Communications aux colloques

Communications aux colloques




Đi tìm một mô hình nhà sinh thái cho môi trường sinh thái :
di sản & hiện đại hoá Phú Yên
Đi tìm một mô hình nhà sinh thái cho môi trường sinh thái :
di sản & hiện đại hoá Phú Yên



Hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày thành lập tỉnh Phú Yên, Tuy Hoà, 2 avril 2011.

Version française



Phân tích tình thế


Theo tiêu chuẩn quốc tế thì Việt Nam là một nước còn nghèo hay nói theo từ ngữ những năm 1970 là "đang phát triển". Cơ sở hạ tầng không bằng các nước phát triển về công nghiệp, Việt Nam còn mang cả những thiệt thòi do lịch sử cận đại (nền thuộc địa, chiến tranh). Vấn đề đã được đặt ra trong thập kỷ 1990 khi Việt Nam phải đối đầu với tình hình mới sau khi chuyển hướng kinh tế : nên theo mô hình phát triển nào ? Các nhà lãnh đạo đã không cần mất thì giờ suy nghĩ mà lựa ngay mô hình ưu thế của Phương Tây chiến thắng, Phương Tây của kinh tế thị trường. Sự suy luận của chúng tôi không nằm trong quy mô lớn lao đó nhưng rất hạn hẹp hơn, quy mô của một tỉnh duyên hải miền Nam trung bộ coi như nghèo nàn (không có nhà máy công nghiệp, đường cao cấp, siêu thị lớn, tức là những nơi sản xuất và tiêu thụ đại chúng, nói theo tiêu chuẩn của Phương Tây đã trở thành tiêu chuẩn cho cả thế giới). Làm sao cho sự nghèo nàn tiêu tan, hay hay hơn nữa là cho nó có giá ? Làm sao có thể đảo ngược tình hình khi ta đội sổ ? Trong chiến tranh, Việt Nam đã tìm ra được một giải pháp để có thể đương đầu với một kẻ thù rất mạnh hơn mình bằng cách lấy môi trường, hiện hữu làm đồng minh trong chiến lược của mình. Nhờ dựa vào môi trường mà Việt Nam đã đảo ngược tình thế để xua đuổi những khó khăn và trở ngại qua phe địch. Chính cái tinh thần này, cách tiếp cận độc đáo này mà chúng ta cần cho tái sinh lại trong thời bình. Nhưng nghèo nàn cũng còn tương đối nếu chúng ta kể đến những yếu tố môi trường hay phẩm chất của cuộc sống. Về mặt dân cư thì Phú Yên nằm trong một mật độ rất trung bình, 170 ng/km², không phải sa mạc cũng không phải quá đông dân như vùng châu thổ Sông Hồng. Vì không có những trung tâm đô thị nên 80% người dân sống ở nông thôn. Một người dân mà có nhà riêng, thêm một mảnh vườn đủ để trồng thêm các thứ rau hay cây ăn trái, để có thể nuôi một vài con gà hay heo, một cái ao thả cá và gieo rau, được coi là một hộ nghèo vì thu nhập kém[5] . Nhưng nếu nhìn từ phía cạnh khác thì người dân này sống bằng sản phẩm của chính mình làm ra, các cây quả chắc là lành hơn các thứ mua ở siêu thị Phương Tây, không sợ bị nhiễm độc như các trái cây do nền nông nghiệp thâm canh sản xuất. Lối sống ở nông thôn cần di chuyển và công việc tay chân ngoài trời (làm vườn, làm ruộng...) làm cho vấn đề sức khỏe được cân bằng, - người ta chưa thấy có những nông dân việt nam béo phì như ở các nước Phương Tây có rất nhiều ngay cả ở nông thôn pháp hay hoa-kỳ cũng trở thành một vấn đề xã hội. Ba yếu tố cần cho người dân ở nông thôn việt nam là vườn, ao, chuồng mà các thuyết gia nông nghiệp gọi là V.A.C., một khung cảnh thiên nhiên và cần cho sự sống của người nông dân nếu không muốn nói là một hệ sinh thái rất tinh vi sống còn đối với người nông dân. Cũng nên nhắc lại là ao có nhiều chức năng, ngoài những chức năng đã nói đến (nuôi cá, thả bèo, rau muống, v.v.), cái ao mà người nông dân rất thích còn có chức năng giảm nhiệt vào mù hè : sức nóng làm cho nước bay hơi và trở thành những vi giọt làm cho không khí mát.

