Comptes rendus de lecture
Comptes rendus de lecture
Jack WEATHERFORD
Ce que nous devons aux Amérindiens. Et comment ils ont transformé le monde
(Những điều chúng ta thừa kế người Mỹ bản địa và họ đã biến đổi thế giới như thế nào)
Paris, Albin Michel, 1993, 301 p.
http://danco.org, 5 juin 2007; Huế Xưa & Nay, số 89, 9-10- 2008
TÂN THẾ GIỚI VÀ CỰU KHÔNG NHƯ NGƯỜI TA TƯỞNG
Giữa mỏ bạc Potosi ở Bolivi, Francis Drake (hải tặc của nữ hoàng Anh ở thế kỷ XVI),
làng Kahl ở Đức, khu di tích lịch sử Machu Picchu, khoai tây, thuốc kí ninh, bệnh giang mai,
cao-su, lá coca, khái niệm tự do, nền dân chủ và cuộc cách mạng kỹ nghệ, có mối liên hệ nào ?
Một câu hỏi thật lẩm cẩm ! Nhưng những ai đã đọc qua cuốn sách của Jack Weatherford
Indian givers. How the Indians of Americas transformed the World xuất bản năm 1988,
hay bản dịch tiếng pháp là
Ce que nous devons aux Indiens.
Et comment ils ont transformé le monde ("Những điều chúng ta thừa kế người Mỹ bản địa.
Họ đã biến đổi thế giới như thế nào"), thì sẽ không ngạc nhiên thấy câu hỏi này dù được đặt ra
một cách khiêu khích và ngộ nghĩnh nhưng nó không có ý để tiêu khiển.
Trong suốt khoảng 300 trang sách , tác giả mở cuộc điều tra lịch sử rất tỷ mỷ, cuộc điều tra
này được trợ lực bởi những cuộc du hành vòng quanh thế giới (như từ Cordoue tới Tombouctou ,
từ Vịnh Thunder ở Ontario tới các làng ven sông dọc theo dòng sông Amazon, từ bến Diré
trên dòng sông Niger đến Teli , từ Fargo ở tiểu bang Bắc Dakota tới Tayasal , v. v.,
và được hỗ trợ bởi sự kiểm tra do tác giả tự tiến hành về một vài sự kiện; chẳng hạn về
lao động trong một mỏ bạc ở Bolivi, tác giả đã viết những giòng như sau : « Những người
Mỹ bản địa tới mỏ sáng thứ hai và chỉ đến thứ bẩy họ mới ra khỏi mỏ. Mỗi người phải hoàn
tất trọng lượng đã quy định là mỗi ngày 1400 kí lô quặng. Họ cho vào cái giỏ chứa khoảng
gần 40 kí lô và khuân lên hành lang chính. Công việc này bắt buộc các phu mỏ phải đẩy
ay kéo cái giỏ đó qua các dẫy đường hầm quanh co chỉ đủ cho người ta chui qua, và sau
đó phải leo thang thẳng đứng cao chừng 15 mét để khuân lên đến đất liền. Trong thập kỷ
đầu của hệ thống khai thác này, năm đầu tiên 4/5 phu mỏ chết vì lao động cưỡng ép này.
Tôi gặp nhiều khó khăn trong di chuyển trong các dãy đường hầm dù không phải khuân vác
những giỏ quặng bạc khoảng 50 kí lô. Trong khi tôi leo thang để lên các tầng trên thì bùn
trong giầy của người leo trước tôi rớt xuống mặt tôi như nước thác. »
Phương pháp tiếp cận nghiêm khắc này lại vững vàng hơn với một thư mục phong phú xếp
theo chuyên đề, nên người đọc không ngừng khám phá ra những ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác về những trang sử hiện đại bị vùi sâu trong tiềm thức, bị quên lãng hay bị coi thường;
những sự thật chướng tai gai mắt vì nó va chạm đến các thành kiến, và ngay từ những trang đầu
người đọc đã bị thu hút ngay bởi những sự kiện được tạo dựng lại hay những chứng minh khó
mà phủ nhận được.
