Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Claude Balaize
Village du Sud-Vietnam
Paris, l'Harmattan, 199, 287 p.

RFI, section vietnamienne, 8 septembre 1996



Địa chí làng xã miền Nam Việt Nam


Thực ra, cuốn sách của ông Claude Balaize được trích ra từ bài luận văn tiến sỹ về đời sống và kinh tế nông thôn ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến, và được bảo vệ năm 1979 tại đại học Sorbonne. Hồi đó, tác giả có ý định tìm hiểu những tác động của chiến tranh tới đời sống kinh tế ở nông thôn và đặc biệt là ở tỉnh Gia Định, tức là những thập niên 50, 60 và 70, và nói một cách chính xác hơn thì từ Tết Mậu Thân đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến năm 1975. Đây cũng là địa chí của bốn xã gồm Tân Thời Nhứt, Phú Mỹ Tây, Linh Xuân Thôn và An Phú Tây nằm ở bốn quận khác nhau thuộc tỉnh Gia Định cũ. Sở dĩ tác giả đã trọn khu đất này để nghiên cứu và đi điền dã là vì hai lý do chính : - lý do thứ nhất là lý do tình cảm : gia đình vợ của tác gỉa ở Gia Định ; - lý do thứ hai là vị trí địa lý của tỉnh. Một giải đất khoảng 800 cây số vuông bao bọc thành phố Sài Gòn, theo hướng bắc đi lên Tây Nguyên, hướng nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, hướng tây, gần biên giới Cao Mên. Hay nói một cách khác thì Gia Định được coi như là khu tiếp xúc với các miền lân cận.

Sách được chia làm ba phần : - phần đầu nói về thiên nhiên và con người Gia Định ; - phần thứ hai là địa chí của bốn xã vừa được nêu trên ; - và phần cuối là làng xã về mặt hành chánh và xã hội trong thời chiến. Trong quá trình phát triển của tỉnh Gia Định, tác giả có nhắc đến những người Việt đầu tiên tới vùng đất này vào thế kỷ thứ 17, đó là những tiểu thương gia, và tiếp theo họ là những người bị đuổi biệt sứ và những kẻ trốn tránh chính quyền. Họ lập đồn điền và định cư, chủ yếu sống về canh nông. Qua tới thế kỷ thứ 19 khi ngưòi Pháp tới chiếm miền Nam Việt Nam để biến thành thuộc địa, thì Gia Định cũng là nơi được họ khai thác trước nhất, trong đó lúa chiếm 70% diện tích trồng trọt. Cũng trong giai đoạn này Gia Định còn là quê hương của các nhà yêu nước như Võ Duy Ninh, Nguyễn Thông và sau này lại có thêm Nguyễn An Ninh, một nhân vật nổi bật trong hai thập niên 20 và 30 của thế kỷ này.

Sau khi nghiên cứu về môi trường qua địa chất học, nhân khẩu học, địa bàn và kinh tế nông thôn ở chương đầu, thì tác giả đề cập đến những biến chuyển ở vùng này. Năm 1955 khi chính phủ Ngô Đình Diệm phát động cuộc cải cách ruộng đất, thì những đất hoang được trưng dụng rồi phân phát cho các đồng bào di cư từ miền Bắc vào. Tính đến năm 1960 thì tất cả là 400.000 mẫu tây đã đuợc phân phát cho 124.000 nông dân, và diện tích đất của những địa chủ cũ không được quá 100 mẫu tây. Tuy cuộc cải cách này có tầm vóc quy mô trên mặt lý thuyết, nhưng khi thực hành thì cũng gặp nhiều trở ngại và trở ngại chính là mối liên hệ truyền thống giữa địa chủ và người nông dân. Để đương đầu với bối cảnh chiến tranh đang bành trướng, chính quyền miền Nam đã cho thành lập năm 1958 những "Khu trù mật", mỗi khu gồm 200 hộ gia đình và mỗi gia đình định cư trên một giải đất rộng 4.800 mét vuông. Vì thiếu cơ sở, nên chiến lược này đã hoàn toàn bị thất bại sau một năm được khởi động. Qua năm sau, là năm 1960, chính quyền miền Nam lại cho thành lập các "Ấp chiến lược" ở nông thôn để bảo vệ an ninh và kiểm soát dân số. Tới năm 1963 đã có 8.600 "Ấp chiến lược" được thành hình, tụ họp hơn 10 triệu nông dân. Ấp chiến lược được thành lập với bốn mục tiêu : quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội. Năm 1969, chính quyền miền Nam lại thành lập các đoàn "nhân dân tự vệ" có tính cách quần chúng và hộ trợ. Mỗi toán khoảng 10 người có nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở địa phương và nếu cần thì phải chiến đấu.