Chúng ta vừa nhắc qua nhà ở truyền thống của các tộc người kể cả người Việt. Nếu những ngôi nhà này hòa hợp với phong cảnh và có nhiều tiện lợi thì ngược lại cũng còn một vài điều bất tiện : mái nhà thường quá thấp, thiếu trần, và thường là ít cửa sổ nên có ảnh hưởng đến tiện nghi như thiếu ánh sáng về mùa mưa, vì không có trần nhà hay mái nhà không có lớp cách nhiệt nên mùa hè trong nhà cũng nóng. Nếu tường và vách làm bằng đất thì bề dầy không đủ để có thể đảm bảo chức năng cách nhiệt của đất. Thông thường người ta không đóng cửa nhà, sức nóng tràn vào trong nhà, nhưng nếu đóng cửa lại thì trong nhà lại tối. Nhà sàn của các dân tộc thiểu số có thể có nhiều cửa sổ hơn nhưng cũng có những điểm bất tiện chung.

Măc dù người dân việt nam vẫn thường lấy phân người để làm phân bón, cách dùng lại vật phế thải này không được hoàn hảo bởi nó tạo ra một vài điều bất tiện về vệ sinh. Gia đình nào cũng có cái cầu tiêu nằm vào nơi khuất gần các chuồng thú. Mùi hôi thối xuất phát từ các cầu tiêu làm cho người ta khó chịu, nhưng mọi người đã quen với lối sống này nên chẳng ai đặt thành vấn đề. Vì không có những suy nghĩ toàn bộ nên trong hiện tại, giải pháp mới là làm nhà theo mô hình của đô thị đầy đủ tiện nghi : cầu tiêu nước trong nhà, tường bằng gạch xi măng hay gạch thường, kiên cố hơn ngôi nhà "vách đất mái tranh". Tóm lược là nông thôn không ngần ngại cóp lại đô thị. Thông thường thì người dân lấy làm tự hạo có một ngôi nhà xây theo lối mới, kiên cố hơn ngôi nhà cũ vô giá, cho phá đi là xong. Sự bùng nổ của bất động sản sau khi chuyển hướng kinh tế do Đảng quyết định năm 1986 đã đẻ ra trong quang cảng thành thị, và với một chừng mực nào đó ở cả nông thôn, một thế hệ nhà mới, mái bằng, được xây cất kiên cố, nhưng tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta : nói theo dân dã thì người ta bảo "lấy đầu cá vá đầu tôm". Những ngôi nhà mới, chắc được lấy mẫu theo kiểu Disneyland mọc lên như nấm, lộn xộn khắp mọi nơi, đã trở thành phong cảnh của đô thị việt nam, ở các tỉnh người ta cũng khó mà tránh được cái mốt này. Về mặt thẩm mỹ thì các ngôi nhà hay villa này có rộng rãi cao ráo đến đâu cũng không có gì đáng kể nếu không nói là xấu. Về thiết kế, thông thường hai bên tường nhà không có cửa sổ, nhất là ở thành phố đất đai chật hẹp. Về tiện nghi phải thiết bị thêm máy điều hòa không khí, nếu không vào mùa hè trong nhà nóng đến nỗi rất khó chịu, lý do là các nhà xây theo kiểu này không hề có lớp cách nhiệt (cho tường và mái). Không có máy điều hòa thì trong nhà nóng vào mùa hè, và lạnh vào mùa đông (trường hợp ở ngoài Bắc), ngược lại với sở thích bình thường là nhà phải mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Những ai không đủ phương tiện thiết bị thêm máy điều hòa thì dùng quạt trần, hoặc quạt đứng, phát ra thêm tiếng động và phát nhiệt, rút cục không biết có mang lại được chút mát mẻ nào không.

