Communications aux colloques

Communications aux colloques




Vài nhận xét về những trở ngại trên đường dân chủ hóa và phát triển ở Việt Nam
Vài nhận xét về những trở ngại trên đường dân chủ hóa và phát triển ở Việt Nam


Communication faite au colloque organisé à Liège les 7 et 8 août, 1999
par un groupe informel de Vietnamiens à l'étranger, avec la participation de deux chercheurs vietnamiens du Vietnam



trait


Trước khi nhập đề tôi xin lưu ý cùng các anh, các chị và các "đồng tha hương" là bài tham luận này không mang đủ tính chất nghiên cứu chuyên ngành mà chỉ là một vài nhận xét chung về một vấn đề phức tạp đó là dân chủ và phát triển ở Việt Nam.
Điều thứ hai mà tôi muốn lưu ý với cử tọa là khi chúng ta là những người của thế giới nghèo nàn (nghèo nàn về vậy chất, nghèo nàn về tư tưởng, nghèo nàn về tự do, nghèo nàn về kiến thức, nghèo nàn về khoa học kỹ thuật cũng như nghèo nàn về khoa học xã hội và nhân văn, nghèo nàn cả về cả những hình thức giải trí, tiêu khiển) đề cập đến dân chủ thì không thể nào không dựa vào những thành quả cũng như những thiếu sót sơ hở của nền dân chủ tây phương để làm điểm tựa, vì dù sao đi nữa thì nền dân chủ cũng được thành hình ở Tây Phương trước khi trở thành một làn sóng có khả năng bành trướng trên toàn thế giới.

Cơ cấu hình thành của một nền dân chủ [voir postface]


Nhận xét đầu tiên của riêng tôi, trong khi đọc các bài viết bằng tiếng pháp liên quan đến đề tài này là trong ngôn ngữ việt nam thiếu cả đến từ ngữ để diễn đạt tất cả những ý tưởng tinh vi và tế nhị do sự phát triển của khái niệm dân chủ sinh ra 1. Cũng có thể là tôi không tìm ra các từ ngữ phải cần đến vì không phải là chuyên viên trong các lĩnh vực này (ngôn ngữ, luật...). Trong thập kỷ 20 khi Nguyễn An Ninh dịch cuốn Du contrat social của J. J. Rousseau có lúc phải cần đến cả ba từ ngữ tuy khác nhau nhưng tu bổ cho nhau là "dân ước", "dân quyền", và "dân đạo" để dịch từ social của tiếng pháp 2. Một tỷ dụ khác là chúng ta dùng cùng một từ "hiến chương" để dịch hai từ tiếng pháp khác nhau là constitution và charte (trong Charte des Nations Unies chẳng hạn). Sự phát triển của ngôn ngữ đi đôi với sự phát triển các lãnh vực của đời sống và các hoạt động trong xã hội. Nếu thiếu từ ngữ để diễn đạt ý tưởng thì liệu có phương tiện nào khác để thoát khỏi giới hạn này không ? Những khó khăn trong dịch thuật trong lãnh vực này cũng đã là một cản trở trên đường dân chủ hóa. Tưởng cũng nên cân nhắc lại hai khái niệm "dân chủ" và "phát triển" để biết nó hàm chứa những gì trong hiện tại. Dân chủ có thể là một yêu sách, một nhu cầu, hay là một giá trị được hình thành sau quá trình của nó. Sự tiến hóa của khái niệm dân chủ trong thời kỳ cận đại đã trải qua ba giai đoạn :

Nhưng trước khi trải qua ba giai đoạn này thì nền dân chủ phải được thực sự hình thành đã, và nó chỉ được hình thành nếu hội nhập đủ các yếu tố cốt yếu. Nhìn qua lại quá trình của các nền dân chủ tây phương thì các yếu tố đó gồm có :

