Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Collectif dirigé par P.B. Lafont
Initiation à la péninsule indochinoise
Paris, L'Harmattan, 1996, 180 p.

RFI, section vietnamienne,



Bán đảo Đông Dương - Quá khứ và hiện tại


Cách đây hơn một tháng, tủ sách "Nghiên cứu Á Đông" của nhà xuất bản L'Harmattan vừa cho ra mắt độc gỉả cuốn sách mang tựa đề Initiation à la péninsule indochinoise, tạm dịch là "Sơ lược về bán đảo Đông Dương". Cuốn sách này đề cập đến các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Khờ Me, Việt Nam, Chàm và các dân tộc thiểu số trong vùng.


Đây là cuốn sách của một tập thể trong đó ông Lafont là chủ biên. Mặc dầu bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Thái Bình Dương, là một vùng đang phát triển, được báo chí và thời sự gần đây nhắc tới nhiều, nhưng sách viết riêng về vùng này thì vẫn hiếm. Bởi thế, tập thể cho ra đời cuốn sách này để bù đắp lại phần nào những thiếu sót đó, và với mục đích mang lại cho độc giả những hiểu biết phổ thông về khu vực này trước khi đi sâu tìm hiểu một nước hoặc một lãnh vực nào đó.

Tuy không đồng đều, nhưng mỗi nước được một tác giả trình bầy và biên soạn qua các lãnh vực như địa lý, dân cư, kinh tế, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ. Ngoài ra mỗi phần được kết thúc bằng phụ lục về chữ viết và lịch những ngày lễ lớn của mỗi nước. Chương viết về Miến Điện thì do ông Guy Lubeigt đảm nhiệm ; - Thái Lan thì do ông Gilles Delouche, biên soạn ; - Lào thì chính người chủ biên là ông Lafont đảm nhiệm ; - Kampuchia thì ông Mak Phoeun là tác giả ; - Việt Nam thì được ông Nguyễn Thế Anh trình bầy ; - Po Dharma viết về nước Chăm pa cũ; - và cuối cùng là phần dành về các dân tộc thiểu số được ông Bernard Gay biên soạn.

Quá trình lịch sử đã cho phép người ta nhận xét chung rằng : bán đảo Đông Dương là nơi mà hai nền văn minh lớn ở Á Châu đã ăn sâu vào đời sống cũng như văn hóa, nghệ thuật, triết lý hay vũ trụ quan : đó là văn minh Ấn Độ và văn minh Hán. Điểm khác biệt giữa hai nền văn minh này là những cuộc Hán hóa được thành hình bằng bạo lực và chiếm đoạt, còn Ấn Độ hóa thì được thành hình một cách thanh bình với sự chấp nhận của các dân tộc sẵn sàng tiếp đón nền minh này. Đến thế kỷ thứ 19 trừ nước Xiêm ra, khi người Tây phương tới chiếm các vùng này làm thuộc địa, thì tình hình kinh tế, chính trị có thể nói là đã hoàn toàn thay đổi kể từ đó.