Đối với mọi người, cầu tiêu nước trong nhà là một dấu hiệu của đời sống khá giả, một tiện nghi hiện đại mà chính ở Phương Tây, phương tiện này đã bị chỉ chích bởi những người biện luận cho mô hình nhà sinh thái và những người theo sinh thái học : thật là một điều phi lý khi người ta lấy nước uống, nước dùng để nấu ăn để xả phân người. Trung bình mỗi gia đình dùng cả trăm lít nước cho cầu tiêu, chiếm khoảng 25-30% khối lượng nước tiêu thụ hàng ngày. Các thứ nước người ta thải đi (giặt rũ, tắm rửa..) đều gặp nhau trong cống nước dẫn đến các nhà máy có chức năng giải độc, chế biến, xử lý nước đã sử dụng để nước trở thành hợp vệ sinh, uống được, chẳng hạn phải dùng đến các chất hóa học như chlore để khử trùng, và cứ thế vận chuyển trong một quỹ đạo đóng. Vấn đề xử lý nước cũng có cái giá của nó đối với tập thể, với từng người chúng ta, với môi trường. Ở Phương Tây, phần lớn các dòng nước bị ô nhiễm do nguồn hộ gia đình : vật phế thải từ các hộ gia đình được các nhà máy xử lý nước chế biến thành chất nitrate và phosphate rồi đem vất đi ngoài trời, chính hai chất này làm ô nhiễm các dòng nước. 97% nitơ (azote) và từ 50-80 phosphore trong nước thải ở thành phố có nguồn từ các cầu tiêu nước. Theo một cuộc khảo cứu gần đây do Đại học công giáo ở Louvain (Bỉ) thực hiện năm 2000, chất azote trong phân người thải ra tương đương với 40 % azote dùng trong nông nghiệp toàn thế giới [6]. Cầu tiêu nước như thế không phải là bước tiến so với cầu tiêu truyền thống của người Việt. Nếu một mặt, dùng cầu tiêu nước cũng tiện thì mặt khác, người ta bị ràng buộc vào một hệ thống, một mạng (phân phát nước, nghề máy nước...) và cũng phải trả cái giá của nó : thứ nhất về mặt tài chánh rồi đến sự ô nhiễm môi trường. Như thế dùng cầu tiêu nước có thực sự hơn cầu tiêu cũ không ? Những ngôi nhà mới xây cất vội vàng với những vật liệu thiếu chất lượng như những hòn gạch không đồng đều hình dáng, có cầu tiêu nước trong nhà, chắc là không phải điều nên theo nếu ta muốn có một giải pháp độc đáo và thiết dụng.

Nằm vào vùng nhiệt đới, khí hậu ở Phú Yên giản dị : mùa mưa bắt đầu từ tháng chín tây và chấm dứt vào tháng mười hai, thời gian còn lại là mùa khô. Ngoài những sông suối, đầm hồ, mưa cũng là nguồn nước quan trọng đáng kể. Từ trước đến giờ người dân ở nông thôn vẫn hứng nước mưa để dùng vào những việc hàng ngày (uống, tắm rửa, giặt rũ, v.v.) nếu nước giếng không đủ dùng. Sự thông dụng này không cần phải đầu tư hay quản lý rắc rối vì không cần có bộ máy tập trung như ở đô thị. Mỗi hộ gia đình lo cho chính mình. Tuy thế người ta có thể hoàn hảo mô hình này để người dân khỏi lo thiếu nước khi hạn hán, hay bằng cách xử lý nước mưa trường hợp bị ô nhiễm. Ở Phú Yên các son suối hay sông đều bắt nguồn trong lãnh thổ Việt Nam nếu không nói là ngay trong tỉnh. Đây là một ưu điểm đáng lưu ý trong bối cảnh tìm kiếm và chinh phục nước trở thành một vấn đề chiến lược toàn cầu. Nếu ở thế kỷ 19 than là nguồn nhiên liệu nổi bật, vào thế kỷ 20 thì là dầu hỏa, sang thế kỷ 21 thì nước là nguồn nhiên liệu mà các thế lực và các nhà nước đang thèm muốn, sự tranh chấp sẽ rất ác liệt vì không phải ai cũng tranh giành được, không phải ai cũng sẽ có phần. Ngay trong hiện tại, 1 tỷ người trên thế giới không có nước uống được, trong khi đó thì nông nghiệp tiêu thụ 80% tài nguyên nước trên toàn cầu, công nghiệp 12%, và chỉ còn 8% dùng cho tiêu thụ của mọi người [7]. Xin đưa ra một thí dụ là muốn sản xuất 1kg lúa mì thì người ta cần đến 1.500 lít nước, và 1 kg thịt công nghiệp thì 10.000 lít. Vùng Bắc và Nam Ấn Độ được coi như là thiếu nước tới mức báo động, đồng thời các xí nghiệp lớn gây áp lực qua trung gian các thể chế quốc tế để Ấn Độ nhượng quyền phân phát nước. Ngân hàng thế giới đã đầu tư để xây một đập thủy điện không cần biết đến dân cư tại vùng ; một thủ lĩnh của vùng này đã bị ám sát và rốt cuộc là xí nghiệp Vivendi (Pháp) được hưởng [8]. Trong tình huống này, các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, hay Việt Nam có những áp ức gì đối với nước láng giềng khổng lồ chuyển hướng nước sông Mê Kông ở đầu nguồn cho nhu cầu của họ, cũng chính đáng thôi ? Sự chăm sóc các dòng nước, các bờ sông hay suối là một công việc phải làm để tránh cho các dòng nước khỏi ô nhiễm, để mọi người được hưởng một môi trường lành mạnh, đẹp đẽ. Không ai sẽ tới bên một dòng sông đầy rác rưới để ngắm phong cảnh hay hoàng hôn.

