Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Trần Quốc Vượng
Trong cõi
Californie, Trăm hoa, 1993, 287 tr.
RFI, section vietnamienne, 8 septembre 1996
Trăm năm trong cõi người ta,
chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Hai
câu thơ của Nguyễn Du đã trở thành gần như câu ca dao với người Việt
chúng ta. Và
Trong cõi cũng là tựa đề một cuốn sách của giáo sư sử học
Trần Quốc Vượng do "Trăm Hoa" xuất bản năm 1993 ở bên Mỹ.
Cuốn
Trong cõi gồm 17 bài trong đó có 5 bài viết ở nước ngoài trong
thời gian giáo sư Trần Quốc Vượng đi giảng dạy ở bên Mỹ năm 1991. Trong
lời bạt của nhà xuất bản Trăm Hoa có viết :
"Điều làm chúng tôi chú ý,
một phần vì kiến thức uyên thâm của ông về văn hóa, lịch sử, khảo cổ,
truyền thống dân gian, một phần vì những phát biểu của ông có rất nhiều
tính độc lập của một người trí thức. (...) Đã có hàng triệu người rời
bỏ quê hương để đi tìm một cuộc sống tự do no ấm hơn. Hàng triệu sự
liều lĩnh đã trở nên bình thường, tẻ nhạt. Nhưng khó hơn nhiều lần, là
những người ở lại gắn bó với quê hương bất kể đói nghèo, khổ cực. Và
khó hơn nữa, là những kẻ đang từ chỗ ấm thân vẫn quay về, dù biết trước
những đòn thù chụp xuống". (hết lời dẫn)
Mặc dầu trong tác phẩm này sử
gia Trần Quốc Vượng có công bố một vài kết quả và kinh nghiệm điền dã,
Trong cõi không phải là một cuốn sử theo hiểu biết thông thường mà là
những suy nghĩ về lịch sử, những ý kiến về truyền thống, những phân
tích về tình trạng đất nước của ngày hôm nay, là tiếng vọng của người
trí thức chân chính bị gánh nặng của một giai đoạn lịch sử đè nén.
Trong nỗi cô đơn đó, con én Trần Quốc Vượng vẫn hăng say đóng góp để
tạo một mùa xuân trên đất nước, mùa xuân của cả mọi người sống trong
hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc, mùa xuân của độc lập tư tưởng,
của sự thật lịch sử. Vì độc lập tư tưởng nên nhà sử học không ngần ngại
công bố những điều đi ngoài dòng lịch sử, những sự thật còn nằm trong
bóng tối hay những ý kiến về huyền thoại dân gian đã được hay là đã bị
lịch sử hoá. Trong quá trình nghiên cứu và suy nghĩ, nhà giáo nổi tiếng
này đã cố nạo bỏ lớp vỏ lịch sử bên ngoài để đi tìm chiều sâu của huyền
thoại ở bên trong vì (xin dẫn) : "
Mối bận tâm của người Việt cổ là cái
huyền và mối bận tâm của ta là cái thật" (hết lời dẫn).
Trong tiến
trình đó nhà sử học đã nêu ý kiến Hội Gióng là tết mưa dông, là một
nghi lễ nông nghiệp trong tín ngưỡng cầu mưa. Nhưng trong Hội Gióng lại
còn vết tích Đông sơn trong tục thờ mặt trời, vì con ngựa sắt của thánh
Gióng khạc lửa phi về Đông rồi từ Đông phi về Tây. Điều đó tượng trưng
cho sự vận động của mặt trời. Tóm lại theo ông Trần Quốc Vượng thì khởi
thuỷ huyền tích Gióng là huyền tích về mặt trời và Hội Gióng là nghi lễ
nông nghiệp cầu trời "mưa nắng phải thì". Cũng về lãnh vực truyền thống
dân gian, bài "Triết lý bánh chưng bánh dầy" cho biết lương thực của
người Việt cổ là xôi chứ không phải cơm. Xu hướng "tẻ hoá" của nhà nông
trồng lúa nước do áp lực dân số và nhu cầu tăng năng xuất lúa, mới dần
dà phát hiện từ thời Lý-Trần. Và từ đó xôi chỉ dùng trong các giỗ chạp,
tết nhất, cưới xin, ma chay. Tức là "xôi" đã đi vào lãnh vực có tính
chất thiêng liêng và nhường lại cho "cơm" ở phạm vi thường tục. Sau này
các món xôi mới lại được bình thường hoá trong đời sống. Một trong
những thể hiện của gạo nếp là bánh chưng bánh dầy. Đây là sản phẩm
chung của cả vùng Đông Nam Á nếu không nói là Đông Á chứ không phải sản
phẩm riêng của Việt Nam. Có điều cần chú ý hơn là bánh tét lại là tiền
thân của bánh chưng, vì "bánh tét" tức là "bánh tết" đọc trạnh ra kiểu
miền Nam. Mà bánh tét thì hình dài chứ không vuông như bánh chưng. Sở
dĩ người ta gán hình vuông của bánh chưng để tượng trưng cho Đất là
triết lý Trung Hoa được hội nhập muộn màng vào triết lý Việt Nam, chứ
không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Bởi vì bánh tét tròn dài
tượng trưng cho Dương vật, như cái chày, cái nõ, và bánh dầy tròn và
dẹt thì tượng trưng cho Âm vật, như cái cối, cái nường.