Về mặt dân cư thì cứ mỗi khi có một làn sóng lớn tới định cư và dân tộc nào phát triển hơn thì lại đẩy những dân tộc bản sứ đó lên cao nguyên hay miền núi. Nhưng cũng phải nói là sự phân bố địa lý về các dân tộc thiểu số trong toàn vùng này cũng là hậu quả của chiến tranh, của sự bành trướng của những nước mạnh như Cao Mên vào thời kỳ thịnh vượng ở thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ 14, như vương quốc Ayudhya, tiền thân của nước Thái Lan, khi trưởng thành thì một mặt tràn qua Lào rồi di dân, một mặt lấn vào lãnh thổ Cao Mên, cuộc Nam tiến của nước Đại Việt, tức là Việt Nam, đã chiếm dần toàn lãnh thổ của người Chàm, v.v. Một nhận xét nữa là bán đảo Đông Dương là một trong những vùng mà mật độ dân tộc chiếm tỷ lệ cao nhất trên hoàn cầu :
- ở Liên Bang Mi An Ma, tức là Miến Điện cũ, hiện có khoảng 67 dân tộc thiểu số trên lãnh thổ, và tộc Miến Điện chiếm hơn 60 % dân số trên 45 triệu người ;
- ở Lào cũng có khoảng 57 dân tộc khác nhau và chiếm gần một nửa dân số toàn quốc là hơn 4 triệu người ;
- ở Việt Nam, theo thống kê chính thức thì trên toàn lãnh thổ có hơn 50 tộc người khác nhau và chiếm tỷ lệ khoảng 15 % dân số ;
- ngược lại, ở Thái Lan chỉ có 9 dân tộc thiểu số, với tỷ lệ là 1% dân số.
Về mặt tôn giáo thì ngoài Việt Nam ra hiện nay Phật giáo tiểu thừa là quốc giáo của các nước như Liên Bang My An Ma, Thái Lan, Lào và Kampuchia, tuy ở mỗi nước đó vai trò và truyền thống của phật giáo có hơi khác biệt. Trước thế kỷ thứ 14 thì người Kampuchia theo đạo Bà La Môn chủ yếu thờ thần Vishnu và Civa, và một số khác theo Phật giáo đại thừa. Những di tích lịch sử còn tồn tại cho tới ngày hôm nay như Điện Đế Thiên Đế Thích, các cung điện hay tháp tự ở vùng Kok Ker, Bantay Srei, hay núi Bakheng chứng minh cho điều đó. Ở Lào thì Phật giáo đã hoà nhập vào các tín ngưỡng dân gian chủ yếu là thờ thần linh. Còn ở Thái Lan thì Phật giáo được áp dụng vào đời sống một cách rất hình thức và thực tiện. Nền tảng của đạo Phật là tìm đường giải thoát khỏi bể khổ thì hình như không ai nhắc tới kể cả các tăng sĩ. Riêng ở Miến Điện trước kia trong thời kỳ còn là thuộc địa của người Anh thì Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong các cuộc nông dân khởi nghiã chống lại chính quyền thuộc địa. Gần đây phe quân đội đã lợi dụng thế lực này để chia rẽ phật tử.

Về mặt kinh tế thì Thái Lan là nước phát triển và thịnh vượng hơn các nước trong vùng tuy sự phát triển đó cũng chỉ mới đây thôi. Trong khi các nước lân cận còn là các nước nông nghiệp thì Thái Lan đã bắt đầu nền kỹ nghệ hoá. Nhờ óc thực tế, thậm chí là cơ hội nên Thái Lan đã thoát khỏi nền thuộc địa của Tây Phương bằng thương lượng và nhượng bộ. Trong thời kỳ gần đây Việt Nam rơi vào cảnh nội chiến, thì Thái Lan là hậu phương của quân đội Mỹ. Vào những dịp nghỉ phép họ qua Thái Lan để tiêu tiền. Nên thế kinh tế được phát triển sớm hơn các nước láng giềng. Sau chiến tranh Việt Nam thì Thái Lan dồn sinh lực vào hệ thống du lịch và mở mang hạ tầng cơ sở nhằm phục vụ du khách để có nguồn thu nhập lớn. Sự phát triển này đã đưa xã hội Thái Lan tới sự thành hình của giai cấp trung lưu càng ngày càng đòi hỏi dân chủ nên trong thập niên 70 sinh viên học sinh đã biểu tình và đã bị đàn áp. Và cái giá phải trả là tầng lớp nông dân càng ngày càng thiếu thốn và phải bỏ nông thôn ra sống ở thành thị bằng mọi đủ nghề kể cả mãi dâm.

Còn Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào là nước về vị trí địa lý đứng vào thế kẹt nhất, bởi biên giới bị các nước láng giềng bao quanh không có lối thoát ra bờ biển. Vì thế nên nền kinh tế ở Lào bị lệ thuộc trực tiếp hai nước lân cận có bờ biển là Thái Lan và Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 19 tới nay nước Lào trải qua hai cuộc di dân lớn :
- lần thứ nhất là năm 1828, sau khi chiếm miền đồng bằng Vạn Tượng thì nước Xiêm La áp dụng kế hoạch di dân chuyển hết dân số vùng này qua lãnh thổ của họ ở Đông Bắc, bởi thế tổ tiên người Thái Lan ở vùng này là người Lào ;
- lần di dân thứ hai là vào giai đọan 1975-1985.