Về lãnh vực năng lượng, nông thôn và thành thị ở Phú Yên có được mạng lưới thiết bị trên toàn lãnh thổ. Nguồn năng lượng chính là thuỷ điện trong khi đó Phú Yên có tiềm năng vô hạn về năng lượng tái hồi (renouvelables) như mặt trời, gió và có thể cả thủy triều. Đây là một sự lựa trọn về mặt chính trị, cũng như về mô hình xã hội : một mạng lưới năng lượng tự lực, do địa phương quản lý có nhiều ưu điểm hơn một mạng tập trung : trong chiến tranh, thời cuộc bất bình, loạn lạc, mạng lưới tập trung dễ là mục tiêu cho kẻ muốn phá hoại, chỉ cần làm tê liệt trung tâm là cả mạng đều tê liệt theo, và ngược lại một mạng được phân tán ra địa phương thì không thể nào dễ dàng làm nó tê liệt hoàn toàn, người ta có thể phả hủy một vùng của mạng chứ phá hủy cả mạng thì rất khó. Chúng ta hãy tưởng mỗi ngôi nhà là một nguồn phát điện cho nhu cầu của chính mình, thì làm sao có thể hủy hoại tất cả những nguồn năng lượng.

Chúng ta vừa nhắc đến vài khía cạnh của nếp sống tây phương đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chắc cũng nên lướt qua một vài khía cạnh của cuộc khủng hoảng này. Trước nhất là khủng hoảng trong nông nghiệp. Mô hình đâm canh được Hoa Kỳ thực thi rồi lan tràn qua các nước âu châu sau đệ nhị thế chiến, đã sa mạc hóa nông thôn, ở Anh nông thôn đã không còn nữa vì không còn nông dân, ở Pháp cũng đang trượt trên con đường trơn này [9]. Không còn nông dân tức là không còn nếp sống nông dân, không còn kiến thức truyền thống, không còn quá khứ nông dân. Các nước xã hội chủ nghĩa đông âu ngày xưa đang nếm mùi cay đắng của cuộc hiện đại hoá nông nghiệp khi đã là thành viên của EU. Tôn chỉ là sản xuất nhiều (với giá thấp nhất) để bán nhiều (với giá cao nhất), nhưng những doanh nghiệp có vai trò trung gian trong mua bán đã xen vào giữa những người sản xuất và những người tiêu thụ để mua với giá thấp nhất và bán với giá cao nhất do chính họ quyết định. Các doanh nghiệp này làm mưa làm gió trong ngoại và nội thương nhờ dựa vào tự do kinh doanh để gạt bỏ những kẻ cạnh tranh yếu thế ra ngoài, bằng chính sách giá mà các doanh nghiệp nhỏ không thể nào cạnh tranh được. Trong bối cảnh đó thì phẩm chất bị hi sinh cho số lượng : cà chua hay táo tây trong các siêu thị chẳng hạn, trông thì rất đẹp mắt, ăn vào thì chẳng còn mùi vị gì, đó là chưa nói khả năng bị nhiễm độc bởi thuốc trừ sâu bọ [10], mùi thơm của các thứ hoa đã biến mất đồng thời thì hoa càng ngày càng nhiều và vó vẻ đẹp hơn trên thị trường. Nông nghiệp hiện đại đã hi sinh cái thực chất để chỉ còn lại cái vỏ bề ngoài. Người ta sản xuất gà vịt chỉ trong mấy tháng, trong một không gian hạn hẹp đóng kín, chiếu sáng bởi ánh sáng nhân tạo, và được nuôi bằng thực phẩm cũng nhân tạo. Kết quả thì các con vật này trông thì bình thường trên những giá hàng bầy bán trong gói, kín rất vệ sinh trong các siêu thị, nhưng nấu lên thì xương thì chỉ như xụn và không còn mùi vị của thịt gà nuôi ngoài trời, những con gà không cần phải tranh giành nhau một chỗ đứng trong các chuồng gà kỹ nghệ tập trung. Coi như người ta đã sản xuất ra những con gà bệnh hoạn, không mùi vị, thịt bở, để cho người tiêu thụ ăn không cần suy nghĩ. Sở dĩ công nghiệp chăn nuôi này vẫn còn tồn tại vì ở cuối khâu người tiêu thụ vẫn tiếp tục mua vì rẻ hơn gà nuôi trong vườn, để thỏa mãn nhu cầu ăn thịt hai bữa trong ngày, đó là chưa kể đến các món ăn chơi khác như dăm bông, xúc xích, patê... Ở Châu Âu chưa thấy người ta ăn miếng bíp tếc cả 500 gr như ở Hoa Kỳ. Khi ăn thịt nhiều quá cũng trở thành vấn đề trong các lãnh vực khác nhau : sức khỏe, chuyên trở, phẩm chất của cuộc sống, đất, v. v. Hơn nửa diện tích đất canh nông trên thế giới, tức là khoảng 2 tỷ hec ta [11], đã bị hủy hoại về phương diện này hay phương diện khác (thể chất, xói mòn bởi nước, bởi gió, cấu tạo về mặt hóa học bị biến chất). Nếu diện tích rừng ở các nước kỹ nghệ như Bắc Âu, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Trung Quốc có tăng trưởng một ít thì ngược lại ở các nước Phương Nam như Brasil, các nước nhiệt đới ở Châu Phi, ở Đông Nam Á, ở Nga thì tiếp tục giảm hàng năm [12]. Người tiêu dùng thường không được biết đến nơi sản xuất, điều kiện sản xuất các thực phẩm cũng như cách dự trữ và chuyên trở. Thông tin ở đây cũng như ở các ngành khác rất quan trọng. Người tiêu dùng phải tự tìm ra những tư liệu về các thức phẩm họ mua vì các nhà sản xuất chỉ chú ý đến khâu quảng cáo, và người tiêu thụ lại phải để ý xem quảng cáo có đúng hay sai. Nếu trong một xã hội lành mạnh, nếu không có gì để giấu diếm, nhà sản xuất có trách nhiệm phải đưa ra những thông tin cần thiết cho người tiêu thụ.