Nếu người ta đã tranh luận hay nghiên cứu nhiều về các lý do hay thời cơ lịch sử để Châu Âu
cất cánh được vào thế kỷ XVII, rồi đưa đến cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ sau, thì chưa có
giải thích nào được vừa ý. Tác giả đặt ra câu hỏi nguyên ý là : Tại sao không có cuộc cách
mạng kỹ nghệ ở Hy Lạp trong thời kỳ cổ đại trong khi đó người Hy Lạp có đầy đủ những kiến thức
về lý thuyết cũng như về thực hành ? Câu hỏi này cũng có thể đặt ra với thời kỳ La Mã,
người La Mã đã xây dựng biết bao nhiêu công trình và các vũ khí ? Người ta cũng có thể
đưa Trung Hoa vào danh mục này vì sự phát triển về kỹ thuật ở Trung Hoa đã rất cao ở thế kỷ XIII
mà không đưa đến một cuộc cách mạng kỹ nghệ. Nói một cách khác thì « điều gì xẩy ra
với thế giới khoảng từ 1700 đến 1800 để có cuộc cách mạng kỹ nghệ sau hàng ngàn năm
ở trong tình trạng ổn định về công nghệ, vì người nông dân không cảm thấy có gì thay đổi
trong cách điều khiển một nông trại ở Kahl từ năm 700 trước công nguyên và 1700 sau
công nguyên ? »
Đó là nhờ vào sự gặp gỡ giữa Châu Âu và Châu Mỹ mà thời cơ đã trở thành thuận tiện
cho bước nhảy vọt về mặt kỹ nghệ và tổ chức. Vàng và bạc mà người ta tìm ra được ở
Tân thế giới nhiều đến độ người ta có thể khai thác với dạng thật quy mô, nhiều đến nỗi trong 50
năm đầu của sự xâm chiếm Châu Mỹ, số lượng vàng lưu hành ở Châu Âu tăng lên gấp ba lần.
Số lượng sản xuất ở Mỹ gấp mười lần số lượng sản xuất trên toàn thế giới. Các nhà đoan
của vương triều ở Séville, cảng độc nhất ở Châu Âu được chính thức tiếp nhận những hàng hoá
từ Tân thế giới, đã ghi trong thời kỳ này là đã nhập 16 000 tấn bạc, tức là 3 tỷ 300 triệu đô la
tính theo giá bạc hiện thời; và người ta ước chừng hàng buôn lậu và cướp biển do các hải tặc
gây ra đã đem lại thêm khoảng 5000 tấn nữa; trong thời kỳ người ta "khám phá" ra Châu Mỹ,
toàn Châu Âu chỉ có 200 triệu đô la bằng vàng và bạc, tức mỗi đầu người là 2 $. Nhờ số lượng
vàng và bạc mới có này mà kinh tế tiền tệ đã chuyển bước qua dạng toàn cầu, vì số lượng
vàng bạc này được lưu hành từ Mỹ qua Âu rồi qua Á, Châu Á tiếp nhận một số lượng đáng kể .
Sự tràn ngập của số lượng bạc này đã tạo ra một thời kỳ lạm phạt kéo dài cả thế kỷ, và những
con đường thương mại xưa kia đi xuyên qua Châu Phi bị bỏ rơi, những thành phố như
Tombouctou trở nên tiêu điều. Dù sao đi nữa, đây chỉ là khía cạnh tiền tệ của vấn đề,
vì vàng và bạc có nhiều đến đâu đi nữa cùng không thể biến một nền kinh tế dựa vào tiểu
công nghệ thành kinh tế tư bản. Các khía cạnh khác được đề cập đến ở những chương khác.
Hiện nay người ta khó mà tưởng tượng được Châu Âu thiếu vắng khoai tây, trong khi đó
thì khi sản phẩm nông nghiệp này mới được nhập từ Tân thế giới thì người ta ruồng bỏ nó.