Sau khi Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào lên nắm chính quyền thì có khoảng 400.000 người đã đi lánh nạn ở các nước Tây Phương, tức là một tỷ lệ lớn so với tổng dân số là khoảng 3 triệu người kể cả các dân tộc thiểu số. Vì thế nên Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào đã mất đi những thành phần trí tuệ của đất nước. Ngược lại, cuộc thay ngôi đổi chủ này được diễn ra không ác liệt như ở Kampuchia. Nguồn lợi tức đáng kể hiện nay là điện ở đập Năm Ngưm bán cho Thái Lan. Nước Lào cũng còn nhiều tài nguyên thiên nhiên như mỏ than, sắt, đồng nhưng không được khai thác vì thiếu phương tiện và hệ thống giao thông ở đây quá đơn sơ hoặc không có. Đó là những nhược điểm chính của cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào hiện nay. Chỉ trong vòng 15 năm gần đây nước Miến Điện đã thay đổi tên hai lần :
- năm 1974 là Liên Bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Miến Điện ;
- năm 1989 là Liên Bang Mi An Ma.
Liên Bang Mi An Ma là nước lớn nhất ở bán đảo Đông Dương với diện tích là 678.528 cây số vuông. Chung quanh là núi đồi, điểm cao nhất là núi Hkakabo ở phía bắc cao 5788 mét. Mỗi năm vùng châu thổ Irrawady nhô ra mặt biển tới 60 mét. Đây là vựa lúa lớn của Liên Bang. Liên Bang Mi An Ma được kết hợp bằng 7 đơn vị hành chánh, nơi người Miến Điện định cư, và 7 bang dành cho các dân tộc thiểu số. Sau hiệp định Luân Đôn năm 1947 thì Miến Điện được trả lại độc lập. Nhưng ngay sau đó người lãnh đạo "Liên Minh Nhân Dân Vì Tự Do Chống Phát Xít" là ông Aung San bị ám sát. Và từ đó chính quyền thuộc về phe quân đội cho tới ngày hôm nay. Năm 1988 phong trào đòi hỏi dân chủ của sinh viên học sinh đã bị đàn áp một cách rất tàn bạo : 3.000 người đã bị bỏ mình trong cuộc đàn áp đó. Qua năm sau, con gái của nhân vật lịch sử Aung San là bà Aung San Suu Kyi thành lập một khối lực đối lập là "Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia". Liên Minh này đã hoàn toàn thắng cử năm 1989 nhưng, vì phe quân đội đã thua nên họ không nhìn nhận cuộc bầu cử này, và dùng bạo lực để bắt giam những ngưòi của Liên Minh. Riêng bà Aung San Suu Kyi thì bị quản thúc tới năm 1995 mới được trả tự do vô điều kiện. Sự chiến đấu này đã mang lại uy tín cho bà ta và năm 1991, bà được tặng giải Nobel về Hoà Bình.

Trước khi chấm dứt, thì có thể nói rằng cuốn sách này có hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về bán đảo Đông Dương trong quá khứ và hiện tại, qua những hiểu biết tổng quát. Nếu mỗi người chúng ta có quyền phản đối thực trạng tình hình hiện nay, hay bất mãn với những biến cố trong quá khứ, thì cũng phải tự hỏi rằng ta đã đóng góp được gì cho tương lai để tránh được những cảnh đau thương đã gặp trong quá khứ và hiện tại. Nếu ta bùi ngùi với số phận của những kẻ đã mất đi đất nước của mình thì cũng phải nhìn nhận đó là số phận chung của loài người khi loài người chưa thực sự biết yêu thương nhau trên cơ sở tình người. Từ trước tới giờ, trong lịch sử loài người chưa có một dân tộc nào là hoàn toàn thiện và cũng không có một dân tộc nào là hoàn toàn độc ác. Cái ác và cái thiện vẫn diễn ra trong đời sống thường nhật chính trong nội bộ của từng dân tộc. Ngày nào loài người thực sự yêu thương nhau thì ngày đó họ sẽ phá bỏ những gianh giới từ trước đến giờ được tạo dựng ra để chia rẽ nhân loại, dù là gianh giới chính trị hay tôn giáo, gianh giới văn hóa hay ngôn ngữ, gianh giới chủng tộc hay giai cấp, gianh giới quyền lực hay giới tính. Nếu chúng ta chỉ biết lên án những người ngoài chủng tộc thì sẽ dễ đưa đến tình trạng kỳ thị dân tộc và cái hậu quả của nó như thế nào thì mọi người đã đều biết rõ.

Sommaire de la rubrique
Haut de page