Còn về công nghiệp thì cũng không có gì hơn. Nếu nhịp sản xuất càng ngày càng nhanh, đồ dùng được chế biển với những kỹ nghệ mới mẻ nhất, tinh vi nhất, người ta không có mục đích là làm cho đồ dùng có thời hạn dùng được lâu dài. Thời hạn này đã được quy định trước : chẳng hạn máy giặt hay đài truyền hình, máy in điện tử dùng cho tư nhân, máy hút bụi và các thứ máy dùng trong bếp không hoạt được sau một thời hạn, dù phần chính là bộ máy vẫn còn tốt nhưng chỉ cần một bộ phận phụ hỏng là máy không dùng được. Và nếu người ta muốn thay bộ phận hỏng thì cũng phải mất công lắm mới tìm ra, nếu may mắn. Trường hợp máy hút bụi là một tỉ dụ điển hình : sau một vài năm sử dụng người ta không tìm đâu ra túi chứa bụi trong máy. Làm sao bây giờ, máy thì vẫn còn chạy ? Vì đối với nhà sản xuất máy ấy đã lỗi thời, nên mua máy mới... Thế máy cũ vất đi sao ? Không vất thì cũng chẳng làm gì được... Vì mục đích của những nhà sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp là thúc hối người ta tiêu thụ càng ngày càng nhiều, còn chuyện cái giá phải trả vì ô nhiễm môi trường thì họ không cần đếm xỉa tới. Không ai đòi hỏi họ phải có trách nhiệm nào cả. Bây giờ người ta không sửa đồng hồ, đài truyền thanh, truyền hình nữa, người ta vất đi. Trong kinh tế thị trường thì vấn đề tài chánh áp đặt tất cả mọi mặt. Đối với người sản xuất các thứ nước uống thì dùng chai mới có sẵn rẻ hơn dùng lại chai đã dùng vì phải góp nhặt, chuyên trở, sử lý vệ sinh rồi mới dùng lại được, bài toán này là chính. Thế là khâu góp nhặt chuyên trở, sử lý vệ sinh hay cung cấp cho các xưởng chế chai lại thuộc về cộng đồng, cộng đồng phải trả cái giá đó. Các cơ quan chính quyền hoàn toàn tê liệt trước các nhà kinh doanh, công nghiệp nếu họ không đồng tình. Bởi thế các vỏ (hộp) máy tính cũ bị thải được đưa qua Ghana coi như là bãi rác của các nước công nghiệp tây phương. 50 đến 80% đồ phế thải điện tử ở Hoa Kỳ được tập trung với mục đích xử lý lại, thì lại tràn qua Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Pakitxtan) ở các nước này việc xử lý lại rẻ hơn ở Hoa Kỳ gấp mười lần, mặc dầu Trung Quốc đã chính thức cấm không cho nhập cảng các đồ điện tử, máy tính phế thải [13]1. Các hóa chất cũng như các kim loại dùng cho đồ dùng hàng ngày bị thải giữa thiên nhiên. Hai nước công nghiệp lớn nhất là Hoa Kỳ và Nga, tức là hai cường quốc gây ô nhiễm nhiều nhất đều không chịu ký vào bản nào trong bốn bản thỏa ước quốc tế về sản xuất và buôn bán các đồ độc nguy hiểm bị phế thải [14].