Quá trình hoạt động của lực lượng này sẽ tạo ra những kinh nghiệm, những ý tưởng, những suy nghĩ, những hình thức tổ chức, những công cụ để giải toả những bế tắc, những phương thức điều hoà, v.v. Và điều cốt yếu ở đây là phải trọng tinh thần đối thoại và tranh luận bình đẳng, đối thoại để thuyết phục cho lẽ phải chứ không phải thuyết phục để tranh phần thắng về mình. Dĩ nhiên là ba yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau nếu không nói là chúng hoàn toàn lệ thuộc lẫn nhau : truyền thống dân chủ cao bao nhiêu thì lực lượng dân chủ mạnh và tư tưởng dân chủ được tôn trọng bấy nhiêu. Chúng ta có thể vay mượn tư tưởng của nước ngoài nhưng làm sao có thể vay mượn được truyền thống dân chủ của người ta ? Và nếu không có truyền thống thì làm thế nào để có lực lượng dân chủ ? Không có truyền thống thì làm thế nào để có kinh nghiệm dân chủ ? Và muốn có kinh nghiệm dân chủ thì phải có một môi trường thuận tiện cho các hoạt động dân chủ. Nếu nhìn dân chủ từ góc độ dân số thì theo thống kê năm 1989, người ta nhận thấy là lứa từ 0 đến 30 tuổi chiếm 35% dân số 4 , tức là số người sinh ra trước và sau vài năm đất nước thống nhất năm 1976, trong đó một phần bây giờ là giới trẻ. Lớn lên trong bối cảnh lịch sử Việt Nam mà chúng ta biết thì làm sao giới trẻ này được chứng kiến những hoạt động dân chủ. Tinh thần dân chủ đâu có cơ hội nào để ghi sâu vào ký ức của họ thì làm sao họ có thể khao khát dân chủ được, làm sao họ có thể trở thành những cái loa cho dân chủ được. Rút cục lại thì ở Việt Nam ý thức dân chủ chỉ có thể hấp dẫn lứa tuổi trung niên (50 tuổi trở lên) từng va trạm, từng chứng kiến các hoạt động dân chủ, hoặc đang thấm nhuần ý tưởng này trong quá trình tự tìm hiểu những tư tưởng chính trị trên thế giới.
Riêng đối với xã hội việt nam, những trang sử cận đại cho thấy là tranh đấu giải phóng dân tộc lại hình như dễ hơn tranh đấu cho dân chủ. Đương đầu với kẻ ngoại xâm hình như dễ thu hút người hơn đương đầu với chính mình. Có thể là mình dễ "thông cảm" với chính mình hơn, nên vấn đề liên quan đến dân chủ chỉ thu hút được một thành phần, một thành phần quá ít để trở thành một lực lượng. Như thế có phải là nếu có đủ lực lượng dân chủ thì nền dân chủ sẽ được thực hiện hay không ? Trước khi trả lời câu hỏi này chắc cũng nên tìm hiểu xem nguyên tắc của các hoạt động dân chủ ra sao và những hạn chế của dân chủ tới mức độ nào.


