Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Elisabeth du Closel
Docteur Nam. La fabuleuse histoire de l'homme qui soigna la peste
Paris, Albin Michel, 1996, 250 p.

RFI, section vietnamienne, 12 mai 1996



Bác sỹ Yersin hay Ông Năm Suối Giao
Nhà thám hiểm và bác học của nhân loại


Đối với người Việt Nam, chắc là đa số không ít thì nhiều ai cũng biết đến tên tuổi của bác sỹ Yersin. Xưa kia đồng bào vùng Nha Trang- Đà Lạt thường gọi bác sỹ Yersin là Ông Năm vì đã quá quen thuộc với ông bạn bình dân này. Còn ở Pháp tên tuổi của Yersin hình như bị trôi vào quên lãng trong vài thập kỷ qua. Gần đây, một vài cuốn sách viết về bác sỹ Yersin được xuất bản hoặc tái bản. Và cuốn sách mới nhất vừa được xuất bản là của bà Elisabeth du Closel.

Vậy thì ông Năm Suối Giao là ai mà kẻ nhớ người quên ?
Alexandre Yersin ra đời ngày 22 tháng 9 dương lịch năm 1863 tại Morges, một thị trấn nhỏ gần Lausanne, bên Thụy Sĩ. Ông mồ côi cha từ thủa mới ra đời, chỉ còn người mẹ là người gần gũi và thân yêu nhất. Sau khi theo học ban y khoa ở Lausanne rồi ở bên Đức, Yersin qua Pháp tiếp tục đại học và trình luận án tiến sỹ y khoa về bệnh lao năm ông tròn 25 tuổi. Sau đó ông trở thành cộng tác viên ở Viện Pasteur Paris vừa được thành lập do chính Pasteur điều khiển. Bác sỹ Emile Roux thay thế Pasteur về hưu, và đề nghị với Yersin giảng dạy khóa sinh vật học. Yersin từ chối, một phần vì khiêm tốn, một phần hơi nhút nhát, và một lý do nữa là Yersin không muốn bị ràng buộc bởi khuôn khổ nào. Yersin có mộng phiêu lưu, ông muốn theo vết chân của thế hệ đàn anh ở thế kỷ 19 đi thám hiểm hoàn cầu, như Livingstone ở Phi Châu.

Thế giấc mộng phiêu lưu của Yersin có được toại nguyện không ?
Khi Yersin đã có ý định gì thì ông theo đuổi ý định đó đến cùng, nên năm 1890 Yersin tình nguyện đi theo hãng tầu thủy "Messagerie Maritimes" và làm quen với các cuộc viễn du vùng Đông Nam Á. Trong thời gian này Yersin đã để ý đến Nha Trang, nơi mà Yersin nuôi mộng có ngày sẽ dừng chân và lập nghiệp. Trong khi chờ đợi được bổ nhiệm thì Yersin đi thám hiểm những miền xa lạ chưa ai đi tới, với khát vọng mở ra những chân trơì mới lạ mà không có ý chiếm đoạt hay cường vọng nào cả. Đi tới đâu ông thân thuộc tới đó. Bởi thế khi lãnh tụ người Rha Đê mất có nhường ngôi lại và gả con gái cho Yersin, nhưng Yersin từ chối khéo.

Trở lại phần thám hiểm trên lãnh vực y học của Yersin thì giai đoạn nào là giai đoạn đáng chú ý nhất ?
Năm 1894 là năm đã đánh dấu một bước tiến lớn. Năm đó dịch hạch hoành hành vùng Vân Nam và Hồng Kông. Toàn quyền Đông Dương Dương phải nhượng bộ gửi Yersin qua Hồng Kông. Bệnh viện độc nhất trên hòn đảo này do giám đốc người Anh cai quản, và đội nghiên cứu y khoa thì do một bác sỹ người Nhật, tên là Kitasato, điều khiển. Bác sỹ Kitasato và đồng nghiệp của ông cũng đang nghiên cứu về bệnh dịch hạch và được đặc quyền mổ xẻ các tử thi do sự thỏa thuận của chính quyền Anh.

Như thế chắc Yersin đã gặp nhiều cản trở ...
Hẳn như thế. trong vài ngày đầu Yersin gặp nhiều khó khăn, không phải khó khăn trong nghề nghiệp mà khó khăn do con người tạo ra. Nhờ sự can thiệp của một cố đạo người Ý là cha Vigaro, nên chỉ trong vòng hai hay đã lo xây cất xong một túp lều tranh để Yersin có chỗ làm phòng thí nghiệm riêng không lệ thuộc thiết bị của bác sỹ Kitasato. Nhưng vấn đề then chốt là làm sao có thể mổ tử thi và trích bệnh phẩm. Vấn đề này được cha Vigaro giàn xếp bằng cách tống tiền cho lính gác nhà xác. Thế là Yersin được mãn nguyện.