Mấy điều nhận
xét trên đây, kết quả của những năm tháng khảo cứu và suy tư tỏ cho ta
thấy rằng những sự việc thông thường nhất với đời sống lại chứa đựng
nhiều ý nghĩa ẩn kín, và nếu ai muốn đi tìm những ý nghĩa đó thì phải
gạt ra những ý nghĩa thông thường, những định kiến vì đó chỉ là cái vỏ,
tức là phải đi ngược lại với chiều hướng thông thường mà mọi người đã
tin tưởng rằng đó là điều dĩ nhiên. Và muốn thực hiện điều này, thì
phải đi ngược chiều gió chứ không như theo câu tục ngữ bị biến dạng
"gió chiều nào theo chiều ấy", và muốn thế thì tư tưởng phải được độc
lập. Nhờ có sự độc lập đó, nên Trần Quốc Vượng đã cho công bố kinh
nghiệm điền dã trong một bài viết mang tựa đề "Nỗi bất hạnh của một số
nhà trí thức nho gia". Bài viết này đề cập đến các khía cạnh còn nằm
trong bóng tối về các nhân vật lịch sử như Trương Hán Siêu và Chu Văn
An, Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn, Lê Quí Đôn, và Nguyễn Sinh Huy, thân
sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây tác giả không dựa vào tư liệu lịch
sử, vì làm gì có, nhưng chỉ dựa vào những lời truyền miệng dân gian để
đặt lại chỗ đứng của các nhân vật này, đưa ra ánh sáng các mặt trái
trước kia còn bị che đậy. Mặt trái chung của các nhân vật nói trên đều
có liên quan đến chuyện lý lịch.
Xã hội Việt Nam từ trước đến giờ vẫn
theo thời, tức là "conformiste". Khi một người đã "nổi tiếng" và "làm
lớn", thì những người viết tiểu sử của người đó thường phô trương những
cái đẹp và che đậy những cái xấu. Nhưng ở đây bề trái của các nhân vật
kể trên không phải là xấu, mà nó phản ánh những thành kiến hẹp hòi của
xã hội, của những kẻ nhân danh lịch sử viết lại lịch sử, nhân danh quần
chúng tự sửa đổi theo ý họ để rồi tạo ra những hình ảnh giả tạo. Riêng
về Lê Quý Đôn thì nhà bác học này không phải con trưởng, mà người mẹ
của ông cũng không phải là vợ cả của ông nghè họ Lê, cha của Lê Quý
Đôn, như chính sử thường đã viết. Vấn đề là ở chỗ đó. Còn Chu Văn An
thì khi ông từ bỏ mũ áo của quan trường về ẩn dật tại nông thôn lại
không về quê mẹ, mà lại sang làng bên dạy học để sinh sống. Vốn người
cha của Chu Văn An là người Hoa tới trú ngụ ở một làng quê Việt Nam.
Theo lệ của làng ngày xưa thì người tới ngụ cư phải đóng góp ba đời mới
được coi là dân làng. Vì lẽ đó Chu Văn An mặc cảm là người ngụ cư nên
không về quê mẹ là làng Thanh Liệt. Và cũng vì lẽ đó ở làng Thanh Liệt
không còn gì về vết tích của Chu Văn An.