Cơ cấu hình thành và diễn biến của một nền dân chủ

Ngay từ thuở sơ khai, khái niệm dân chủ đã được các nhà hiền triết hy lạp gắn liền với khái niệm tự do và lấy tự do làm nền tảng cho dân chủ ; và một chính thể dân chủ chỉ có ý nghĩa khi nào chính thể đó đặt người công dân vào trung điểm, hay nói cho đúng hơn với ý nghĩa của hai từ dân chủ thì chính người công dân tự tạo cho mình một chính thể để chính thể đó phục vụ cho mình, tức là một chính quyền của dân và do dân (gouvernement du peuple et par le peuple) - tức là người dân nắm vai trò chủ động. Khỏi cần dài dòng về một chính quyền hay một chính thể có đủ khả năng đáp ứng được trọn vẹn lý thuyết và nguyên tắc dân chủ như thế thì chưa ở đâu có. Nhưng mọi người có hướng về cái lý tưởng đó hay không thì vấn đề đó hoàn toàn lệ thuộc vào sức mạnh nội bộ của từng xã hội. Riêng đối với xã hội việt nam, gia tài của nền quân chủ trong quá khứ và tài sản của chế độ thuộc địa không để lại một dấu vết nào khả quan có khả năng khuyến khích những người dân chủ nên đi theo con đường này. Về mặt quan hệ xã hội, Khổng giáo đâu cho phép người con đối thoại với người cha, người dân đối thoại với vua hay với chúa mà thay vào đó kẻ dưới phải phục tùng người trên. Nếu người con không đồng ý vì một lý do nào đó mà giám phát biểu ý kiến của mình thì được lãnh ngay một phần thưởng là ".... dám cãi lại .... ". Nếu gặp hoàn cảnh khó sử, bố mẹ thà từ bỏ con chứ không bao giờ chịu đối thoại với con. Người dân mà dám tỏ là mình bất đồng ý kiến tầng lớp cai trị thì sẽ được thăng chức thành "giặc". Với lối lập luận đó thì người ta dễ loại bỏ nhau hơn là tìm hiểu nhau. Trật tự xã hội như thế, đẳng cấp bất di bất dịch như thế thì làm sao còn có lỗ hở nào để đón nhận những luồng không khí mới từ bên ngoài vào ? Cho tới ngày hôm nay nếu người dân có bất đồng ý kiến hay phản đối những bất công bằng cách "xuống đường" để may ra tiếng khua chân của họ thấu đến "Trời" thì họ sẽ bị coi ngay là thuộc thành phần nổi loạn, muốn đập đổ chính quyền và vì thế họ sẽ được đối đãi xứng đáng với truyền thống phi dân chủ. Lối xử thế đó dồn những ai còn tinh thần tranh đấu vào lối bí : phải lựa trọn một trong hai đường duy nhất là nổi loạn thật - cho xứng đáng với danh hiệu của người ta tặng cho mình, hoặc tự phản bội mình để cầu an. Nhận xét trên đây còn minh họa cho ta thấy những cách xử thế, xử lý, những thói quen, những tập quán, những nguyên tắc trong một xã hội dân chủ và trong một xã hội phi dân chủ khác biệt nhau thế nào. Đây không phải là đặc điểm của xã hội việt nam vì nhiều xã hội khác, ngay cả các xã hội tây phương thời Trung cổ cũng có những hình thức độc đoán tương tự, nhưng họ đã thoát ra được những kìm hãm đó, còn ta thì chưa.

Còn về góc độ tư tưởng hay thực tiễn dân chủ thì kể từ ngày Pháp chiếm Việt Nam đến giờ - sau một thế kỷ bị đô hộ và nửa thế kỷ độc lập, xã hội việt nam chưa từng được chứng kiến một hình thức dân chủ nào, mà ngược lại phải chịu đựng những thực tiễn, những tập quán cai trị phi dân chủ. Những người dân chủ đã bị chế độ thuộc địa pháp và tiếp sau đó là các chế độ độc tài loại dần khỏi vòng chiến. Trong một môi trường như thế thì làm sao có đủ mầu mỡ để vun bón cho những mầm non dân chủ. Chung quanh chúng ta, các nước láng giềng cũng không phải là những bức gương để ta soi, là những kinh nghiệm quý để ta học hỏi.

Như thế thì có phải là xã hội việt nam sẽ không bao giờ tiến tới dân chủ được ? Không hẳn như thế, dù tư tưởng dân chủ là thành quả của cả một quá trình lâu dài, nhưng nếu nhìn từ khía cạnh khác khiêm tốn hơn, thì người ta thấy rằng dân chủ hàm chứa nhiều phần tử khác mà xã hội nào không ít thì nhiều cũng nhạy cảm nếu không nói là được ký thác. Chẳng hạn như công lý, công minh, bình đẳng, bác ái, năng động, bất khuất, và riêng với xã hội việt nam tình người - hay tình nhân loại - cũng là một đặc điểm quý hoá 5... Nếu những đức tính này được tôn trọng và làm khuôn thước cho các quan hệ trong xã hội thì con đường dân chủ hoá còn chẳng bao xa. Có điều là, ở các xã hội dân chủ và trên mặt hình thức, những đức tính đó được cấu tạo thành những nguyên tắc trong quan hệ xã hội, còn trong xã hội việt nam thì đây là những đức tính của từng cá thể.

