Communications aux colloques

Communications aux colloques




Vài nhận xét về những trở ngại trên đường dân chủ hóa và phát triển ở Việt Nam
Vài nhận xét về những trở ngại trên đường dân chủ hóa và phát triển ở Việt Nam


Communication faite au colloque organisé à Liège les 7 et 8 août, 1999
par un groupe informel de Vietnamiens à l'étranger, avec la participation de deux chercheurs vietnamiens du Vietnam





Phát triển cái gì, Phát triển cho ai, phát triển để làm gì ?


Có lẽ đây là ba câu hỏi cốt yếu khi người ta đề cập đến vấn đề phát triển, và nếu khi người ta ý thức được tầm quan trọng của nó thì không thể nào người ta không phân tích những ưu thế cũng như những yếu điểm của chính mình. Tức là phải biết hiện tại tài nguyên của mình có những gì, mình có những phương tiện nào, mình cần những gì, phải thực hiện những kế hoạch nào đề đạt mục tiêu, và mục tiêu đó là gì. Và điều dĩ nhiên là những người có trách nhiệm định đoạt tình thế này phải là những nhà chuyên môn, những nhân viên nhiều kinh nghiệm thực hiện những dự án có quy mô nhà nước, những cố vấn có trình độ kỹ thuật cao. Nếu dự án phát triển phải thông qua các tổ chức quốc tế thì phải có những nhân viên quen thuộc với môi trường quốc tế, với xu hướng của thời đại. Chẳng hạn trong hiện tại vấn đề môi trường ngày càng được chú ý, lực lượng tranh đấu cho môi trường ngày càng mạnh, vấn đề ô nhiễm do kỹ nghệ và xe hơi gây ra trở thành nan giải, trong bối cảnh này ta nên phát triển theo xu hướng nào : xây cất nhà máy để sản xuất xe hơi hay hiện đại hoá các xí nghiệp sản xuất xe đạp ? Đó là hai chiều hướng hoàn toàn đối lập nhau về phương tiện, về mục đích cũng như về chiều hướng phát triển. Một bên thì cần đến những phương tiện kỹ thuật tới tân, tức là phụ thuộc nước ngoài về kỹ thuật ; phải có vốn đầu tư lớn tức là phụ thuộc vốn nước ngoài ; có xe nhưng hệ thống giao thông không theo kịp, tạo nên những rối loạn giao thông, tai nạn, v.v., đó là chưa nói đến cách lái xe ở Việt Nam là mọi người đều bất chấp luật giao thông. Trong khi đó xe đạp là phương tiện giao thông rất thuận tiện cho các thành phố trung bình như ở Việt Nam. Thị trường tiêu thụ xe đạp ngày càng mở rộng ở các nước kỹ nghệ. Các công chức cao cấp ở Hà Lan thậm chí cả bộ trưởng đi làm bằng xe đạp là chuyện bình thường. Đây không có nghĩa là dẹp bỏ hoàn toàn xe hơi nhưng chỉ dùng phương tiện này trong những trường hợp phải cần đến như cứu thương, vận tải, và nếu cần thì ngay cả trực thăng cũng phải dùng đến.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là phát triển không thể nào bỏ rơi yếu tố môi trường. Kinh nghiệm của phát triển cho thấy là càng phát triển thì môi trường càng bị phá hủy và ô nhiễm, và nếu cứ để cho phát triển vô bờ bến thì một ngày nào đó không xa, loài người sẽ không còn cả môi trường để sống. Trong khi đó chú trọng đến môi trường không đồng nghĩa với chống lại phát triển mà là phát triển theo chiều hướng khác, cũng có nghĩa là tiêu thụ khác đi - không có nghĩa là kém đi . Tài nguyên của lòng đất có hạn định. Không thể nào loài người của cả thế giới có thể một ngày nào đó có đủ tiện nghi, mức sống ngang hàng với các mức sống của người Mỹ hay người Âu Châu. Cái đó chỉ là ảo ảnh của những nước nghèo, chạy theo ảo ảnh đó là bước chân vào vòng phụ thuộc guồng máy phát triển do các nước phát triển cao kiểm soát và đặt quy luật. Chẳng hạn, nếu mọi người trên thế giới đều tiêu thụ như người Mỹ thì dự trũ dầu khí sẽ cạn chỉ trong vòng 11 năm [18]. Một vài con số khác có thể minh họa cho quan hệ Bắc-Nam, quan hệ và sự chênh lệch giữa các nước giầu và các nước nghèo :