Gần với thế hệ chúng ta hơn là
Nguyễn Sinh Huy. Thực ra ông không phải dòng dõi họ Nguyễn mà là con
của ông đồ Hồ Sỹ Tạo và Hà Thị Hy, một nghệ nhân. Hà Thị Hy có mang với
ông đồ nhưng lại phải lấy một người khác. Sau này Nguyễn Sinh Huy thi
đạt, lập gia đình và sinh ra Nguyễn Tất Thành, tức là Nguyễn Ái Quốc
hay Hồ Chí Minh sau này. Lời truyền miệng dân gian còn cho rằng sau này
Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh vì ông biết ông nội đích thực của
ông là Hồ Sỹ Tạo. Ngoài những điều vừa được nêu trên thì có thể nói một
trong nỗi ám ảnh của tác giả là vị trí và vai trò của người trí thức
trong xã hội Việt Nam. Theo tác giả thì đất nước hiện nay chỉ có những
nhà trí thức chứ không có giới trí thức. Qua sự tiếp xúc thì giáo sư
Trần Quốc Vượng có giải thích thêm : Việt Nam là một nước nông nghiệp,
người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân, trí thức thì được tạo
trên nền tảng tiểu nông, thế thì làm sao có được một giới trí thức.
Giáo sư Vượng lại cho biết thêm là chính ông Hồ Chí Minh ngày xưa cũng
đã nói là "nước mình có đoàn kết quái gì đâu". Về tinh thần đoàn kết
thì có thể nói là người Việt Nam chỉ đoàn kết khi nào có ngoại xâm. Hết
ngoại xâm thì hết đoàn kết, và hết mọi vấn đề. Nếu ai có vấn đề gì thì
cũng phải chịu đắng nuốt cay một mình thôi. Mà nếu là trí thức thì lại
hay nói hay đàm hay suy nghĩ, suy nghĩ chứ không phải tính toán vì
người giỏi tinh giỏi toán thì đâu còn thì giờ để suy nghĩ nữa và ngược
lại người hay suy nghĩ thì đâu còn thì giờ để tính với toán.
Điều đáng
buồn là trong giai đoạn gần đây người ta khinh rẻ trí thức đến nỗi ví
họ với "cục phân", gọi là "tụi", là "bọn lắm chuyện" cho đến nỗi dân
gian phải thốt lên câu "
cấm ăn cấm nói cấm cười, cấm ba điều ấy còn vui
nỗi gì". Óc hẹp hòi đó và mặc cảm tự ti đã đưa đến tình trạng thất
thoát nhân tài : một Đào Duy Anh, một Trần Đức Thảo, một Nguyễn Mạnh
Tường đã bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng dù sao đi nữa, sử gia Trần
Quốc Vượng vẫn là một trí thức có uy tín được thế giới bên ngoài chú ý
đến nhiều, một người bất cơ, không lệ thuộc, không xu thời chỉ phụng sự
cho lẽ phải. Điều đó còn thể hiện qua cách dùng từ ngữ. Chẳng hạn như
câu "Tôi tuổi con chó, sinh sau đảng bốn năm" ; hay là "tụng kinh Mác
xít" ; hoặc thay vì viết "thi hương", "thi hội", "thì đình" như mọi
người thì lại viết "thi Nho" ; v.v. Có điều ông giáo sư này lại hay
đùa, chẳng hạn như câu "
cậu là đảng viên nhưng mà tốt". Nhưng đã có bao
nhiêu người đã được Trần Quốc Vượng đùa bằng câu châm biếm đó. Nếu mọi
đảng viên đều được đùa như thế thì câu đùa đó sẽ trở thành vô nghĩa.
Để
kết thúc lời giới thiệu cuốn
Trong cõi, và nếu phải bình luận thì người
đọc tiếc rằng tác giả không nêu ra những nối tiếp hoặc những đứt đoạn
trong xã hội Việt Nam đi từ nho giáo tới chuyên chính vô sản theo mô
hình của Staline hay của Mao Trạch Đông. Và những đứt đoạn hay những
liên tục đó có phải là tình trạng riêng biệt của Việt Nam không ? Dĩ
nhiên là tác giả đã suy nghĩ nhiều về điều đó và hy vọng một ngày gần
đây, nhà sử học sẽ công bố để mọi người cùng suy nghĩ về quá trình lịch
sử đất nước.
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|