Về quan hệ giữa người dân và tầng lớp cai trị thì không một thể chế nào có thể công khai cấm người ta bình đẳng, thẳng tay đàn áp lẽ phải. Có thể lẽ phải của các thành phần xã hội không giống nhau, điều đó thì dễ hiểu, chứ chưa một chính quyền nào mệnh danh là đàn áp lẽ phải dù là một chính quyền độc tài, thô bạo. Cũng như một kẻ nào đó, dù có vô nhân đạo đến mấy đi nữa cũng không bao giờ tự nhận mình là vô nhân đạo một cách công khai, không bao giờ kẻ đó dám tự hào với mọi người mình là kẻ vô nhân đạo. Bởi thế con đường tiến tới dân chủ hoá có còn xa hay không là tùy thuộc vào óc sáng suốt của mọi người trong các quan hệ xã hội, nếu xã hội tự tay gạt bỏ sự sáng suốt đó đi để hướng về những lợi ích nhất thời, đối lập lại với lẽ phải thì xã hội đó dễ bị mua chuộc và rồi lệ thuộc, mất quyền tự trị nếu không nói là bị thống trị bởi những lực lượng bên ngoài ; vì những lực lượng này chỉ chờ đợi những cơ hội như thế để họ can thiệp vào nội bộ một cách công khai.

Như chúng ta đã nhận thấy là lực lượng dân chủ là một yếu tố không thể thiếu để một nền dân chủ được hình thành, và điều khó khăn đối với những người dân chủ là : đối diện với một đối thủ độc tài, nếu họ tôn trọng tinh thần đối thoại thì họ phải chứng kiến cảnh "nước đổ lá khoai" và ngược lại nếu họ cũng bất chấp tinh thần đối thoại như đối thủ thì thanh danh của họ sẽ bị tổn thương và sau đó thì khó mà thuyết phục kẻ khác rằng họ vẫn là người dân chủ. Mặt khác thì dân chủ có bao giờ là "lộc của thánh" đâu, nếu không là thành quả của một quá trình tranh đấu thì cũng là kết quả của sức ép từ bên ngoài, hoặc có thể là kết quả của cả hai tình huống đó. Những chế độ độc tài thường sợ dân chủ là phải thôi, vì dân chủ cũng còn là một hình thức đấu tranh chính trị công khai để dành quyền lực với nhiệm vụ tạo một xã hội công bằng, tức là lấy của người này phát cho người kia, vì tài sản hạn chế như đất đai chẳng hạn.

Nhưng dù sao đi nữa thì dân chủ không phải là liều thuống thánh chỉ cần uống vào là con bệnh sẽ khỏi hẳn, trị được bách bệnh trong giây lát, không phải là giải pháp có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người. Giới hạn của nó thì cũng quá rõ ràng trong các xã hội dân chủ tây phương. Trên lý thuyết, trong một xã hội dân chủ tự do thì mọi người đều bình đẳng nhưng trong thực tế thì vẫn "có những người bình đẳng hơn người khác" 6, tự do dân chủ đâu có xóa bỏ hết được những bất công. Nếu ở Việt Nam những người dân chủ khao khát có một tờ báo hay một nhà xuất bản tự do thì ở Tây Phương chuyện đó quá dễ dàng, vì tự do ngôn luận và tự do phát biểu, tự do kinh doanh được tôn trọng, nhưng không phải vì thế mà ai cũng ra được một tờ báo hay mở được một nhà xuất bản, vì sống được bằng hai nghề đó lại là chuyện khác. Mọi người đều có quyền phát biểu nhưng tiếng nói của một nhà lãnh tụ và tiếng nói của một người dân thường có bình đẳng không ? Tiếng nói là quan trọng, làm thế nào để có tiếng nói đã là một vấn đề, để cho tiếng nói đó có hiệu quả lại là một vấn đề khác phức tạp hơn mà chỉ có những giới chuyên môn nhiều kinh nghiệm như các nhà chính trị, các nhà báo, các cơ quan ngôn luận, v.v. mới có đủ phương tiện để tiếng nói của mình được vang vọng tới mọi nơi, mọi nhà. Còn một giới hạn nữa mà từ trước đến giờ người ta chưa tìm ra một phương pháp nào khác hơn để tránh tình trạng "cả vú lấp miệng em" do nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số gây ra. Mà ai cũng biết là đâu phải đa số là lúc nào cũng phải, và đâu phải thiểu số là lúc nào cũng đúng. Điều khó khăn là làm sao đo lường được cái đúng và cái phải của cả mọi người, lấy cái gì làm thước đo lường, đúng và phải cho ai và để phục vụ cái gì ?

