Publications

Publications




A r t i c l e s

A r t i c l e s




Ce texte est paru dans le journal Diễn Đàn, n°63, mai 1997.

Vụ Boudarel và những ám ảnh của nền thuộc địa Pháp


Bản tiếng pháp (Version française)


Ngày 4 tháng tư vừa qua tại toà án tiểu hình ở Paris có phiên toà về vụ Boudarel sau vài lần bị hoãn lại vì lý do trình tự. Kỳ này Boudarel bị nhóm đối thủ của ông kiện lại là đã tố cáo bằng vu khống họ (dénonciation calomnieuse). Kể cũng nên nhắc lại những điểm chính và bối cảnh lịch sử của vụ án này.

Năm 1948 Ông Boudarel bước chân tới Sài Gòn sau khi dự định đi Madagascar không có kết quả. Trong giai đoạn này ông ta chỉ muốn qua một nước thuộc địa Pháp để thỏa chí tang bồng 1. Tới Sài Gòn, ông mới phát hiện ra thực chất của xã hội thuộc địa là cái hố sâu ngăn cách người Pháp thuộc địa và những người bị đặt dưới quyền cai trị của họ là người Việt. Chán ngấy với tình trạng đó nên ông ta đã liên lạc với "Nhóm Văn hoá mác-xít Pháp" qua sự giới thiệu của Đảng cộng sản Pháp. Chiến tranh Đông Dương đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Boudarel từ bỏ chức vụ giáo sư tại trường trung học Marie Curie để đi theo kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo, và tập kết ra Bắc bằng đường bộ. Ông ta không ngờ rằng sự quyết định này sẽ làm ông ta điêu đứng bốn mươi năm sau mặc dầu là ông ta đã bị toà án quân đội Viễn chinh sử án tử hình vắng mặt vì tội phản bội tổ quốc đi theo địch. Trong giai đoạn kháng chiến ông Boudarel hoạt động tại đài phát thanh kháng chiến rồi sau đó chuyển qua lãnh vực địch vận với phận sự tuyên truyền và cải tạo các tù binh Pháp tại trại 113 dưới quyền chỉ huy của trại trưởng là đại tá Nguyễn Văn Phương 2. Dĩ nhiên là trong bối cảnh của trại tù binh ngày đó thì có nhiều binh lính Pháp đã phải bỏ mình. Vì nhiều lý do, mà lý do chính là điều kiện vật chất quá thiếu kém và quá đơn sơ không đủ thuốc men để phục vụ các con bệnh sống trong một môi trường thiên nhiên độc nhiều thử thách như miền ngược.

Sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc và nước Angiêri dành lại được độc lập thì tất cả những ai dính dáng đến hai cuộc chiến này đều được chính phủ Pháp ân xá theo một sắc luật ban hành năm 1966. Nghe được tin đó thì ông Boudarel yên chí trở lại Pháp năm 1967 và sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư sử học tại trường đại học Paris 7 từ năm 1970 đến năm 1991. Vụ án Boudarel đầu tiên vừa xẩy ra (tháng 2 năm 1991) nên bộ trưởng bộ Giáo dục Pháp Lionel Jospin lấy cớ là Boudarel vừa tới tuổi về hưu để cưỡng bách ông phải rời ghế đại học. Vụ án này chính do nguyên thứ trưởng bộ Cựu chiến binh Pháp Jean Jacques Beucler đồng thời cũng là cựu tù binh của Việt Minh tại trại số 1 dành cho sĩ quan 3, mưu toan nhưng ngay sau đó thì rút vào bóng tối để cho một cựu tù binh của trại 113 là Wladislav Sobanski và Hội cựu tù binh ở Đông Dương (ANAPII - Association nationale des anciens prisonniers internés d'Indochine) làm đơn kiện Boudarel là đã phạm tội chống nhân loại ("crime contre l'humanité"). Năm 1992 toà án đã bác bỏ đơn kiện này vì hai lý do chính :
- Tội chống nhân loại cho tới ngày hôm nay chỉ được áp dụng cho Đức Quốc Xã phát xít và các nước như Nhật Bản và Ý theo quyết định của toà án Nuremberg xử những phạm nhân chiến tranh (criminels de guerre) những năm 1945-1949 ;
- Boudarel đã được ân xá năm 1966.
Toà Phá Án (Cour de Cassation) cũng đã xác nhận ngày 1 tháng tư năm 1993 sự quyết định này của toà án. Nhưng trong thời gian phe đối thủ còn đang chống án thì ông Boudarel đã kiện lại họ với tội tố cáo vu khống (dénonciation calomnieuse). Hai năm sau, theo lời khuyên của luật sư Serge Lewish 4, Boudarel rút đơn kiện vì ông ta không muốn làm cản trở mối quan hệ Pháp-Việt mà ông ta coi là điều quan trọng hơn vấn đề cá nhân. Đến đầu năm 1996 thì toà án tuyên bố là miễn tố (non lieu) 5 vớí lý do là Boudarel không vì vụ kiện do đối phương tấn công lần đầu mà bị thiệt hại về mặt luật pháp (tức là bị kết án) cũng như về mặt nghề nghiệp vì ông ta đã được ân xá từ trước rồi. Vài tháng sau nữa thì đối phương của ông lại kiện lại lần nữa là Boudarel đã tố cáo vu khống họ vì thế ông ta lại phải ra hầu toà ngày 4 tháng tư vừa qua. Kỳ này đối phương chỉ đòi 1 F danh dự. Trong phiên toà này thì đã có một cuộc tranh luận giữa hai bên qua trung gian của hai luật sư : Serge Lewish biện hộ cho Boudarel và Varraut cho đối phương. Trước khi đi vào cụ thể thì ông chánh án nhường lời cho Biện lý thay mặt bộ Pháp lý. Ông biện lý trình bày lại bối cảnh, diễn biến và trình tự của vụ này và gợi ý là không biết vụ án này có đủ điều kiện để toà án chấp nhận xử hay không (l'éventuelle irrecevabilité de la plainte). Đây là vấn đề trình tự. Ông chánh án có hỏi Boudarel một vài câu rất ngắn gọn và cụ thể như : "Nguyên nhân nào đã khiến ông rút đơn kiện ?" và "Ông có biết là khi đã được ân xá thì ông sẽ không bị kết án lại hay không ?". Về câu hỏi thứ nhất thì Boudarel trả lời như trên đã trình bày, còn về câu hỏi thứ hai thì Boudarel trả lời là có biết. Ngườì chủ tịch Hội cựu tù binh có mặt trong phiên toà là đại tướng Bruneau, có nói là "Chúng tôi không cần gì nhiều chỉ cần Boudarel có lời sám hối với những hành động của ông ta là đủ. Nếu không thì chúng tôi sẽ đi tới cùng ... vớí sự giúp đỡ của toà án" (On ira jusqu'au bout... avec l'aide du tribunal). Và ngay sau đó thì đại tướng Bruneau chất vấn trực tiếp Boudarel là có hối hận những hành động của ông ta hay không. Ông chánh án cũng hỏi lại Boudarel câu hỏi này và nhấn mạnh là Boudarel phải trả lời là "có" hay "không". Boudarel trả lời là : "Nếu câu hỏi đặt ra như thế thì tôi trả lời là không".

Luật sư Serge Lewish cũng có lưu ý toà án về tình trạng an ninh của Boudarel không được bảo đảm từ khi vụ kiện xẩy ra lần đầu năm 1991 vì các phần tử của khối cực hữu thường viết lên tường nhà khu ông Boudarel ở những lời đe doạ và nhục mạ ông ta. Trước ngày phiên toà (04.04.97) vài ngày có người tới phát cho những người hàng xóm của Boudarel tại năm toà nhà, bài báo đăng trên National Hebdo nói về vụ này một cách xuyên tạc và phỉ nhổ, và có ghi rõ địa chỉ của Boudarel. Còn phía luật sư Varaut thì coi Boudarel như là một thủ phạm của khối cộng sản và đại khái tự hỏi là "tại sao những thủ phạm của khối Nazi bị kết án trong khi đó thì những người cộng sản có tội lại được che chở. Tại sao lại có sự bất công minh như thế ?" Đây là lời lên án ngầm thúc đẩy toà án coi Boudarel ngang hàng với những tội phạm đã tiếp tay cho Nazi như Paul Touvier, Maurice Papon, thậm chí ngang hàng với Klauss Barbie. Sau hơn hai tiếng đồng hồ biện luận thì ông chánh án quyết định là ngày 9 tháng 5 tới sẽ có phiên toà để xử và trong phiên toà này có thể toà án sẽ nêu vấn đề là vụ kiện này có được chấp nhận hay không ("l'éventuelle irrecevabilité de la plainte"). Nếu trong phiên toà tới này toà án bác bỏ không chấp nhận vụ kiện thì rất có thể là đối phương của ông Boudarel sẽ chống án (faire appel) và sau đó lại đưa vụ kiện này tới toà Phá Án (Cour de Cassation), có nghĩa là vụ này chưa hẳn sẽ xong sau phiên toà ngày 9 tháng 5 tới.

