Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Michel Bodin
La France et ses soldats. Indochine 1945-1954
Paris, L'Harmattan, 1996, 180 p

RFI, section vietnamienne, 28 juillet 1996



Những người lính của Pháp trong chiến tranh Đông Dương


Chiến tranh Đông Dương được diễn ra trong bối cảnh hoà bình sau đệ nhị thế chiên, nhưng vết thương vẫn chưa lành. Người dân Pháp phải lo giải quyết những vấn đề cụ thể trong đờí sống thường nhật nên chiến trận xa xôi được ít người để ý tới. "Nước Pháp nên tin vào sự phòng vệ của người Mỹ và đồng minh để dồn hết lực lượng vào Đông Dương hay là bỏ Đông Dương để tập trung vào Phi Châu?"

Câu hỏi trên đây là một song đề do ông Michel Bodin viết trong lời mở đầu cuốn sách của ông vừa được xuất bản hồi tháng hai vừa qua. Sách mang tựa đề La France et ses soldats, Indochine 1945-1954 tạm dịch là "Nước Pháp và những chiến sỹ của họ, Đông Dương 1945-1954". Đây cũng là một tựa đề mới trong tủ sách "Nghiên cứu Á Châu" của nhà xuất bản L'Harmattan. Cũng như nhiều cuốn sách khác trong tủ sách này, đây là một công trình được trích ra từ bài luận văn tiến sỹ quốc gia dầy tới 1757 trang của ông Michel Bodin, bảo vệ năm 1991 tại đại học Paris 1 - Panthéon-Sorbonne.

Để thực hiện công trình này, tác giả đã khai thác bốn nguồn tư liệu : - Lưu trữ của Ban sử học quân đội (Le Service historique de l'Armée terrestre) - Công báo ; - Báo chí ; - và ký ức của những người sống sót còn lại. Sách được chia làm hai phần : - phần đầu nói về sự thành hình các thành phần của Đạo quân viễn chinh, sự tuyển mộ lính chiến, những khó khăn trong sự tuyển mộ ; - phần thứ hai là dư luận Pháp đối với Đoàn quân viễn chinh, tức là bối cảnh chính trị, vai trò và thái độ của từng đảng phái chính trị và tác dụng của cuộc chiến.

Cũng trong lời mở đầu tác giả muốn đền bù phần nào những thiếu sót, vì từ trước đến giờ sách viết về chiến tranh Đông Dương cũng khá nhiều nhưng ít khi đề cập đến những người đã cầm súng ngoài trận địa, trong đó không riêng chỉ người Pháp mà còn có cả người Phi Châu, người Bắc Phi, người Việt và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong cuốn sách này tác giả chỉ đề cập đến bộ binh vì không quân chỉ chiếm 6 % và thuỷ quân 7% của toàn lực lượng quân đội. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, năm 1954, trong Đạo quân viễn chinh người Pháp chỉ chiếm tỷ lệ 29%, trong khi đó tỷ lệ của người bản sứ gồm Việt, Lào, Cao Mên và dân tộc thiểu số là 31%, còn lại là lính Lê Dương.

Năm 1947 thì quân số Pháp tại Âu Châu đã tận dụng nên sự tuyển mộ binh lính gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó được tác giả giải thích là : - sau đệ nhị thế chiến dư luận bác bỏ quân đội vì vết thương của cuộc đầu hàng năm 1940 vẫn chưa lành. Vì thế một số hạ sỹ quan Pháp đã từ chức để khỏi phải đi chiến đấu. Còn người dân thường thì phải đối phó với cuộc sống khó khăn do chiến tranh tạo ra ; - một mặt khác, giới chính trị tránh dùng hai từ "chiến tranh". Cuối năm 1946, tức là sau sự kiện quân sự ngày 19 tháng 12, các dân biểu của phái hữu không kềm được lòng mình nữa mới dùng tới hai từ này lần đầu tiên trong Quốc hội ; - tháng ba năm 1947, phong trào dân chủ ở Madagascar vừa được thành lập trước đó vài tháng, nổi lên chống lại chính quyền thuộc địa, nên một phần quân số Pháp được gửi qua đó để cầm địch lại. (Xin mở dấu ngoặc : Chúng ta cũng được biết là trong cuộc nổi dậy này người bản sứ phải trả giá bằng máu : 80.000 bị thiệt mạng.) Vì gặp nhiều cản trở trong sự tuyển mộ lính nên chính quyền phải cho phát động những chiến dịch tuyên truyền : những người đăng lính hay tái đăng lính sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về mặt vật chất. Trong giai đoạn đó ngưới ta còn khuyến khích cả những tù nhân dân sự, nhưng báo chí phát hiện ra điều tai tiếng này nên chính quyền phải bỏ cách tuyển mộ đó ngay. Cũng vì những lý do đó nên Đoàn quân viễn chinh chỉ thu hút được những lớp người trẻ vô gia cư nên đội ngũ thiếu phẩm chất. Chẳng hạn như năm 1952, trong số 169 lính phải hồi hương sau ba tháng công tác thì có 10 người nghiện rượu, 14 người bị lao và 80 người không đủ khả năng trong đó có 24 người bị bệnh tâm thần. Thời gian huấn luyện quân sự trước kia là 6 tháng sau này rút lại chỉ còn ba tháng.