Nợ của các nước đang phát triển [19]

Đầu thập kỷ 70 Cuối thập kỷ 70 1982 1990
dưới 100 tỷ $ 600 tỷ $ 732 tỷ $ xxxx


Theo báo cáo của Chương trình phát triển của LHQ (Programme de développement des Nations Unies) mới đây thì tài sản của ba nhà tỷ phú giầu nhất thế giới cao hơn tổng sản lượng của các nước chậm phát triển, và cao hơn tài sản của hơn 600 triệu người của các nước này ; khoảng cách thu nhập giữa 1/5 những người giầu nhất và 1/5 những người nghèo nhất trên thế giới là 30 lần năm 1960 và năm 1997 là 74 lần ; hàng ngày có tới 1500 tỷ $ được chuyển từ thị truờng tài chánh này tới thị trường tài chánh khác trên thế giới. Chi phí cho hai ngày nằm nhà thương ở Mỹ tương đương với thu nhập bình quân của hơn hai tỷ nông dân nghèo trên thế giới [20]. Còn về lãnh vực kỹ thuật thì Tổ chức quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ (Organisation mondiale de la propriété intellectuelle - OMPI) cho biết là giữa thập kỷ 90 thì ở Châu Phi 95 %, ở Châu Mỹ La Tinh 85% và ở Châu Á 70% các bằng phát minh thuộc quyền sở hữu của các tư nhân và các công ty lớn ở các nước kỹ nghệ cao, tức là hầu hết các hoạt động của đời sống ở các nước nghèo đều phụ thuộc các nước giầu [21].
Một lãnh vực có thể nói là rất quan trọng đối với bất cứ nước nào đó là năng lượng. Một câu hỏi rất đơn sơ là nên dồn tất cả tài nguyên nhân lực vào một nguồn năng luợng chẳng hạn như dầu khí hay nên đa dạng hóa các nguồn năng lượng? Nếu chỉ cho phát triển một nguồn, vì một lý do nào đó nguồn này bị trục trặc thì nó sẽ làm tê liệt tất cả các guồng máy phụ thuộc vào nguồn năng lực này, đó là chưa nói đến tình trạng chiến tranh. Một nhà máy hạt nhân cung cấp điện cho cả nước hơn hay mỗi một đơn vị hành chánh hoặc mỗi một làng việt nam có nguồn năng lực riêng tùy khả năng và tài nguyên của mình hơn ? Nếu phát triển được đi đôi với dân chủ như nhiều người mong muốn [22], thì tất cả những vấn đề quan trọng - và phải định nghĩa rõ ràng thế nào là một vấn đề quan trọng - liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân thì người dân có quyền định đoạt cho tương lai của mình. Nhìn qua hệ thống cung cấp năng lượng của một nước ta có thể thấy óc sáng suốt của giới lãnh đạo và trình độ dân chủ của nước đó tới đâu. Trong kỷ nguyên mới này, năng lượng sẽ càng ngày càng được đa dạng hóa nhờ khoa học và kỹ thuật đã khám phá và đã sản xuất đuợc năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau như năng lượng mặt trời, của gió, của thủy triều, của lòng đất, v.v. Vấn đề lựa trọn năng lượng thật là quan trọng vì đó là lựa trọn tương lai cho cả một nước.