Xã hội công nghiệp là xã hội của phế thải, đây là một đặc trưng của công nghiệp bị lu mờ trong lâu dài trước khi những vật phế thải quá lan tràn vào đời sống để người ta im lặng. Mỗi ngày xã hội hiện đại sản xuất ra hàng triệu tấn đồ phế thải tư nhân và công nghệ. Một nước nhỏ bé như Tunisie mà gần đây, tổng thống phải bỏ chạy sau khi người dân đứng lên đòi quyền dân sự và phẩm cách, mỗi năm cộng động góp nhặt được 15.000 tấn nhựa phế thải (déchets plastiques), bộ trưởng bộ Môi trường và Phát triển bền vững cho biết là mỗi năm tư nhân phế thải 2 triệu tấn, và các xí nghiệp thải ra 200.000 tấn [15]. Ở Pháp mỗi năm 849 triệu tấn đồ phế thải hỗn hợp đủ loại, và 75 tỉnh không đủ điều kiển để xử lý đồ phế thải. Ô nhiễm môi trường ở các nước công nghiệp là nguyên nhân của một tỷ số tử vong đáng báo động : ở Pháp mỗi năm khoảng 6 đến 9000 người là nạn nhân. Một phần mười trẻ em bị bệnh xuyễn, ung thư và bệnh tim là nguyên nhân của 60% tử vong mà nguồn gốc là ô nhiễm (không khí, nước, dây chuyền nuôi dưỡng tới ngay cả sữa mẹ). Sự tăng trưởng của các bệnh tự miễn dịch, béo phì, sinh đẻ là do rối loạn về hormone do các chất hóa học, thành phần của thuốc tẩy dùng cho vệ sinh, chất dẻo và những chất dung hợp hoặc trừ sâu bọ[16]. Những căn bệnh của thời đại là điều dễ hiểu, nếu chúng ta biết rằng 47% các thứ rau và trái cây trong thị trường âu châu có thể bị nhiễm độc, tỷ số này càng ngày càng tăng so với những con số thu tập năm 2003, các phòng thí nghiệm đã tìm ra 197 loại thuốc trừ sâu bọ khác nhau sau khi đã phân tích 60.000 mẫu phân tích, tệ hơn nữa là 400 chất ô nhiễm, hydrocarbure, dioxin, thuốc trừ sâu bọ, phế thải của nhựa, keo gián, mực dùng cho máy in tư nhân, hiện diện trong bào thai con người [17].

Nếu hình ảnh của Phương Tây thường được chiếu trên các màn ảnh là chiếc xe đua tối tân hay xe tư nhân hai chỗ ngồi hiện đại được bàn tay của một thiếu nữ gợi cảm sờ lên làm cho người xem thèm thuồng, thì sự sản xuất và xử dụng xe cũng có cái giá phải trả về mặt thiệt hại cho môi trường. Sự ô nhiễm môi trường do tiêu thụ dầu hỏa làm cho cái giá mà cộng đồng phải trả nặng nề hơn. Sự quyết định dùng xe ô tô cho tất cả được các cấp trên định đoạt làm thiệt cho các giải pháp khác có trách hiệm về chống hoang phí và ô nhiễm. Có nhiều giải pháp không cần dùng đến dầu hỏa nhưng không thể thực thi được do các áp lực của giới dầu hỏa [18]. Sự phá bỏ những mạng đường sắt [19] cho là không có lợi hoặc ít lãi, rốt cục đã đưa xe ô tô lên địa vị độc tôn : ở nông thôn nếu không có xe thì người ta sẽ bị gạt bỏ ra ngoài lề vì không thể sống được. Hàng hóa được chuyên trở bằng các xe vận tải càng ngày khối lượng càng lớn, chuyên trở đã bùng nổ và làm tê liệt mạng đường sá, đó là chưa nói đến các tai nạn. Hai năm cuối đây sự tăng trưởng của vận tải hàng hoá trên thế giới đã tăng 170% [20].