Một vài tôn phái theo giáo hội chính thống gọi nó là "cây của quỷ" và quy định rằng ăn khoai tây,
cà chua và đường là phạm tội vì các thức ăn này không được nói đến trong kinh thánh.
Phải đợi đến cuối thế kỷ thứ XVIII thì khoai tây mới bắt đầu bén rễ trong các thửa ruộng ở Châu Âu,
tuy thế người nông dân chỉ trồng khoai tây trong tình trạng bị cưỡng bức : Nữ hoàng
Catherine II của Nga và những vị ở ngai vàng khác bắt buộc họ phải trồng khoai để khỏi
bị chết đói trong các nạn đói kém, chiến tranh, dịch hạch, nạn thường xuyên như cơm
bữa trong giai đoạn đó. Cây lương thực này quả lợi hơn các loài ngũ cốc như lúa mì,
vì vào giai đoạn mọc lên thì ngũ cốc dễ trở thành nạn nhân của hạn hán, của sâu bọ,
côn trùng, chim chóc và các loài thú khác. Sau khi được gặt hái thì ngũ cốc còn đòi hỏi
nhiều giai đoạn chế biến rồi sau đó người ta mới được tiêu thụ : giã để tách chấu khỏi hạt,
chà cho trắng rồi sau đó phải xay ra bột. Còn về mặt nhiệt lượng thì khoai tây cũng bỏ xa lúa mì :
một mẫu tây trồng khoai tây có thể đem lại 7 triệu rưỡi calo trong khi đó thì lúa mì chỉ đem
lại được 4 triệu 2 calo, đó là chưa nói là trồng khoai tây đòi hỏi năng lượng ít hơn trồng lúa mì,
khoai tây có thể thu hoạch sau ba hoặc bốn tháng trong khi đó thì lúa mì đòi hỏi thời gian gấp đôi.
Năm 1750 dân số toàn thế giới ước chừng 750 triệu người, năm 1830 thì tăng lên đến 1 tỷ
và một thế kỷ sau lại tăng gấp đôi. Vai trò của khoai tây chắc không lạ gì trong sự gia tăng
chất lượng của thực phẩm. Hai chiến tranh thế giới có thể xẩy ra không nếu không có cái "củ"
nhập từ Tân thế giới vào ?
Dù sao đi nữa khi người Âu đặt chân đến Châu Mỹ thì những người nông dân trên giải núi Andes
đã sản xuất được 3000 giống khoai tây khác nhau, trong số đó có một giống mà người ta có
thể để được 5-6 năm sau khi đã được áp dụng phương pháp đông khô lạnh. Nếu người Ai-Len
mà theo kỹ thuật của người Mỹ bản địa là đa dạng hoá các giống khoai tây thì chắc họ đã thoát
khỏi nạn đói ở thế kỷ XIX do khoai tây bị bệnh.
Bây giờ chuyển qua các đề tài có tính cách tinh thần hơn là vật chất như là "tự do", "dân chủ".
Tác giả lưu ý người đọc là ý niệm "tự do" không có một lịch sử lâu dài ở Cựu Thế Gíới. Từ "tự do"
mà người ta dùng trong thời kỳ cổ đại phải hiểu là nó hàm ý trong hiện tại ý niệm chủ quyền của
một nước, một đô thị, một tập đoàn đối diện với một nước, một đô thị, một tập đoàn bành
chướng khác, chứ nó không có liên quan đến ý niệm tự do cá nhân. Ngược lại người ta
dùng từ này trong các trường hợp như kẻ nô lệ đuợc trả tự do, tức là kẻ đó không thuộc
quyền sở hữu của người khác nữa.
Tác giả đã viết những trang thật tuyệt vời về cách hoạt động thuộc dạng tự quản lý như
người ta thường dùng bây giờ : không có người nào kiểm soát tình hình, không có ai có quyền
hành trong một lễ hội, đám đông, nói một cách khác thì xã hội người Mỹ bản địa hoạt động
không cần lệnh, không cần có một bộ máy kiềm chế. Sự tôn trọng cá nhân và bình đẳng
là nền tảng của tổ chức xã hội không người điều khiển này.