Đây là một vụ kiện rất lôi thôi rắc rối liên quan đến một giai đoạn lịch sử cận đại của hai nước Pháp và Việt Nam về vấn đề tù binh, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận là dư luận Pháp theo rõi rất ít vụ kiện này trong giai đoạn sau, trừ tờ Figaro và một vài tờ báo khác của phái cực hữu, không như đoạn đầu mà cả làng báo Pháp đã biến Boudarel thành kẻ phạm nhân, kẻ tra tấn rồi kẻ nhồi sọ tù binh Pháp đến chết. Người ta cũng có thể nói rằng nếu vụ kiện Boudarel được thành hình và gây tiếng vang một thời gian là nhờ vào sự hậu thuẫn của các đảng phái cực hữu và sự đầu hàng của các phe tả về vấn đề này. Boudarel từ ngày rời bỏ hàng ngũ cộng sản thì không còn là người của đảng phái nào cả nên phe đối phương dễ dàng vung kiếm tấn công.

Phía Pháp đã có ai nhìn nhận và làm sáng tỏ điều kiện tù đày của những tù binh Việt Minh bị bắt giữ chưa ? Tại sao ông Boudarel phải lãnh tội của cả cuộc chiến và những hậu quả không lấy gì làm hãnh diện cho ai ? Boudarel có phải là kẻ chủ mưu tàn sát và tra tấn tù binh Pháp hay không ? Nếu chỉ riêng tội phản bội tổ quốc, và điều này cần phải suy luận và đánh giá thêm, thì Boudarel có phải là người độc nhất từ trước đến giờ hay không trong các cuộc chiến giữa Pháp và các nước khác ? Có điều là ngày xưa Boudarel vừa theo cộng sản vừa rời bỏ những lập trường thuộc địa thực dân Pháp nên những kẻ mang đầu óc quốc gia quá cao và chống cộng không thể nào nào tha thứ cho Boudarel được. Phần nữa thì dư luận Pháp nói chung và những người Pháp đã đóng một vai trò nào đó trong cuộc chiến nói riêng chưa hoàn toàn tiêu hoá cuộc thất bại bằng võ trang nên đã chọn Boudarel là nạn nhân để tế thần.

Trách nhiệm của Boudarel và Kháng chiến về những cái chết của tù binh Pháp trong trại 113 như thế nào ? Chiến tranh có phải là cuộc tàn sát nhân loại một cách hợp pháp hay không ? Làm thế nào để giữ được lòng nhân đạo khi đã lao minh vào cuộc chiến ? Muốn hiểu rõ những điều này thì người ta không thể nào chỉ lên án vô bằng chứng để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc mà cả hai bên Pháp và Việt, các thành phần và nhân chứng đã tham gia cuộc chiến phải nhất quyết thảo luận đứng đắn, nghiêm chỉnh và gạt bỏ những thành kiến trên tinh thần làm sáng tỏ quá khứ để trong tương lai khỏi phải gặp lại những sai lầm đáng tiếc. Đã có những ai sẵn sàng thực hiện điều này chưa kể cả những người xưa kia là tù binh ? Những ai theo dõi vụ kiện này từ đầu cũng phải nhận xét rằng chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng. Tại sao ? Boudarel từng là người đã đi theo kháng chiến với tất cả những thử thách kể cả tính mạng để đến ngày hôm nay trở thành một kẻ tai tiếng mà chính chính quyền Việt Nam cũng ngấm ngầm lên án ông về tội phản lại chủ nghĩa cộng sản và chống chính quyền nhà nước Việt Nam. Đây là một sự mỉa mai của lịch sử. Trong khi chế độ độc quyền ở Việt Nam sẵn sàng tiếp đón những nhà kinh doanh Tây Âu tới khai thác công nhân trong nước thì một kẻ như Boudarel tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ và cấp tiến thì bị nhà nước Việt Nam tẩy chay và gạt bỏ. Thái độ này chứng tỏ cách suy luận hạn hẹp của một chế độ không có gì làm niềm tự hào cho dân tộc.

Trả lời cho những loạt câu hỏi nêu trên sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án Boudarel và trách nhiệm của mỗi phe trong cuộc chiến. Nếu phải lên án điều gì thì ta không ngần ngại lên án chiến tranh và những người đã thúc đẩy kẻ khác đi vào con đường này. Ngày nào con người còn lấy chiến tranh làm giải pháp thì ngày đó sẽ còn xẩy ra những vụ Boudarel khác.

Lời bạt :

Mấy năm cuối trước khi lìa đời Bouda được một nhóm người nồng nhiệt muốn giúp đỡ Bouda trong cuộc sống hàng ngày cũng như bảo vệ thanh danh và cố làm thế nào để cái tủ sách của Bouda khỏi bị phân tán. Giờ đây Bouda không còn nữa để đối đầu với những kẻ thù vẫn tiếp tục viết lung tung để lên án và bôi nhọ tên tuổi của Bouda trên những trang web ngay cả trang của từ điển bách khoa mở Wikipedia, hoặc dự án bộ luật muốn cho tội chống nhân loại không thể được ân xóa, vậy những người ấy trong hội Những người bạn của Bouda đâu rồi ?

Sommaire de la rubrique
Haut de page