Khoa học và kỹ thuật cũng không làm được gì vì cho đến bây giờ hai lãnh vực này chỉ là những công cụ của chính trị, của chiến lược xâm chiếm các thị trường, thống trị kinh kế không nhất thiết phải qua sự thống trị lãnh thổ. Nhân loại chưa từng bao giờ sản xuất nhiều thực phẩm, nhiều đồ dùng như bây giờ, đồng thời một phần nhân loại bị chết đói hàng ngày vì của cải được tích lũy nơi khác : theo tổ chức vô chính phủ CCFD (Ủy ban công giáo chống đói và vì Phát triển), mỗi ngày 10.000 trẻ em chết đói vì kém dinh dưỡng. Năm 2008 trong ba tháng đầu đã có các cuộc nổi dậy vì đói ở 37 nước thuộc Nam bán cầu trong đó có Ai Cập, Phi Luật Tân, Bangladesh, Haïti, v.v. Hơn hai tỷ nhân loại cũng ở Nam bán cầu sống trong bần cùng tuyệt đối, theo Ngân hàng thế giới, khó mà cho là thân thiện với các chính nghĩa vị tha nhân ái [21]. Sự chuyên môn hóa về sản xuất đẩy các nước nghèo vào thế yếu, chỉ phục vụ sản xuất cho các xí nghiệp lớn thống trị thị trường. Thị trường chứng khoán ở các đô thị lớn của Phương Tây quyết định giá các nhiên liệu cũng như những sản phẩm nông nghiệp, góp phần truất quyền các nhà sản xuất thuộc Nam bán cầu. Ngay chính ở Phương Tây, nhiều người, nhiều tổ chức đã lên tiếng để chống đối mô hình sản xuất thiêu hủy năng lượng và tạo ra những bất công xã hội, những đói kém. Có những nhóm suy luận khuyên nên rời bỏ mô hình phát triển để theo con đường khác : giảm phát triển, từ bỏ kỹ nghệ hạt nhân, không dùng xe ô tô trong bất cứ mọi trường hợp, v.v. Đây là một cuộc tranh luận, tuy thế mô hình của Phương Tây đã đi đến giới hạn về mặt tiến bộ xã hội cũng như về mặt xung túc. Một số người tìm tòi một nếp sống khác đã trở lại với thiên nhiên, tiêu thụ những sản phẩm của địa phương và xây nhà theo mô hình sinh thái để bớt lệ thuộc hệ thống thống trị và để tỏ cho biết là có những con đường khác, một thế giới khác có thể có được.

Vì đề tài liên quan đến du lịch như là một hướng đi mở đến thế giới bên ngoài để cho Phú Yên tiến triển, một vài câu hỏi chủ trốt phải được đặt ra, một vài nhận định phải được ghi nhận trước khi đi xa hơn. Những ai thường đi qua thành phố Luang-Prabang (Lào) thường khen ngợi là nơi yên tĩnh hiền hòa, đã được Unesco xếp hạng vào di sản văn hóa thế giới. Không phải chỉ thành phố với các kiến trúc chùa chiền mà cả cuộc sống ở đó, lối sống của người bản xứ, cả một cụm văn hóa làm cho nơi đây khác với những nơi khác. Những năm gần đây, áp lực của bất động sản đã làm cho một số người rời bỏ thành phố đi ra vùng lân cận để cho các nhà kinh doanh biến khu đất đó thành các khách sạn hay nơi phục vụ cho du lịch. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế, thì không lâu thành phố sẽ không còn người dân, để trở thành nơi thu hút du khách, nếu không nói là thành phố không hồn, rồi có thể mất luôn cả cương vị do Unesco cấp năm 1995. Nếu thế thì đó là bề trái của sự thành công nếu người ta cứ để mặc thời thế. Saint-Tropez, một cảng nhỏ của miền Nam nước Pháp cũng đã trải qua tình trạng này vào những năm 1950-1960 : vì thu hút một số nghệ sĩ và diễn viên điện ảnh nên nó phát triển, rồi áp lực bất động sản làm cho người dân phải bỏ nơi mình thường sinh sống để đi nơi khác, và đã biến nơi đây thành một thị xã không người trong nửa năm, còn nửa năm kia thì toàn du khách. Còn ở Việt Nam nếu Hội An thường được ca ngợi thì nó cũng có khả năng mất hết linh hồn nếu cứ biến nó thành nơi thu hút du khách phục vụ cho ý đồ ngắn hạn. Sapa là nơi du khách quốc tế hay đi qua, không phải chỉ vì có các dân tộc thiểu số, vì nếu thế thì Phú Yên có nhiều dân tộc thiểu số hơn, nhưng nơi đây là cả một sự phối hợp gồm cách tiếp xúc trao đổi với người bản xứ, môi trường thoáng, những điều mới lạ, v.v. Thế thì ta có thể đặt một loạt câu hỏi, những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta xác định những mục tiêu :

