gặp gỡ giữa các giáo sỹ tây phương và xã hội á châu, sự gặp gỡ giữa Đạo Ki-Tô và các tín ngưỡng bản sứ, sự gặp gỡ giữa Tây Phương và Đông Nam Á, như người ta biết, là đã diễn ra trước khi Đông Dương bị Pháp đô hộ. Và đây cũng là một câu chuyện gặp gỡ trái mùa : các giáo sỹ đã mạo danh những thương gia để tránh phiền phức với chính quyền Đàng Ngoài nhưng cũng chính vì lẽ đó mà các quan triều Lê hay ở phủ chúa Trịnh quấy rầy họ đòi họ phải nộp thuế và dâng quà.

Dẫu sao đi nữa, trong khi một số người ở Á Châu đang luẩn quẩn bảo vệ cái mệnh danh là những giá trị á châu (les valeurs asiatiques) để dễ tâng bấc đầu óc quốc gia và dễ bịt miệng những người chống đối, thì Alain Forest tin rằng Đông và Tây có thể gặp gỡ nhau được nếu người ta cố gắng tạo điều kiện. Cũng liên quan đến vấn đề này, tác giả đã dành một phẫn trong tập thứ ba để so sánh về mặt khái niệm giữa Đạo Phật và Đạo Ki-tô, chẳng hạn như về khái niệm thời gian - Đạo Ki-tô lúc nào cũng vội vã đưa tin lành trong khi đó thì thời gian trong Đạo Phật nằm trong các chu kỳ vô tận mà tất cả các chúng sinh đều phụ thuộc trừ những ai đã vượt khỏi giới hạn đó được để tới cõi niết bàn - hay là giữa giới giáo sỹ và tăng giới và mối quan hệ của họ với các tín đồ, hay với triều đình, giữa sám hối trong Đạo Ki-tô và làm phúc trong Đạo Phật.

So sánh là khó mà giữ được thăng bằng nếu muốn tránh khỏi những lầm lẫn dễ gặp. Về phương diện này thì người ta phải cảm phục lòng thành thật của tác giả từ đầu tới cuối, và sự nghiêm khắc trong quá trình thực hiện công trình khó khăn này. Mặc dầu Alain Forest không mến gì các nhà truyền giáo dòng Tên nhưng các giáo sỹ khác thuộc Hội truyền giáo viễn phương ở Paris được "Giáo đoàn tuyên truyền lòng tin" (la Congrégation pour la Propagande de la Foi), một thế lực quan liêu, cũng không hề được ca tụng mà ngược lại đều phải trải qua cặp mằt phê bình rất nghiêm khắc. Bởi hiểu rằng nguồn tư liệu gần như độc nhất này làm giới hạn cuộc điều tra toàn diện về quá khứ, chẳng hạn như người ta vẫn chưa biết vì những lý do nào mà chính quyền ở Đàng ngoài lại truy hại đàn áp những người có đạo, hay là hình như không có một nhân chứng nào kể lại lý do đã khiến họ theo đạo, nên tác giả cố gắng giải thích hai hoàn cảnh khác nhau mà các giáo sỹ đã phải đương đầu.

Xã hội xiêm, coi như là thoáng và mở nhưng về mặt tâm linh thì Phật giáo tiểu thừa ở đây đã cấu trúc rất chặt chẽ, không để thừa một khe hở nào để Đạo Ki-tô có thể lọt vào được. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Phật giáo tiểu thừa trong quan hệ xã hội mà trung tâm là ngôi chùa, nơi tu tập của cả đoàn thể ở địa phương cũng như ở trung ương, nơi liên kết những mạng lưới quan hệ đẳng cấp, huynh đệ, thông gia, tất cả đan chéo nhau để trở thành một lực lượng mà những người có quyền thế có thể huy động vào những giây phút quyết liệt như tranh chấp ngai vàng chẳng hạn. Một vài giáo sỹ ở Xiêm đã cố gắng tìm hiểu Đạo Phật nhất là Đức ông Laneau, nhưng những người theo sau thì không ai đoái hoài đến chuyện này nữa. Tuy thế, các giáo sỹ đi tìm hiểu Đạo Phật chỉ với mục đích là để dễ bài bác là tà đạo.

Còn ở Đàng Ngoài thì không có giáo sỹ nào đi tìm hiểu Đạo Phật làm gì. Mặc dầu phải sống ẩn dật trên mảnh đất này, không hẳn là khép kín, nhưng các giáo sỹ vẫn có dịp truyền đạo và làm cho những con tin quy theo Đạo Ki-tô, hẳn là những buổi lể phải tổ chức rất khuya và phải bí mật. Xã hội việt nam không có một tôn giáo độc tôn, các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau cùng hoạt động nhưng không che kín hết lãnh vực, bởi thế Thiên chúa giáo mới lọt vào được. Dù sao đi nữa thì tác giả cũng phủ nhận hai ý kiến ăn khá sâu vào tiềm thức là :
- Đạo Thiên Chúa chỉ thu hút được những cặn bã của xã hội. Đó là điều hoàn toàn sai lầm với sự thực. Vì nếu các người có đạo vượt khỏi được những đàn áp và tổ chức được thành giáo giới là nhờ những con chiên và những đóng góp của họ về vật chất, để có nhà thờ chẳng hạn, chứ các giáo sỹ không có đủ phương tiện để thực hiện những ý đồ đó, tuy họ xuất thân từ những gia đình khả giả ;
- Sự hoạt động của các giáo sỹ không có gì liên quan đến nền đô hộ pháp tới sau đó. Về điểm sau này thì tác giả hơi dè dặt ở phần cuối hơn là trước đó.
Không phải dài dòng gì nữa, từ nay chúng ta sẵn có những hiểu biết chính về vấn đề truyền đạo ở Xiêm và ở Đại Nam là nhờ công trình rất đáng kể của Alain Forest. Riêng về biên soạn, công trình này đã chiếm thời gian là ba năm, trước khi độc giả được đọc những dòng tranh luận về tâm linh rất lý thú, những phân tích rất đắn đo, và tất cả chỉ vì phục tùng cho sự hiểu biết. Trong lời kết tác giả còn thầm ước được chứng kiến sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Đức Phật : Thiên Chúa thách thức Đức Phật về sám hối và Đức Phật thách thức Thiên Chúa về khoan dung và kiên nhẫn.



Notes :

1. Theo quy chế mới, những ai đã xong luận án tiến sĩ đệ tam cấp (thèse de troisième cycle) trước 1984 thĩ vẫn có khả năng tiếp tục chuẩn bị luận án tiến sĩ cấp nhà nước (thèse de doctorat d’Etat).

2. Năm 1685, Constance Phaulkon được nhà vua Xiêm thăng chức phra (một chức rất cao sang trong quan lại Xiêm), và hai năm sau được gọi là vichâyen (óc sáng suốt). Nhân vật này rất gần gũi với giới quyền lực tối cao nhưng vẫn bị cô lập không như người ta tưởng. Constance Phaulkon cố gắng củng cố địa vị của mình và làm cho các giáo sỹ tưởng rằng vua Xiêm sẵn sàng sẽ theo đạo Ki-tô, nhưng trên thực tế thì không có chuyện đó. Trong cơn khủng hoảng về tranh chấp ngai vàng năm 1688, C. Phaulkon bị xử tử, chuyện rất bình thường trong bối cảnh đó.


Sommaire de la rubrique
Haut de page