Ông Maurice Godelier, một nhà nhân học pháp, có phân tích quyền lực thống trị (le pouvoir de domination) trong mối quan hệ giữa thành phần cai trị (les gouvernants) và thành phần bị trị (les gouvernés) trong một tập đoàn, một xã hội hay một nhà nước, tức là quyền lực của một nhóm người dùng để thống trị những thành phần khác, rằng : quyền lực đó được kết tạo bởi hai yếu tố : bạo lực (la violence) và sự thỏa thuận (le consentement) của giới bị trị với sự thống trị. Trong hai yếu tố này yếu tố quan trọng nhất không phải như người ta có thể tưởng là bạo lực mà lại là sự thỏa thuận. Không một quyền lực thống trị nào nếu chỉ dựa vào một trong hai yếu tố đó (bạo lực hay thỏa thuận) để cai trị có thể tồn tại lâu dài ; không có nền thống trị nào mà không dùng đến bạo lực ; bởi thế, một quyền lực mà chỉ dựa vào sự thỏa thuận là một ảo vọng, ngay trong cả các xã hội dân chủ cấp tiến, bạo lực vẫn là mối đe dọa thực sự khi hoàn cảnh cho phép. Muốn được tồn tại, quyền lực phải có đủ hai yếu tố nói trên, điều quan trọng là làm thế nào thỏa thuận với các thành phần xã hội về những thể hiển ( représentations) về xã hội - tập đoàn hay nhà nước. Tức là kẻ cai trị và người bị trị đồng chia xẻ một thể hiện chung (partager les mêmes représentations) rồi sau đó phân công mỗi người một phận sự : kẻ cai trị thì lo bảo vệ an ninh, trât tự, đảm bảo cuộc sống, và ngược lại muốn được hưởng những lợi ích này, kẻ bị trị phải đóng góp theo quy ước, phải tôn trọng trật tự xã hội. Sự thỏa thuận này không phải tự nhiên mà có mà là thành quả của văn hóa, của giáo dục, của quá trình đào tạo con người để họ có đủ khả năng tạo lại xã hội của họ. Đó là vài nét chính của cái mà Maurice Godelier gọi là "nghịch lý của sự hình thành hợp pháp của giới thống trị và nhà nước" (paradoxe de la formation légitime des dominants et de l'Etat) 7, và điều dĩ nhiên là dân chủ cũng không vượt ra ngoài quy luật này. Có điều là sức mạnh của dân chủ trong một xã hội dân chủ là nó được nhiều người hưởng ứng và sẵn sàng dấn thân để bảo vệ nó vì nó đã trở thành lợi ích chung của mọi người chứ không phải của riêng thành phần nào. Bởi thế nó huy động được nhiều năng lực và trở thành năng lực thúc đẩy những hoạt động của con người, những lãnh vực của đời sống ngày càng phát triển.