Khi cuộc chiến tới thời kỳ căng thẳng thì cả phụ nữ Pháp cũng tham gia một cách gián tiếp. Năm 1949 có 783 người và đến năm 1954 có 2180 người, trong đó có 333 y tá và 56 người chuyên môn lo phận sự gấp dù. Còn trong đội ngũ Lê Dương thì có đủ mọi thành phần, chẳng hạn những binh sỹ cũ của Đức Quốc Xã muốn xóa bỏ quá khứ của mình, những người xuất sứ từ các thuộc địa ở Phi Châu như người Sênêgan, Maroc, Algérie, Tunisie. Và để cung cấp cho quân đội có đủ quân số, chính quyền Pháp đã tận dụng người bản sứ và khai thác mối thù hằn giữa các dân tộc thiểu số như người Cao Mên, người Chăm, người Nùng, người Mường, người Thổ và người Kinh. Tức là họ muốn thúc dục người bản sứ lao mình vào cuộc chiến để chống lại phe bên kia là Việt Minh. Những người tù binh cũng được họ dùng trong các công việc chuyên chở vũ khí ngoài mặt trận.

Nhưng dù sao đi nữa, có rất nhiều người bản sứ trong đội quân Pháp đã cầm súng quay lại chống đội quân Pháp khi tình hình cho phép. Tác giả cũng nhìn nhận là nếu trong đội ngũ Pháp không có người Việt thì không thể nào họ cầm cự nổi hơn hai tháng chiến đấu. Nền Đệ tứ Cộng Hoà Pháp, ra đời sau đệ nhị thế chiến, phải đương đầu với các vấn đề khẩn cấp ở thuộc địa trong đó có chiến tranh Đông Duơng. Trong bối cảnh đó ba đảng có vai trò quan trọng nhất là : - đảng MRP là Mouvement Républicain Populaire, tức là Phong trào Cộng Hoà Nhân Dân ; - đảng SFIO tức là đảng Xã Hội ; - và đảng Cộng Sản. Về thái độ và vai trò của ĐCSP trong cuộc chiến ở Đông Dương thì từ trước đến giờ đã có khá đầy đủ sách báo nói đến. Ở đây chỉ xin nhắc lại những ý chính là thái độ của đảng này có thay đổi tùy theo giai đoạn. Trong thời gian ĐCSP có tham gia chính phủ thì họ nhập nhằng : một mặt ủng hộ chính phủ Pháp và một mặt chống chiến tranh nhưng không có nghĩa là ủng hộ danh nghĩa độc lập của Việt Nam mà là để tránh cho Liên Minh Pháp khỏi tan rã. Đến tháng 5 năm 1947 khi những bộ trưởng CS bị loại ra khỏi chính phủ thì ĐCSP thay đổi ngay thái độ và chống lại chính phủ để ủng hộ phong trào kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Còn thái độ của Đảng Xã Hội thì không rõ rệt, một mặt muốn thương lượng một mặt muốn dùng quân sự để tái chiếm Đông Dương. Nói chung là trước năm 1947 họ ủng hộ tinh thần hiệp định sơ bộ ký ngày mồng 6 tháng ba năm 1946 giữa Hồ Chí Minh và Tướng Sainteny, người đại diện cho Cao Uỷ Đông Dương ở Hà Nội.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ nhất của nền đệ tứ Cộng Hoà Pháp năm 1946, 105 dân biểu của đảng Xã Hội trúng tuyển. Cuối năm đó, sau khi bộ trưởng Bộ Thuộc Điạ Marius Moutet đi thám hiểm tình hình ở Đông Dương về thì thái độ của ông ta thay đổi hẳn, và trở thành thù nghịch với Hồ Chí Minh, vì theo tác giả thì những cảnh tàn bạo xẩy ra ở Đông Dương là do Việt Minh gây ra nên bộ trưởng Moutet đã thay đổi quan niệm của ông về cuộc chiến. Mặc dầu thế, một số dân biểu của đảng Xã Hội vẫn muốn giữ liên lạc với chính phủ Hồ Chí Minh và mặt khác họ vẫn tham gia ủng hộ quỹ chiến tranh. Vì họ nghĩ rằng muốn đi tới hoà đàm thì phải thắng đối phương về mặt quân sự trước. Những thành phần cực đoan của đảng này cũng còn có ý định là phải tàn sát lực lượng Việt Minh đến cùng và bắt sống người lãnh đạo phong trào là Hồ Chí Minh. Đến tháng ba năm 1952 khi những bộ trưởng của đảng Xã Hội bị gạt ra ngoài chính phủ thì đảng này trở thành khối đối lập và kêu gọi để chính phủ Pháp thương lượng với Việt Minh. Đảng MRP là đảng có nhiều thế lực nhất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Năm 1946 họ có 167 dân biểu trong Quốc hội, nhưng đến năm 1951 thì chỉ còn có 88 dân biểu. Nhân vật nổi tiếng của đảng này là Georges Bidault, người sáng lập ra đảng, từng là chủ tịch hội đồng bộ trưởng lâm thời sau ngày đình chiến năm 1945, rồi bộ trưởng bộ ngoại giao của nền đệ tứ Cộng Hoà. Về vấn đề Đông Dương ông ta đã từng so sánh Đông Dương với những toa xe lửa cần phải có đầu máy, và cái đầu máy đó dĩ nhiên là Pháp. Nói chung thì đảng MRP là đảng bảo thủ, họ tin vào sứ mạng khai hoang của người Pháp và ủng hộ cho đế quốc thuộc địa. Đối với họ, nước Pháp làm sao mà phải hạ mình đi thương lượng với những người sống dưới quyền thuộc địa. Đảng MRP muốn dùng lá bài Bảo Đại để làm giảm bớt vai trò của Hồ Chí Minh và phong trào kháng chiến. Vì đối với họ, kẻ đi xâm chiếm lãnh thổ là Việt Minh chứ không phải đội quân Pháp.