Tổng số 2.177 làng xã ở miền Nam Việt Nam, năm 1969 các liên đoàn "Nhân dân tự vệ" đã tụ họp hơn 1 triệu thành viên. Nhưng dù sao đi nữa, đối với người nông dân Nam bộ, Tết mậu thân vẫn là một dấu ấn lịch sử. Qua năm 1970 nhiều người trước kia đi lánh nạn ở vùng an toàn dọc theo các quốc lộ, trở về nông thôn. Riêng tỉnh Gia Định thì có khoảng 50 % những người trước kia đi di tản trở về. Và cũng trong năm này, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại tiếp tục cải cách ruộng đất qua khẩu hiệu và luật "Người cầy có ruộng". Để làm hậu thuẫn cho các cuộc cải cách ruộng đất, chính phủ miền Nam đã liên tiếp thành lập những ngân hàng phát triển nông nghiệp, nhưng không được người nông dân hưởng ứng vì họ không có đầy đủ thông tin, và những ngân hàng đó không được người nông dân tín nhiệm, nên họ cứ tiếp tục vay mượn những địa chủ hoặc những người khá giả trong làng và phải chịu lãi suất cao.

Về đời sống thường nhật và kinh tế nông thôn thì mỗi xã vừa nói trên có đặc tính riêng của nó. Xã Tân Thời Nhứt thuộc quận Hóc Môn cách Thủ đô Sài Gòn khoảng 15 cây số về hướng tây bắc, gần các đường giao thông vận tải. Vùng này không bị lụt, ngược lại vì nằm xa các sông ngòi nên phải có một hệ thống dẫn thủy nhập điền tinh vi để đáp ứng nhu cầu : 70 % dân số của xã là nông dân. Ở đây mỗi năm chỉ gặt được một mùa, chủ yếu là lúa địa phương. Đặc điểm của xã Tân Thời Nhứt là trồng trầu, nuôi gà chọi và nuôi ngựa để cung cấp cho trường đua Phú Thọ. Trong các thời kỳ cải cách ruộng đất xã Tân Thời Nhứt nằm trong khu vực cải cách. Còn xã Linh Xuân Thôn, thuộc quận Thủ Đức cách Sài gòn khoảng 15 cây số về hướng đông bắc. Nằm giữa sông Sài Gòn ở hướng tây và sông Đồng Nai ở hướng đông, khoảng 8 cây số nên ở đây cũng hơi bị thiếu nước để trồng trọt. Ngược lại, sự phát triển của thành phố Sài Gòn về phía bắc đã lan ra tới khu vực Thủ Đức, nên một phần đất của xã Linh Xuân Thôn bị đô thị hóa và làm đảo lộn cuộc sống ở nông thôn. Vì những lý do đó, nên ở đây, đất trồng trọt chỉ chiếm 19 % diện tích xã, trong đó lúa "thần nông", một loại lúa được nhập vào từ thập niên 60, chiếm 4/5 diện tích trồng lúa. Năng suất của lúa "thần nông" cao, và mỗi năm được hai vụ nên người dân trồng loại lúa này, nhưng chỉ để bán thôi chứ ăn thì họ lại đi mua lúa địa phương để ăn cho hợp miệng, tức là lúa mùa, lúa lỡ hay lúa sớm. Ngoài lúa ra, nguời nông dân ở đây còn trồng rau muống, và đặc biệt là rau muống tầu, năng suất trung bình là 30 tấn/mẫu tây. Rau muống thì vừa để ăn vừa để nuôi lợn.

Điểm trùng hợp giữa Linh Xuân Thôn và Phú Mỹ Tây là hai xã này đều bị đô thị hóa. Ngược lại, Phú Mỹ Tây thuộc quận Nhà Bè và nằm sát sông Nhà Bè nên dễ bị lụt. Không những thế, khi mùa lụt nước mặn ở biển tràn vào đồng ruộng nên sau khi cầy người nông dân phải rửa đất cho hết chất axít trước khi cấy lúa. Cũng vì thế nên mỗi năm chỉ gặt được một vụ mặc dầu lúa chiếm 85% diện tích trồng trọt, và diện tích trồng trọt là 70% diện tích xã. Ở đây mật độ nông nghiệp thấp (390 nông dân/ cây số vuông) so với Linh Xuân Thôn hay Tân Thời Nhứt, nằm ở phía bắc, mà mật độ là trên 3.000 nông dân/cây số vuông. Và cuối cùng là An Phú Tây ở quận Bình Chánh, một xã hẻo lánh nhất trong bốn xã vừa kể.

Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, 112 mẫu tây đã được phân phát cho 99 hộ nông dân, tức là mỗi hộ có được hơn một mẫu tây. Ở đây, ngoài nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa thần nông, mỗi năm được một hoặc hai mùa, tùy theo, vì đất ở xã này cũng dễ bị lụt, người nông dân còn kiêm nghề làm giấy súc, giấy vàng và giấy bạc để có thêm nguồn thu nhập. Về mặt kinh tế, tác giả cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng là người nông dân chỉ là những ngươì sản xuất, trừ một vài trường hợp như buôn bán lẻ tẻ ở chợ làng, còn khâu mậu dịch thì do người Hoa kiểm soát từ đầu tới đuôi. Chẳng hạn như gạo thì họ mua trực tiếp với nông dân rồi tự chuyên trở về Chợ Lớn chất vào vào các kho chứa, sau đó một mặt bán cho các thương gia, mặt khác bán lại cho chính phủ theo hợp đồng đã ký. Còn về giấy, thì họ đi thâu lượm và mua lại giấy cũ để làm hồ rồi bán hồ cho người sản xuất giấy, tức là người nông dân, sau đó các thương gia ngươi Hoa mua lại giấy để in hay chế tạo thành giấy vàng hay giấy bạc : khâu này chỉ người Hoa mới làm được vì bí mật nhà nghề, nên các thợ thủ công Việt Nam không chế tạo được. Và cuối cùng khâu mậu dịch cũng do người Hoa kiểm soát.

Đây là một cuốn sách mang lại nhiều chi tiết lý thú cho người đọc, mặc dầu là loại sách chuyên môn. Vì tác giả đã quen thuộc với xã hội Việt Nam nên ông có những nhận xét rất tinh vi về quan niệm sống của người nông dân. Chẳng hạn như về nhà ở thì mái tôn đóng đinh lại được người nông dân hưởng ứng hơn là mái tranh, trong khi đó mái tranh là cả một truyền thống, công phu mới có, vừa phù hợp với khí hậu, vừa mát mẻ hơn mái tôn. Việt Nam nằm trong miền nhiệt đới, nhà lại thường không có trần, và nếu mái lợp bằng tôn thì hỏi mùa nóng trong nhà nóng khó chiụ đến thế nào ? Dẫu thế người nông dân vẫn coi mái tôn là sang trọng hơn mái tranh. Sự hiểu biết của tác giả về nếp sống ở nông thôn còn thể hiện qua sơ đồ chơi họ, tức là hụi nếu nói theo từ ở trong Nam, và cách giải thích rất rành mạch. Nếu phải phê bình, thì mặc dầu cuốn sách của ông Claude Balaize có nhiều minh họa và sơ đồ vẽ tay để giúp người đọc dễ hình dung ra những điều được viết, và ông đã dành khoảng 30 trang viết về nhân khẩu học, nhưng vẫn còn vài yếu điểm đáng nói. Tác giả dựa vào các nguồn tư liệu và cho biết là dân số ở Gia Định có khoảng một triệu rưỡi, nhưng người đọc không biết được dân số của mỗi xã trong bốn xã được tác giả nghiên cứu rất tinh vi là bao nhiêu. Tác giả giải nghĩa điều này là do tình trạng chiến tranh đã khiến đa số nông dân di chuyển thường xuyên, từ vùng này qua vùng khác, nên khó mà ước lượng được dân số ở các xã đó là bao nhiêu. Điều đó cũng dễ hiểu. Còn một điều khác quan trọng hơn, đó là cách cấu trúc của cuốn sách, chẳng hạn cùng một đề tài nhưng người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều chương khác nhau mới hiểu rõ điều tác giả muốn nêu. Và có đôi lúc hơi lộn xộn và tối nghĩa như phần cuối nói về cơ cấu hành chánh làng xã. Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là một công trình công phu đóng góp cho sự hiểu biết về nông thôn ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến, một công trình khó thực hiện được nếu không có lòng say mê. Ở đây tác giã cũng để lộ sự nuối tiếc về quá khứ, một nền cộng hoà non trẻ mới được thành hình và không tồn tại được lâu dài. Đó là ý kiến riêng của ông Claude Balaize.


; color="#fff">
Sommaire de la rubrique
Haut de page