Tuy là một mô hình chính trị chưa hoàn hảo và phải được cải tiến - nhưng nếu không áp dụng nó thì làm sao mà cải tiến được ? - dân chủ đã đáp ứng phần nào những yêu sách của sự sống, của con người, của xã hội ; và trên thực tế thì nó có khả năng tồn tại xo với những mô hình khác đã bị quá thời hoặc không đáp ứng nổi những thách thức mới của thời đại. Chắc cũng bởi vì thế mà Liên Hiệp Quốc từ ngày thành lập đến gần đây mới thúc đẩy cộng đồng thế giới tiến tới dân chủ qua một quyết định vừa được thông báo 8. Kỷ nguyên mới sẽ còn nhiều thử thách đang chờ đón mọi người, và nếu xã hội việt nam không được chuẩn bị trước thì e rằng khó mà theo kịp những biến chuyển mới. Những thử thách lớn của ngày mai có thể liệt kê ra là những vấn đề liên quan đến lương thực, đến dân số, đến năng lượng, đến môi trường, đó là chưa nói đến những thách thức trường kỳ đối với một nước như Việt Nam là vấn đề biên giới. Tất cả những thử thách nêu trên có liên quan mật thiết với phát triển, nếu mọi người đều hiểu phát triển là phương tiện đem lại những tiện nghi hầu nâng cao đời sống và đảm bảo con người trong cuộc sống.



Postface.

Bài này đã được viết cách đây mười năm. Nếu phải viết lại thì chắc phần liên quan đến nguồn gốc của ý niệm và xã hội dân chủ phải thêm vài dòng cho đầy đủ. Nhưng thay vì viết lại hay viết thêm chúng tôi lưu ý các "lướt nhân" (internautes) trên internet bài tường thuật cuốn sách của Jack WEATHERFORD về người Mỹ bản địa và những gì chúng ta đã được thừa kế, trong đó có phần liên quan đến dân chủ. Hay nếu muốn đi xa hơn nữa thì tốt hơn hết là nên đọc cuốn sách của Jack WEATHERFORD bằng anh ngữ hoặc bản dịch tiếng pháp.


Chú thích

1 Chẳng hạn tôi không biết phải dịch thế nào cho đóng những ngữ đoạn pháp như: "démocratie sociale", "Démocratie libérale", "démocratie gouvernée", "démocratie gouvernante", v.v. xem bài của :
Georges Burdeau, "Démocratie", trong Encyclopaedia Universalis, CD-ROM version 4, 1998.

2 Nếu tôi không lầm thì cái tựa trong bản dịch tiếng việt - "Dân ước" - của Nguyễn An Ninh là phiên âm từ chữ hán sang. Tựa của bản dịch chữ hán lại lấy lại tựa của bản dịch tiếng nhật của Nakae Chomin (1847-1901). Vì khái niệm « social » không có trong tiếng nhật (và tiếng hán) nên Nakae Chomin phải dùng từ "dân" thay vào đó.

3 Xem bài của Georges Burdeau,  »Démocratie .... », sđd.

4 Tuy dân số từ đó đến giờ cã tăng lên tới hơn 75 triệu so với năm 1989 là 64 triệu, nhưng tỷ số này không thay đổi đáng kể.

5 Nhân tiện xin ghi lại đây một "bài học thuộc lòng" được học từ ngày còn nhỏ mà tôi không biết tác giả là ai, nhưng đáng được phổ biến cho những mầm non bây giờ :
Tình nhân loại
Sau một trận giao tranh ác liệt
Giữa sa trường xác chết ngổn ngang
Có hai chiến sĩ bị thương
Hai người hai nước hiện đương nghịch thù
Họ hai kẻ không cùng tổ quốc
Nhưng đã cùng vì nước hi sinh
Cả hai ôm ấp mối tình
Yêu thương đất nước gia đình quê hương.
Đêm dần xuống chiến trường sương phủ
Một thương binh hơi thở yếu dần
Trước khi nhắm mắt từ trần
Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng
Anh cởi áo đắp trùm lên bạn
Rồi tắt hơi thê thảm làm sao
Cho hay khác nghĩa đồng bào
Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều.

6 Orwell G., Animals farm, London,1948.

7 Godelier M., L'idéel et le matériel. Pensée, économies, sociétés, Fayard, Livre de poche, 1984, pp. 205- 215.

8 Promotion du droit à la démocratie. Résolution de la Commission des Droits de l'homme 1999/57. Quyết định này được 51 thành viên trong Ban nhân quyền bỏ phiếu thuận, 2 thành viên không bỏ phiếu, không có phiếu chống, khoá 57 ngày 27 tháng 4 1999.


Sommaire de la rubrique
Haut de page
Suite