Cách làm việc của bác sỹ Kitasato và Yersin có gì khác biệt ?
Kitasato chỉ chú ý quan sát qua kính hiển vi máu các thi hài thôi chứ không để tâm đến những hạch xoài của tử thi, phần thân thể mà theo Yersin đoán thì đó là nơi tập trung các vi trùng, nguyên nhân gây ra bệnh. Sau khi quan sát các hạch xoài qua kính hiển vi, và lần nào cũng như lần nào Yersin đều thấy lúc nhúc những con vi trùng ngắn, đầu tròn. Yersin tỏ ra vui mừng nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Thế là Yersin cho thí nghiệm, đem tiêm các con vi trùng đó vào chuột. Kết quả chuột bị chết. Không còn nghi ngờ gì nữa, Yersin chắc chắn là các con vi trùng kia là nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch nên ông công bố, đồng thời gửi về Viện Pasteur ở Paris một ít mẫu để thí nghiệm. Sau đó vài tuần phòng thí nghiệm ở Paris hoàn toàn xác nhận kết quả của Yersin. Trong khi đó chính quyền Anh còn hoài nghi vì đội của bác sỹ Kitasato cũng công bố là đã nhận dạng con vi trùng nguyên nhân của bệnh dịch hạch.

Sau khi tìm ra vi trùng là nguyên nhân của bệnh dịch hạch, thì bao lâu nữa mới có thuốc trị bệnh ?
Qua năm sau, 1895 dịch hạch tràn tới Quảng Đông. Yersin được gửi qua đó. Ông mang thuốc theo, vì thuốc đã được chế tạo tại Viện Pasteur ở Paris gửi qua. Kỳ này ông lại gặp một vấn đề nan giải khác, đó là làm sao biết được hiệu quả của thuốc trong khi đó thuốc chưa được thí nghiệm vào người. Cũng như lần trước ở Hồng Kông, lần này Yersin phải nhờ đến sự can thiệp của giám mục Chausse, người Pháp. Giám mục đưa Yersin tới thăm một con bệnh là y tá người Hoa. Yersin tiêm cho người y tá đó mũi tiêm đầu tiên, rồi mũi thứ hai, sau vài tiếng, tới mũi thứ ba. Sáng hôm sau thì người y tá khỏi hẳn. Kết quả : 23 người được cứu thoát khỏi tử thần. Vì không đủ thuốc để cung cấp cho các bệnh nhân nên Yersin phải trốn về Nha Trang.
Nhờ sự can thiệp của bác sỹ Calmette, chính quyền thuộc địa Pháp cung cấp cho Yersin một nông trại rộng 500 mẫu tây để lấy đất trồng trọt và nuôi thú vật cần thiết cho thí nghiệm và chế tạo thuốc ngay tại Nha Trang.

Ngoài ra tên tuổi của Yersin có được gắn liền với công trình nào khác không ?
Yersin cũng là người đầu tiên đưa cây cao su vào công nghiệp Đông Dương. Yersin còn sáng lập ra Viện Pasteur ở Nha Trang. Sau đó, toàn quyền Doumer nhờ Yersin sáng lập Viện Đại học Y khoa ở Hà Nội và làm Viện trưởng trong vòng hai năm (1902-1904). Yersin cũng là người khám phá ra khu đất xưa kia chỉ là trạm nghỉ mát của công chức cao cấp ở thuộc địa, rồi sau này trở thành thành phố Đà Lạt. Đến năm 1935, Trường trung học Đà Lạt được đổi tên là trường trung học Yersin. Chúng ta có thể tạm ngưng sự nghiệp của Yersin nơi đây. Năm 1943 ông từ trần ngày mồng 1 tháng 3 dương lịch, tại Nha Trang, thọ 80 tuổi. Di chúc cuối cùng của ông là được an nghỉ ở Suối Giao, cách Nha Trang 15 cây số. Thường dân ở đây theo nghề chài lưới, và từ trước đến giờ vẫn quý mến Yersin như một vị ân nhân và như người bạn kính yêu. Hàng năm đến ngày giỗ Yersin, dân chúng tới viếng mộ ông và bao giờ cũng đem theo hoa quả, hương nhang, và ... vài miếng phó mát "con bò cười" để cúng vong linh ông. Có làng còn tôn ông làm Thành hoàng của làng nữa. Sự kiện này chứng tỏ là truyền thống dân gian Việt Nam bao giờ cũng trọng kẻ có lòng bác ái, những ân nhân đã giúp họ trải qua những khó khăn của cuộc sống.