Những năm sau Đổi mới ở trong nước cũng có bàn luận về phát triển, các mô hình sẵn có. Giới khoa học cũng có tham gia và kiến nghị, cũng có người đã không ngần ngại tỏ bầy ý kiến của mình và phát biểu là Việt Nam phải đi tìm một hướng đi riêng cho mình. Tới đây thì các nhà chính trị có thẩm quyền hỏi lại ngay là : Hướng đi đó đã có ai đi chưa ? Nhà khoa học trả lời đại khái là : Chưa. Vì đó là con đường mới mà mình đang đi tìm. Nhà chính trị không chịu nổi tư thế gàn này nên cắt ngang cuộc thảo luận : Nếu chưa có ai đi thì mình đi làm gì ! Thế là tàn một giấc mơ cho tương lai, chỉ vì ngựa quen đường cũ. Người ta không dám rời bỏ bước chân của kẻ khác. Bởi vì lẽ đó, tương lai nhiều khi chỉ là quá khứ được lập lại trong môi trường khác mà thôi. Và nếu là kẻ đi sau thì đúng ra phải tránh được các lầm lẫn của kẻ đi trước [23] và nếu sáng suốt thì có thể biến những nhược điểm thành ưu điểm, đó cũng là một trong những nghịch lý của luật phát triển. Cuối thập kỷ 80 là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để suy nghĩ và lựa trọn cho mình một hướng đi riêng biệt. Thà phải mất một vài năm nghiên cứu và cân nhắc để có thể làm chủ tình hình còn hơn là chạy theo người khác để rồi sau này không biết mình sẽ đi về đâu, nhưng Việt Nam đã trọn vết lăn của bánh xe chạy trước, vết xe của Singapour. Không cần phải là những nhà thông thái mới biết là không thể nào áp dụng mô hình phát triển của Singapour vào Việt Nam một cách máy móc được, vì ít nhất hai lý do :

Ơ đây cũng thế, người ta có thể vay, mượn, mua, hay thuê những phương tiện kỹ thuật hay vật chất nhưng làm sao có thể vay mượn được tinh thần của một quốc gia khác ? Muốn có tinh thần nào đó thì không có con đường nào khác hơn là phải học hỏi lại từ đầu - tức là phải có cơ sở đào tạo, có chuyên viên, có các nhà giáo và có môi trường thuận tiện cho tinh thần đó được nẩy nở . Nếu chỉ đi lối tắt như Việt Nam thì chắc là thành quả cũng sẽ bị tắt. Ơ quy mô hay mức độ nào cũng thế, nếu mình lười suy nghĩ thì chắc chắn là sẽ có kẻ khác suy nghĩ hộ mình. Và khi những suy nghĩ đó được thành hình thì liệu còn đủ thời gian để trở tay hay không ? Nếu Việt Nam không chú ý đến bối cảnh của thời đại như đã được nêu ở trên thì chắc là con đường phát triển ở Việt Nam sẽ chệch hướng và tôi có cảm tưởng là Việt Nam đã đi chệch hướng từ nhiều năm nay rồi.



N. V. Ký, 11 juin 2009.




Chú thích

[18]. Carfantan J-Y., Condamines Ch., sđd, tr. 189.

[19]. Đầu thập kỷ 80 René Dumont đã lên án các món nợ này vì cho là đó chỉ là hậu quả của các cuộc trao đổi buôn bán bất bình đẳng, một phần của những cuộc cướp bóc hợp pháp. Xem :

Dumont R. & Mottin M.-F., Le mal-développement en Amérique latine, Paris, Editions du Seuil, Coll. Points-Politique, 1982, 281 tr.

[20]. Carfantan J-Y., Condamines Ch., sđd, tr. 189.

[21]. Maréchal J.-P., « Quand la biodiversité est assimilée à une marchandise », trong Le Monde Diplomatique, juillet 1999.

[22]. Nhất là trong các thập niên 80 và 90, nhiều nhà chính khách như cố tổng thống pháp François Mitterrand thường nhắn nhủ các nước thiếu dân chủ như Việt Nam là phải gắn liền dân chủ với phát triển và theo luận điểm này thì nếu thiếu dân chủ thì không thể nào phát triển được. Điều này không hẳn đúng lắm vì ngay cả một chế độ độc tài như Đức Quốc Xã cũng phát triển đáng kể trước Đệ nhị thế chiến.

[23]. Những nước nghèo có nên thèm thuồng những cảnh kẹt xe cả chục cây số ở các nước phát triển làm lãng phí năng lượng không ? Cũng ở các nước phát triển người ta chi phí rất nhiều để bảo vệ sức khỏe nhưng đến lúc chết vẫn phải một mình đối diện với bốn bức tường trong nhà thương.


Sommaire de la rubrique
haut de page