Chúng ta muốn tiếp xúc với các du khách nào, du lịch hay Tây ba lô, hai loại khách hoàn toàn khác biệt. Chúng ta có muốn có du khách sang đòi hỏi phải có sân golf và khách sạn năm sao không ? Chúng ta nhắm du khách từ các nước láng giềng hay từ xa như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi... Du khách cũng có đủ thành phần : những người biết tôn trọng nơi thăm viếng, những kẻ chỉ biết lấy mình, những kẻ ham hưởng thụ, những người đi tìm một không gian mới, những kẻ đi tìm giải quyết sinh lý, những người sành ăn ? Khi du khách tới Việt Nam thì họ thích caí gì : chen chúc vào đám đông ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, hay tìm những nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và khám phá một môi trường, một nếp sống khác ? Họ có muốn gặp lại những môi trường của nới họ sinh sống (tình trạng xe bị tắc đường, các cao ốc, các siêu thị vô hồn, v.v.) hay cái gì khác ở xứ họ không có, về mặt nghệ thuật, về lối sồng ? Những câu trả lời cho những câu hỏi trên đây có hậu quả đến chính sách tiếp tân, hạ tầng cơ sở, đầu tư, hình ảnh mà ta muốn cho thế giới bên ngoài biết đến.



Notes :

[5]. Về nông dân chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cố Viện trưởng Viện nông nghiệp ở Hà Nội, Đào Thế Tuấn vừa từ trần, được phát biểu trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Nông thôn ngày nay số ra ngày 12 tháng 3 năm 2009. Đại ý là nông thôn đang bị bần cùng hóa, người dân bị bóc lột trong mua bán với các xí nghiệp ngoại thương vì giá cả do các xí nghiệp này định đạt. Người dân không được hưởng một phần nào của sự tăng trưởng kinh tế, đất nông nghiệp bị đánh giá thấp không đúng với chức năng của nó, nông dân không được tiếp cận rộng rãi với giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, môi trường nông thôn bị ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ cây trồng, sau đến các chất phế thải của chăn nuôi và làng nghề, rồi đến các nước thải do các doanh nghiệp.

[6]. Bertaglia Marco, in Séminaire en pollution de l'environnement, Université Catholique de Louvain (Belgique), Unité de génie biologique, 1998-99, dẫn theo bài viết của Joseph Országh đăng trên trạm web sau đây : http://www.eautarcie.org/05f.html

[7]. "L'Atlas environnement. Analyses et solutions", n° Hors série du Monde diplomatique, p. 52.

[8]. Petrelle Ricardo (sous la dir.), L'eau. Res publica ou marchandise ?, La Dispute, Paris, 2003, p.107-108.

[9]. Những năm gần đây, mỗi năm cả hàng chục nghìn nông dân nghèo phải bỏ nông trại của mình vì không đủ điều kiện vật chất để theo thời cuộc do những công chức cao cấp quan liêu của EU định đoạt đòi hỏi qua những chuẩn mực được áp dụng.

[10]. Pháp là nước sử dụng thuốc trừ sâu bọ nhiều nhất trong cộng đồng EU : hàng năm 80.000 tấn thuốc trừ sâu bọ được rải trên đất nông nghiệp, tương đương với 3 kg trên một hec ta. Nguồn : http://www.agirpourlenvironnement.org/campagnes/c271.htm

[11]. "L'Atlas environnement", sdd, tr. 16."

[12]. L'Atlas environnement", sdd.

[13]. La consommation assassine. Comment le mode de vie des uns ruine celui des autres, pistes pour une consommation responsable, Éditions Charles Léopold Mayer, Paris, 2005, p.66-67.

[14]. "L'Atlas environnement", sđd., tr. 82.

[15]. http://www.tunisia-today.com/archives/38968

[16]. "L'Atlas environnement", sđd., tr. 60-61.

[17]. Nicolino Fabrice & Veillerette François, Pesticides. Révélations sur un scandale français, Fayard, Paris, 2007, pp. 43, 51.

[18]. Chẳng hạn như các loại máy chạy bằng hơi nước tức là bằng khinh khí, máy Pantone, máy Yasunori Takehashi, máy từ tính (magnétique) của Kohei Minato, v. v.

[19]. Mỗi năm người ta tháo bỏ khoảng 600 km đường sắt ở Châu Âu. Nguồn : "L'Atlas environnement", sđd.

[20]. "L'Atlas environnement", sđd.

[21]. Ziegler Jean, La haine de l'Occident, Albin Michel, Paris, 2008, p. 285.





Sommaire de la rubrique
Haut de page
Suite