Lời giới thiệu trên đây về bác sỹ Yersin được rút ra từ cuốn sách của bà Elisabeth du Closel vừa được xuất bản mang tựa đề Docteur Nam. La fabuleuse histoire de l'homme qui soigna la peste, tạm dịch là "Bác sỹ Nam. Cuộc đời phi thường của người đã chữa khỏi bệnh dịch hạch".
Cuốn sách của bà Elisabeth du Closel được viết theo thể tiểu thuyết hóa tiểu sử của Yersin. Sách dễ đọc và thu hút độc giả. Tác giả tập trung vào giai đoạn 1892-1898, giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Yersin, tức là những năm đầu tiên Yersin sinh sống tại Nha Trang, và phiêu lưu từ cửa bể lên Cao Nguyên rồi băng qua Cao Mên bằng đường bộ. Vừa đi vừa tìm đường trong những khu rừng rậm đầy gian nan nguy hiểm trở. Cũng trong giai đoạn này Yersin đã khám phá ra vi khuẩn nguyên nhân của bệnh dịch hạch trong chuyến công tác ở Hồng Kông năm 1894. Không hiểu trước khi viết cuốn sách này, tác giả đã qua Việt Nam chưa nhưng khi đọc thì người ta cãm thấy rất gần gũi với các sinh hoạt của xã hội Việt Nam qua các hình ảnh, mầu sắc, tiếng động. Về phần tư liệu, dù không chuyên về Yersin, ta cũng có thễ nói là tác giả đã đọc qua các cuốn sách trước đây viết về Yersin, tất cả là ba cuốn. Quyển đầu tiên viết về nhà bác học Yersin được xuất bản năm 1955, và 30 năm sau mới lại có một cuốn sách khác viết về ông. Ngoài ra còn những bài báo viết về Yersin, như hai bài báo trên tờ Le Monde 1, và ba bài khác đăng trên tạp chí France-Asie từ năm 1953. Bà Elisabeth du Closel cũng nhẫn mạnh về cá tính của Yersin : Yersin có lối sống giản dị, thích gần gũi trao đổi với thường dân hơn là những người có quyền chức trong xã hội, ở Pháp hay tại Việt Nam cũng thế. Và điển hình là Yersin đã từ chối khóa giảng tại Viện Pasteur để đi phiêu lưu mạo hiểm khám phá những chân trơì mới lạ. Theo tác giả thì Yersin sợ ràng buộc nên đã chạy trốn tình yêu của Clara, một cô gái phi thường. Vì tình, Clara đã theo học để trở thành y tá rồi từ bỏ tất cả để qua Đông Dương tìm gặp lại Yersin ở Nha Trang. Nhưng khi Clara tới đây thì bác sỹ vừa ra Hà Nội rồi sang Hòng Kông. Rút cục hai người không gặp lại nhau và Clara phải đành trở về Pháp một mình. Nên nhắc lại là, một phụ nữ Pháp ở cuối thế kỷ trước dám qua Đông Dương một mình thì phải bác bỏ mọi thành kiến, đó đã là một chuyện phi thường rồi.

Theo tác giả, ngoài người mẹ của Yersin, nhân vật Chao trong cuốn sách là người gần gũi với Yersin nhất. Chao vừa là người thông ngôn cho Yersin, giúp đỡ Yersin những công việc trong nhà, và là người mà Yersin hoàn toàn tin tưởng. Yersin đi đâu thì Chao đi đó. Khi đọc xong cuốn sách của bà Elisabeth du Closel thì óc tò mò khiến người ta tự hỏi là cuộc tình duyên của Yersin còn gì nữa không. Tóm lại, tác giả gợi lại cho ta những trang sử đáng kính về cuộc đời và sự nghiệp của bác sỹ Yersin. Chính vì thế tác giả đã đóng góp để dành lại thế đứng và vai trò của Yersin hơi bị lu mờ trong nền y học, và nhắc nhở là Yersin đã tích cực đóng góp cho nhân loại tránh khỏi một tai hoạ có từ nghìn xưa.