Nhưng các lập luận đó không vững được lâu dài trước những biến chuyển của thời cuộc nên cuối cùng họ đành phải chấp nhận con đường thương thuyết. Ngoài ba đảng chính này, cũng còn vài đảng khác như đảng RPF (Rassemblement du Peuple Français), tức là "Tập hợp toàn dân Pháp", do tướng De Gaulle sáng lập năm 1947, hay là khối giữa. Khối giữa tuy không có thế lực bằng các đảng khác vì trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1946 họ chỉ chiếm được 64 ghế, nhưng trong khối này có nhiều nhân vật quan trọng như Alexandre Varenne, nguyên toàn quyền Đông Dương, René Pleven, hai lần là chủ tịch hội đồng bộ trưởng, rồi bộ trưởng bộ Quốc Phòng, Pierre Mendès-France, chủ tịch hội đồng bộ trưởng năm 1954, François Mitterrand, sau này trở thành tổng thống Pháp. Để chấm dứt lời giới thiệu cuốn sách của ông Michel Bodin, người đọc có thể nhận thấy rằng điều đáng kể trong công trình này là hai nguồn tư liệu từ trước tới giờ ít được khai thác, đó là Lưu trữ của Ban sử học quân đội, và tờ công báo trong đó người ta ghi lại nguyên văn các cuộc tranh luận ở Quốc Hội. Chắc có lẽ vì tác giả xưa kia là sỹ quan nên trong phần đầu ông Michel Bodin viết rất tỉ mỉ, có thể là hơi quá tỉ mỉ. Điều quan trọng hơn nữa là nếu so với ý định của tác giả là đóng góp cho sự hiểu biết chung về quân nhân thì cái mục đích đó chưa đạt tới. Người đọc chờ đợi được nghe qua những số phận, những thăng trầm của đời quân nhân, nhưng tác gỉa chỉ nhắc qua rất mau để chú trọng đến các con số, rất nhiều và rất chính xác, nhưng hơi nhiều. Ngoài ra thỉnh thoảng tác giả có lập đi lập lại những câu dẫn mà chắc tác giả cho là quan trọng. Dĩ nhiên, đây là một công trình sử học qua con mắt của một cựu sỹ quan Pháp. Như ngươi ta đã biết, sử học có bao giờ vượt qua được bức tường khách quan đâu.

Sommaire de la rubrique
Haut de page