Ở những vùng mà người Tây Ban Nha chưa tiêu diệt những xã hội bản địa, không phải vì lý do
nhân đạo mà vì xa những nơi họ chiếm đóng, những nhà quan sát từ Cựu Thế Giới tới đều
rất bàng hoàng trước cái tự do cá nhân của người Mỹ bản địa và điều đặc biệt là không
có người thay mặt luật pháp, không có giai cấp xã hội dựa vào quyền sở hữu và sự giầu sang.
Đây là lần đầu tiên người Pháp và người Anh phát hiện ra là người ta có thể sống trong hoà hợp
và thịnh vượng mà không cần đến quyền hành của một vị vua chúa nào. Chính những bài
tường thuật như trên từ Tân Thế Giới đã gây ảnh hưởng ngay từ thế kỷ XVI đến những
bài viết về chính trị và triết lý ở Cựu Thế Giới. Cuốn "Không tưởng" (
Utopie) của Thomas More
mà nền tảng của nó là công bằng xuất phát từ vô tiền tệ là một minh họa mà đến bây giờ
người ta vẫn còn nhắc đến.
Tiếp xúc với người Âu, người Huron trách họ là « vì ham đồng tiền mà phụ nữ Âu bán thân
cho những kẻ dâm dục và đàn ông bán mình cho các đội ngũ mà những kẻ cầm đầu thì tham lam,
dùng họ để bắt kẻ khác làm nô lệ. Theo người Huron thì người Âu đã mất đi tự do vì đã tận dụng
cái "của tôi", "của anh". Louis Armand de Lom d'Arce, nam ước Lahontan, đã tường thuật lại
đoạn sau này đầy ý nghĩa về tự do và sở hữu : «
Chúng tôi sinh ra đều là anh em, tự do,
và hoà hợp, một người Huron nói như thế, không ai là lãnh tụ của ai cả, trong khi đó các
anh đều là nô lệ của một người. Tôi là chủ cái thân của tôi, tôi muốn làm gì thì làm với
chính tôi, tôi là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng của nước tôi. Tôi chỉ phụ thuộc
đấng tối cao thôi ». Đề tài về Tân Thế Giới và những tộc người bản địa rất thịnh hành,
ông nam ước Lahontan nổi tiếng khắp nơi sau khi hai cuốn sách của ông
Nouveaux
voyages en Amérique septentionale (Những chuyến viễn du mới ở Bắc Mỹ) và
Dialogues avec un sauvage (Đối thoại với một người rừng rú) xuất bản ở La Haye năm 1703,
nổi tiếng đến nỗi các nhà soạn kịch dựa vào đề tài đó để soạn các vở khác cho mình như
tác giả Deslile de la Drevetière đã soạn vở
L'Arlequin sauvage. Kết thúc của vở kịch này là vai
Violette, thiếu nữ Paris, mê anh Mỹ bản địa và trốn theo anh ta về Mỹ, sống xa đồng tiền và luật pháp.
Vở kịch này đã có ảnh hưởng lớn với tâm hồn Jean-Jacques Rousseau ngày còn trẻ,
và năm 1742, triết gia này cũng viết một vở kịch hát với đề tài sự phát hiện ra Châu Mỹ
với vai chính là Christophe Colomb, tay cầm kiếm và hát cho người Mỹ bản địa điệp khúc
"Tự do đã mất". Chúng ta chính đang ở Thế kỷ Ánh sáng, "
ánh sáng phần nhiều là từ các bó
đuốc tự do của người Mỹ bản địa không ngừng cháy trong giai đoạn ngắn từ khi người Âu tới
Mỹ cho tới khi những người Mỹ bản địa bị tiêu diệt. Người Mỹ bản địa và đặc biệt là người
Huron trở thành "người rừng tử tế" (noble savage/bon sauvage), kẻ có tự do, sống với
"trạng thái thiên nhiên"". Trong khi chỉ một vài người Âu chọn con đường của Violette bỏ xứ
sở của mình để sang Châu Mỹ sống thì có những người khác bắt đầu suy nghĩ để làm cách
nào thay đổi Châu Âu, đưa một vài ý niệm tự do vào thế giới của họ. Hầu hết các dự án là có
vai trò của cách mạng để xoá bỏ nền quân chủ, tầng lớp quý tộc hay Giáo hội, và đôi khi xoá
bỏ cả hệ thống tiền tệ và sở hữu.