Như thế thì cuốn sách của bà Elisabeth du Closel thú vị đấy. Nhưng tại sao dân vùng Nha Trang lại gọi bác sỹ Yersin là Ông Năm ?
Nhiều người tưởng rằng đây là cách gọi của người miền Nam : Năm là người con thứ năm trong gia đình. Nhưng Yersin chỉ có một người chị cả, là Emilie và một người anh là Franck. Thực ra theo một bài báo của bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng viết năm ngoái tặng các cựu học sinh trường Trung học Yersin và tưởng niệm đến bác sỹ Yersin, đăng trên tạp chí Le médecin du Viêtnam, thì Ông Năm là do chức vụ của Yersin trong thời kỳ đầu mới tới Việt Nam, hồi đó ông là bác sỹ quân y quan năm. Do đó người ta gọi Yersin là Ông Năm.

Hình như người Pháp thì nhận bác sỹ Yersin là người Pháp và ngưòi Thụy Sỹ cũng nhận ông là người Thụy Sỹ ...
Vấn đề hơi phức tạp đấy. Nhưng chỉ phức tạp đối với người khác thôi chứ đối với Yersin thì không có vấn đề gì cả. Thực ra tổ tiên của Yersin là người Pháp sinh sống ở miền nam, theo đạo tin lành. Dưới đời Louis XIV, những người theo đạo tin lành bị hành hung 2, nên gia đình tổ tiên của Yersin phải qua lánh nạn ở bên Thụy Sỹ và sinh cơ lập nghiệp tại đó. Sau này Yersin qua Pháp rồi đổi quốc tịch, lấy quốc tịch Pháp. Chắc có lẽ phải nói Yersin là người của cả nhân lọai thì đúng hơn.

Qua lời giới thiệu về bác sỹ Yersin vừa rồi, khi ông công bố đã khám phá ra vi khuẩn thì bác sỹ người Nhật Kitasato cũng công bố như thế, vậy ai là người thực sự nhận dạng con vi khuẩn này ? Về mặt y học, sự tranh chấp giữa Yersin và Kitasato bây giờ đi tới đâu ?
Thực ra sự tranh chấp về quyền hành và danh vọng là do bối cảnh lịch sử gây ra một phần. Hồng Kông là thuộc địa Anh và đối với họ, người Pháp là địch thủ trong trận chiến giành ảnh hưởng ở Á Châu. Một phần nữa là do tính ngạo mạn của bác sỹ Kitasato. Bản thân Yersin thì không bao giờ chú ý đến vấn đề này mà ông coi là không có gì hệ trọng so với sứ mạng cứu giúp nhân loại. Trên lãnh vực y học, vấn đề ai là người đầu tiên khám phá, nhận dạng ra vi khuẩn, nguyên nhân của bệnh dịch hạch thì còn kéo dài trong vòng 80 năm sau ngày công bố. Cho tới năm 1975, cách đây 20 năm, đội ngũ y học mới quả quyết xác định bác sỹ Yersin là người đầu tiên khám phá ra vi khuẩn của bệnh dịch hạch, và lấy tên của Yersin đặt tên cho vi quẩn 3. Phải nói là Yersin đã tìm ra vi khuẩn, nguyên nhân của bệnh trong thời gian kỷ lục là 6 ngày với các phương tiện rất đơn giản trong một túp lều tranh.

Thế là cuộc tranh luận đã được chấm dứt từ đó. Công trình và sự nghiệp của bác sỹ Yersin lớn lao như thế, sao ở Pháp tên tuổi của ông lại bị quên lãng trong một thời gian, cho tới gần đây hình như mới được khôi phục lại ?

Câu hỏi này chắc ta phải đặt lại với các nhà chức trách và đội ngũ y học Pháp thì mới hiểu rõ được.

Để chấm dứt chương trình giới thiệu bác sỹ Yersin và cuốn sách của bà Elisabeth du Closel, thì ta nên kết luận thế nào ?

Chúng ta có thể tạm kết luận là, trong thời kỳ người Pháp cai trị ở Việt Nam, lãnh vực mới lạ, tân tiến nhất do người Pháp phổ biến và xã hội Việt Nam tiếp thu không kháng cự, rồi được hưởng, là lãnh vực y học. Viện Pasteur ở Sài gòn chỉ được thành lập sau Viện Pasteur ở Paris vài năm. Sau đó lại có thêm Viện Pasteur ở Nha Trang. Tức là người Việt Nam đã được sống cùng với những kiến thức tân tiấn nhất thời đó về mặt y học, dẫu rằng chỉ một số rất ít được gần gũi thực sự. Điển hình là những công trình của bác sỹ Yersin.


; color="#fff">
Sommaire de la rubrique
Haut de page