Về khía cạnh này thì phải nhắc đến vai trò của Thomas Paine. Thomas Paine tới
Philadelphie/Philadelphia năm 1774 để gặp Benjamin Franklin, một trong những người đi dựng
nước Mỹ đồng thời cũng là người đã ký vào ba văn bản cơ bản của Hoa Kỳ đó là Tuyên ngôn độc lập,
Hiệp ước Paris và Hiến chuơng. Thomas Paine chú ý đến người Mỹ bản địa, và trong giai đoạn
chiến tranh giành độc lập, Thomas Paine được cử làm bí thư của các đại biểu đi thương lượng
với người Iroquois. Kinh nghiệm này khiến Thomas Paine học tiếng của tộc người này và
tìm hiểu cách vận hành của xã hội họ, và đối với Thomas Paine thì xã hội người Iroquois
là một mô hình xã hội có thể lấy làm gương. Thomas Paine cũng là người Mỹ đầu tiền
đòi xoá bỏ chế độ nô lệ, và sau này là người đưa ý kiến dùng thành ngữ "United States
of America" làm tên gọi cho nước Mỹ vừa được thành lập, theo mô hình của
"Liên minh những tộc người Iroquois" (Ligue des Iroquois) gồm sáu tộc người khác nhau.
Mô hình Liên bang này được chính một nhà lãnh đạo Iroquois, Canassatego,
góp ý trong một phiên họp giữa người Anh và người Iroquois tháng 7 năm 1744 tại
Pennsylvanie. Năm 1787 Thomas Paine trở lại Châu Âu để
"mang đến tia sáng của người Mỹ bản địa về tự do". Nước Pháp ban cho
Thomas Paine là công dân danh dự và đề nghị Thomas Paine làm dân biểu để đóng góp
vào sự soạn thảo cho bản Hiến chương được hoàn hảo. Nhưng khi Napoléon lên nắm chính
quyền thì Thomas Paine cảm thấy mình bị phản bội rồi trở về Mỹ. Dù sao đi nữa khi Thomas
Paine qua đời năm 1809 thì "người Mỹ bản địa đã đi vào tư tưởng âu châu như một mô hình về tự do".
Benjamin Franklin cũng không kém về lãnh vực này. Có óc hiếu kỳ nên Benjamin Franklin đã học
tiếng và tìm hiểu về văn hoá của các tộc người Mỹ bản địa, sau khi đã in, với tính cách là nhà in
chính thức của khu dân cư Pennsylvanie, những bài phát biểu trong các hội đồng
của họ và các cuộc thương lượng. Sự gần gũi với người bản địa tạo cho Benjamin Franklin một
thế đứng là Uỷ viên về người Mỹ bản địa trong chính phụ của bang này. Suốt đời Benjamin
Franklin là người bênh vực cho cơ cấu chính trị của người Mỹ bản địa và cụ thể là của người
Iroquois; khi phát biểu năm 1754 tại quốc hội Albany, Benjamin Franklin
yêu cầu các đại biểu của các khu dân cũ Anh hãy đoàn kết lại và noi gương "Liên minh những tộc
người Iroquois", nhưng 30 năm sau lời yêu cầu này mới được để ý đến và thực hiện : lời đề nghị
này giải toả được vấn đề đặt ra với các người cha lập nước Mỹ đang có nhiệm vụ soạn bản
Hiến chương là nó đáp ứng sự đòi hỏi của 13 tiểu bang đầu hợp lại thành Liên bang.
Thế là mô hình Liên bang ra đời, nếu về mặt lịch sử, Hoa Kỳ có bản quyền về mô hình này
như sử gia Henry Steele Commager tuyên bố thì "
chính người Mỹ bản địa đã sáng lập ra nó".
Một trong những luận đề rất thú vị của tác giả đưa ra, luận đề có thể gây náo động với
một vài giới trí thức âu tây, là nền dân chủ mà chúng ta biết được bây giờ là di sản của
người Mỹ bản địa, đặc biệt là của người Iroquois và người Algonquian, hơn là di sản của
những người Anh di cư hay của lý thuyết chính trị Pháp, hoặc của người Hi Lạp hay La Mã
mặc dầu họ đã hết sức cố gắng. Và tác gỉ đả đưa ra những lý lẽ khó mà bác bỏ :
- mặc dầu nền
dân chủ đã là một hiện thực nào đó ở Hi Lạp cổ đại, nhưng người Hi Lạp không có những thể
chế dân chủ bền vững, và nhất là làm sao một xã hội được gọi là dân chủ trong khi đó cơ cấu
của nó là chế độ nô lệ, điều không thể đi đôi với một xã hội dân chủ ? Ngược lại thì xã hội iroquois
không có nô lệ và hoàn toàn dân chủ và bình đẳng ;
- dù ở Châu Âu
người ta có hùng biện thế nào đi nữa, vào thế kỷ XVIII (chưa nói là trước đó) không đâu có dân chủ cả.
Thế thì sao người Âu có thể truyền bá ý niệm dân chủ được vì họ có biết đến đâu ?
Họ toàn là những người di cư từ các nước cai trị bởi những vua chúa ít nhiều bạo ngược,
độc quyền. Trong thời kỳ chiến tranh độc lập ở Mỹ, thì ở Anh chỉ 1/20 người có quyền bầu cử,
ở Ê-Cốt 3000 người, ở Ai-Len người công giáo không được hành đạo của mình và không
có quyền bầu cử, một thành phố như Amsterdam được cai quản bởi một hội đồng chỉ
gồm 36 thành viên, mà chức vụ này chỉ qua con đường cha truyền con nối. Ở những nơi người
Âu đi chiếm đóng và trở thành thuộc địa của họ chẳng nơi nao có tia sáng dân chủ cả.
Và nếu cần thì người ta có thể đưa ra nhiều lý lẽ khác.
Quả thật đây là một công trình đáng kể và nghiêm túc về lịch sử tư tưởng. Trong cuốn sách này
tác giả tỏ lòng cảm phục các xã hội mỹ bản địa đã bị tàn sát bởi các cuộc xâm chiếm, để khôi phục
lại sự thật đã bị chuyển hướng. Đó cũng là công nhận cái gia tài phong phú về vật chất cũng như
về tinh thần mà các người Mỹ bản địa đã để lại cho các xã hội hiện đại của chúng ta, mà nếu
không thì chưa chắc chúng ta đã ở địa vị hiện tại về các lãnh vực tiến bộ về kỷ thuật và văn minh.
Chúng ta có thể nói theo tác giả là chúng ta còn phải học hỏi nhiều với những người Mỹ bản địa
nếu chúng ta muốn trở thành những con người thực sự văn minh, không như những kẻ dã man
dùng bạo lực để thoả mãn những tham vọng vủa họ. Sự xâm chiếm Irak từ năm 2003 đến nay
bởi những con cháu của những người đã từng xâm chiếm Châu Mỹ ở vài thế kỷ trước, như gợi
cho ta biết rằng chúng ta chưa loại bỏ được cái dã man, mà còn phải cần nhiều nỗ lực về mặt
nhân bản mới có thể tiến tới một xã hội bình đẳng, không nhà tù, và không thể chế cưỡng bức và
đồng thời mọi người đều được tự do no ấm như cuộc sống của những người Mỹ bản địa,
mà họ chỉ là những kẻ đã thua trận trong lịch sử.
Notes :
Sommaire de la rubrique
|
Haut de page
|